Tuyên thu hồi 1.859 tỷ đồng trong 216 vụ án kinh tế, tham nhũng
Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, trong năm 2023, các tòa án đã tuyên thu hồi tiền và tài sản trị giá 1.859 tỷ đồng đối với 761 bị cáo trong 216 vụ án kinh tế, tham nhũng.
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, sáng 21/11, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội thảo luận ở hội trường về các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2023.
Xét xử các vụ án hình sự bảo đảm nghiêm minh, đúng pháp luật
Báo cáo về công tác của tòa án, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, năm 2023, các tòa án đã thụ lý 606.209 vụ việc, đã giải quyết được 540.490 vụ việc, đạt tỷ lệ 89,16%; cao hơn năm trước 0,26%.
So với năm 2022, số vụ việc đã thụ lý tăng 38.688 vụ (tăng 6,8%); đã giải quyết tăng 35.809 vụ. Tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan của tòa án là 0,89%, thấp hơn năm trước 0,01% và đáp ứng yêu cầu Nghị quyết Quốc hội đề ra (không quá 1,5%).
Về các vụ án hình sự, các tòa án đã thụ lý 96.084 vụ với 182.717 bị cáo; đã giải quyết, xét xử được 94.161 vụ với 176.040 bị cáo, đạt tỷ lệ 98% về số vụ và 96,35% về số bị cáo (cao hơn năm trước 0,29% về số vụ và 0,21% về số bị cáo), vượt 10% so với chỉ tiêu Nghị quyết Quốc hội giao (trên 88%).
Việc xét xử các vụ án hình sự bảo đảm nghiêm minh, đúng pháp luật, chưa phát hiện trường hợp nào kết án oan người không có tội. Chất lượng tranh tụng được bảo đảm.
“Các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo được các tòa án tổ chức xét xử nghiêm túc, đúng tiến độ, đúng pháp luật, theo tinh thần không có vùng cấm và không có ngoại lệ”, ông Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh.
Theo đó, đã tổ chức xét xử nghiêm nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng gây ra thiệt hại đặc biệt lớn, được dư luận xã hội rất quan tâm như: Vụ án vi phạm đấu thầu tại Bệnh viện Tim Hà Nội, Bệnh viện đa khoa tỉnh Đồng Nai, vụ án xảy ra tại Cục lãnh sự Bộ Ngoại giao…
Các tòa án đã áp dụng hình phạt nghiêm khắc đối với người chủ mưu, cầm đầu, lợi dụng chức vụ chiếm đoạt tài sản lớn của Nhà nước; đã tuyên thu hồi tiền và tài sản trị giá 1.859 tỷ đồng đối với 761 bị cáo trong 216 vụ án kinh tế, tham nhũng.
Về các vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại và lao động, các tòa án đã thụ lý 468.828 vụ việc; đã giải quyết, xét xử được 408.070 vụ việc; đạt tỷ lệ 87,04 %, vượt 9,04% so với chỉ tiêu Nghị quyết Quốc hội giao (trên 78%).
Tỷ lệ các bản án, quyết định hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan đáp ứng yêu cầu Nghị quyết Quốc hội đề ra; tập trung thực hiện có hiệu quả công tác hòa giải; hạn chế đến mức thấp nhất việc để án quá thời hạn giải quyết theo quy định của pháp luật; nâng cao chất lượng công tác tương trợ tư pháp.
Về các vụ án hành chính, các tòa án đã thụ lý 12.162 vụ; đã giải quyết, xét xử được 9.130 vụ (đạt tỷ lệ 75,07%), vượt 15,07% so với chỉ tiêu Nghị quyết Quốc hội giao (trên 60%).
Các tòa án chú trọng tổ chức đối thoại giữa các bên; tăng cường công tác phối hợp với các cơ quan liên quan trong quá trình giải quyết vụ án; tổ chức 1.034 phiên tòa xét xử trực tuyến góp phần hạn chế việc phải hoãn phiên tòa nhiều lần, giảm bức xúc cho người khởi kiện.
So với năm 2022, mặc dù thụ lý tăng 416 vụ nhưng các tòa án đã bảo đảm tiến độ, thời hạn giải quyết; tính đến ngày 30/9/2023, không có vụ án để quá thời hạn giải quyết theo quy định của pháp luật do nguyên nhân chủ quan; tỷ lệ giải quyết tăng 2,47% so với năm trước. Các tòa án đã ban hành 295 quyết định buộc thi hành bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật (tăng 119 quyết định so với năm trước).
Nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các loại vụ việc
Về nhiệm vụ công tác tòa án trong thời gian tới, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao nhấn mạnh việc thực hiện đồng bộ các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các loại vụ việc, phấn đấu đạt và vượt các chỉ tiêu, yêu cầu của Quốc hội, Tòa án nhân dân tối cao đã đề ra.
Đồng thời, làm tốt công tác quy hoạch, bổ nhiệm, luân chuyển, điều động, chuyển đổi vị trí công tác. Rà soát lại biên chế và khối lượng công việc của Tòa án nhân dân các cấp từ đó phân bổ, cơ cấu lại theo vị trí việc làm đảm bảo công bằng, công khai, minh bạch. Tập trung sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định về công tác cán bộ phù hợp với đặc thù của Tòa án nhân dân.
Cùng với đó, tăng cường xây dựng thể chế và bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong hoạt động xét xử; hoàn thành các dự án luật được phân công chủ trì soạn thảo bảo đảm tiến độ, chất lượng. Đặc biệt, chủ động xây dựng để kịp thời triển khai thi hành Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) khi được Quốc hội thông qua. Đổi mới quy trình lựa chọn và công bố án lệ theo hướng rút ngắn về thời gian và thủ tục, nâng cao chất lượng của án lệ.
Đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức và xây dựng, phát triển nguồn nhân lực; đa dạng các hình thức tập huấn, bồi dưỡng. Nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác kiểm tra, thanh tra; siết chặt kỷ cương, kỷ luật công vụ. Nghiêm túc thực hiện tốt Bộ quy tắc đạo đức và ứng xử của Thẩm phán. Thực hiện tốt công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực theo quy định.
Ngoài ra, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cũng nhấn mạnh việc tăng cường kỷ cương, kỷ luật tài chính; quan tâm đầu tư xây dựng, cải tạo trụ sở của các Tòa án, trang bị phòng xét xử trực tuyến đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp; chủ động, tích cực hợp tác chặt chẽ với tòa án các nước, các đối tác nhằm mở rộng hợp tác quốc tế…
Đồng thời, tiếp tục đổi mới thủ tục hành chính - tư pháp, bảo đảm công khai minh bạch các hoạt động của tòa án; khai thác và sử dụng có hiệu quả các phần mềm nội bộ dùng chung, phần mềm Trợ lý ảo; vận hành hiệu quả Trung tâm giám sát điều hành Tòa án nhân dân.