Tuyển thủ quốc gia đánh cược ở giải hạng Nhất

Có nhiều tuyển thủ quốc gia ngay trước mùa bóng mới đã rậm rịch xuống chơi ở giải hạng Nhất, đồng nghĩa với sự chấp nhận cơ hội lên tuyển Việt Nam không còn rộng mở, nhưng bù lại là những khoản lót tay 'khủng'.

Giải hạng Nhất buộc phải hoãn bốc thăm xếp lịch thi đấu vì hiện có đến năm đội bóng chưa xác định tham dự. Khó khăn về kinh phí đã khiến tân binh Khánh Hòa, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An và Định Hướng Phú Nhuận còn chần chừ đá giải. Tuy nhiên, vẫn có nhiều cầu thủ ở V-League, đặc biệt là tuyển thủ quốc gia đua nhau xuống đá giải hạng Nhất.

Thủ môn Đặng Văn Lâm với bản hợp đồng 27 tỉ

Làng bóng quốc nội đang xôn xao về việc tuyển thủ quốc gia Đặng Văn Lâm chấp nhận khoác áo CLB Thanh niên TP.HCM, sau khi góp công lớn giúp Bình Định giành ngôi á quân V-League 2024. Tuy nhiên, người trong cuộc không khó lý giải thủ môn Việt kiều Nga chia tay đội bóng đất Võ khi ở đây không còn là miền đất hứa.

 Thủ thành Đặng Văn Lâm chia tay Bình Định về đội hạng Nhất Thanh niên TP.HCM với mức lương và lót tay rất cao. Ảnh: ANH PHƯƠNG.

Thủ thành Đặng Văn Lâm chia tay Bình Định về đội hạng Nhất Thanh niên TP.HCM với mức lương và lót tay rất cao. Ảnh: ANH PHƯƠNG.

Văn Lâm vẫn còn hợp đồng với Bình Định cho đến hết mùa 2025, nhưng đối tác của CLB này cũng là nhà tài trợ Thanh niên TP.HCM muốn có những cái tên chất lượng ở giải hạng Nhất để nhanh chóng lên V-League đã không ngần ngại mua lại hợp đồng của tuyển thủ quốc gia này. Theo đó, Văn Lâm sẽ bắt gôn cho đội chủ sân Thống Nhất trong ba năm, với tổng mức phí chuyển nhượng là 27 tỉ đồng, chưa kể mức lương tháng được cho là 70 triệu đồng.

Đây là một bước chuyển mình hợp lý với cá nhân tuyển thủ quốc gia Văn Lâm, giữa một CLB không đủ tiền để sinh nhai ở mùa bóng mới và một đại gia mới nổi nhờ sự chống lưng của ông bầu vừa trở lại với bóng đá không hẳn vì quá đam mê. Tuy nhiên, việc thủ môn Văn Lâm đang chơi V-League bỗng dưng “hạ cấp” mình xuống giải hạng Nhất đã đặt ra nhiều thách thức cho người gác đền Việt kiều Nga trong khả năng trở lại đội tuyển quốc gia.

Thực tế trên tuyển, Văn Lâm cũng đã dần chuyển giao cầu môn cho tân binh Nguyễn Filip nhưng anh vẫn rất cần thiết cho HLV Kim Sang-sik ít nhất trong vai trò dự phòng. Nhưng khi chơi giải hạng Nhất, thủ môn Văn Lâm sẽ gặp ít sự cạnh tranh khắc nghiệt hơn (giải này không cho ngoại binh thi đấu), với các đồng nghiệp không hay như V-Legue.

 Người gác đền Việt kiều Nga chọn bước đi mới để thử thách mình. Ảnh: ANH PHƯƠNG.

Người gác đền Việt kiều Nga chọn bước đi mới để thử thách mình. Ảnh: ANH PHƯƠNG.

Bên cạnh đó, nếu đủ 11 đội bóng như mùa trước, giải hạng Nhất cũng không có nhiều cơ hội thi đấu cho Văn Lâm, cũng đồng nghĩa với việc anh ít cọ xát hơn. Chưa kể, có hoàn cảnh nào trục trặc trong số năm đội chưa đăng ký tham dự giải, hạng Nhất không biết có còn được gọi là chuyên nghiệp.

Cầu thủ V-League đua nhau xuống hạng Nhất

Không chỉ có mỗi tuyển thủ quốc gia Đặng Văn Lâm, một số đồng đội khác của anh cũng đua nhau chạy về giải hạng Nhất để… làm mới mình. Tân binh Thanh niên TP HCM với quyết tâm thăng hạng V-League mãnh liệt đã quyến rũ nhiều cựu, hoặc tuyển thủ quốc gia, hay tinh binh khác về sân Thống Nhất, như Đỗ Thanh Thịnh, Lê Ngọc Bảo, Đinh Thanh Bình, Đức Việt, Lê Minh Bình, Hữu Tuấn, Đỗ Văn Thuận, Phạm Văn Thành…

Làn sóng đổ xô chạy xuống hạng Nhất của những gương mặt quen thuộc này về dưới sự chỉ đạo của HLV Nguyễn Việt Thắng đều xuất thân từ các đội bóng thân quen Bình Định, HA Gia Lai, Nam Định.

 Có rất nhiều cầu thủ của đội á quân V-League Bình Định tìm kế mưu sinh ở giải hạng Nhất. Ảnh: ANH PHƯƠNG.

Có rất nhiều cầu thủ của đội á quân V-League Bình Định tìm kế mưu sinh ở giải hạng Nhất. Ảnh: ANH PHƯƠNG.

Một đội bóng có tiềm lực khác ở phía Bắc là CLB PVF - CAND đá giải hạng Nhất cũng thu hút nhiều cái tên đình đám như cựu tuyển thủ quốc gia Huy Hùng, nhà vô địch V-League bốn lần Nguyễn Văn Dũng đến từ Hà Nội. Trong thời gian tới, PVF - CAND sẽ tiếp tục thỏa mãn HLV Mauro săn tìm nhân tài mới, sau ba bản hợp đồng khác với tuyển thủ quốc gia Trần Ngọc Sơn, tiền vệ Việt kiều Úc Martin Lo của Hải Phòng và Ryan Ha Việt kiều Pháp từng khoác áo CLB Hà Nội.

Cầu thủ giỏi ở V-League chen chân về giải hạng Nhất cho thấy họ chấp nhận đánh đổi cơ hội thăng tiến hoặc trở lại đội tuyển quốc gia, không chỉ vì yếu tố tuổi tác, sức cạnh tranh mà còn là những khoản lót tay, lương thưởng lớn cực kỳ khó tìm trong thời buổi khó khăn cơm áo gạo tiền.

CÔNG TUẤN

Nguồn PLO: https://plo.vn/tuyen-thu-quoc-gia-danh-cuoc-voi-so-phan-o-giai-hang-nhat-post805208.html