Tuyên truyền biển đảo: Chỉ có mở đầu, không có kết thúc
Qua công tác tuyên truyền, nhận thức của người dân về biển, đảo đã được nâng lên, góp phần quan trọng cùng lực lượng Hải quân bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Phóng viên VOV phỏng vấn Chuẩn đô đốc Phạm Văn Luyện, Phó Chủ nhiệm Chính trị Quân chủng Hải quân về nội dung này.
PV: Thưa chuẩn đô đốc, đồng chí đánh giá như thế nào sự vào cuộc của các địa phương, cơ quan, đơn vị đối với công tác tuyên truyền biển đảo thời gian qua?
Chuẩn đô đốc Phạm Văn Luyện: Những năm qua, 63 tỉnh, thành phố và 16 cơ quan, đơn vị đã vào cuộc mạnh mẽ, triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện nghị quyết, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về biển, đảo; ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ; nhiều địa phương thành lập Ban Chỉ đạo, Ban Vận động phong trào "Vì Trường Sa thân yêu", "Quỹ vì biển đảo"... Hằng năm, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Thành ủy, các cơ quan, đơn vị phát huy vai trò, trách nhiệm là cơ quan thường trực, tích cực, chủ động tham mưu, giúp cấp ủy xây dựng triển khai kế hoạch phối hợp với Quân chủng Hải quân thực hiện các hoạt động cụ thể, gắn với nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị.
Các cơ quan thông tấn báo chí phối hợp với Quân chủng Hải quân tổ chức tuyên truyền nhiều sự kiện, nhất là về đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo; kỷ niệm ngày truyền thống; những chiến công tiêu biểu của Hải quân nhân dân Việt Nam; hoạt động đối ngoại quốc phòng, cứu hộ, cứu nạn... tạo hiệu ứng xã hội sâu sắc trong các tầng lớp nhân dân và kiều bào ta ở nước ngoài, tranh thủ sự ủng hộ của các nước, các tổ chức quốc tế trong sự nghiệp đấu tranh, bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Các địa phương bám sát địa bàn, đơn vị cơ sở, tích cực, chủ động tổ chức nhiều đợt, nhiều lần tuyên truyền về biển, đảo; đồng thời cung cấp tư liệu để các đơn vị Hải quân tuyên truyền, phổ biến cho cán bộ, chiến sĩ về tình hình phát triển kinh tế, xã hội và các hoạt động hướng về biển, đảo. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Thành ủy chỉ đạo mở các chuyên trang, chuyên mục về biển, đảo; cập nhật thông tin mới, biên soạn nội dung và đưa vào tài liệu phổ biến đến chi bộ. Qua đó, kịp thời thông tin, tuyên truyền cho cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân.
PV: Bên cạnh các hoạt động tuyên truyền về biển đảo với nhiều hình thức, việc đưa các đoàn công tác đến thăm quân dân trên các đảo gần bờ, quần đảo Trường Sa, nhà giàn DK1 được đánh giá là rất hiệu quả bởi mỗi cá nhân khi trở về đất liền như những tuyên truyền viên... Đồng chí nghĩ sao về điều này?
Chuẩn đô đốc Phạm Văn Luyện: Từ năm 2019 đến nay, Quân chủng Hải quân đã tổ chức 75 chuyến tàu, 8 chuyến máy bay, đón gần 16.500 đại biểu trong nước, kiều bào ta ở nước ngoài ra thăm, động viên quân, dân trên quần đảo Trường Sa, nhà giàn DK-I, bảo đảm an toàn tuyệt đối. Thông qua các chuyến đi, các đại biểu được chứng kiến thực tế, nhận thức sâu sắc, hiểu rõ về biển, đảo Tổ quốc. Sự cống hiến hy sinh của quân, dân trên quần đảo Trường Sa, nhà giàn DK-I đã tác động sâu sắc đến cảm xúc, tình cảm của đại biểu; khơi dậy và phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, nhân dân cả nước và kiều bào ta về biển, đảo Tổ quốc bằng những việc làm thiết thực, hiệu quả như: Tham mưu, đề xuất nhiều chủ trương, giải pháp đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội gắn với bảo đảm quốc phòng an ninh biển, đảo; tăng cường nguồn lực nâng cao chất lượng tổng hợp, khả năng sẵn sàng chiến đấu; cải thiện môi trường, điều kiện sinh hoạt và đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân...
Sự ủng hộ, giúp đỡ Trường Sa, nhà giàn DK-I về vật chất, kinh phí để xây dựng nhà ở, nhà làm việc và các cơ sở hạ tầng dân sinh, công trình văn hóa; trang thiết bị, đồ dùng cho bộ đội và nhân dân... và nhiều công trình dân sinh, công trình văn hóa khác được xây dựng, làm cho Trường Sa, nhà giàn DK-I được đổi mới mạnh mẽ, vững chãi, tạo thế và lực, nâng cao kháng lực, khả năng sẵn sàng chiến đấu, mở rộng không gian kinh tế ra ngoài đảo xa, diện mạo, tiềm lực và thế trận Trường Sa ngày càng đổi mới và vững trãi hơn, làm cho Trường Sa, nhà giàn DK-I gần hơn với đất liền, xứng đáng là điểm tựa tiền tiêu Tổ quốc .
Thông qua việc đi thăm trực tiếp, tận mắt chứng kiến quân dân trên quần đảo Trường Sa, nhà giàn DK1 thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền thì nhân dân ngày càng hiểu hơn về tình yêu đối với Tổ quốc, về chủ quyền thiêng liêng của biển, đảo. Qua đó, chính các đồng chí đại biểu cũng là những tuyên truyền viên, lan tỏa những thông tin đúng đắn, tích cực để cho nhân dân cả nước hiểu hơn về biển, đảo của chúng ta cũng như công tác đấu tranh lại với các luận điệu sai trái.
PV: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức trách nhiệm cho nhân dân về vị trí, vai trò của biển, đảo là giải pháp hiệu quả xây dựng “thế trận lòng dân” trên biển. Hải quân nhân dân Việt Nam đã thực hiện nhiệm vụ này như thế nào?
Chuẩn đô đốc Phạm Văn Luyện: Công tác Tuyên truyền biển đảo chỉ có mở đầu, không có kết thúc. Vì vậy, để góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị được giao, đến nay, Quân chủng đã ký kết chương trình phối hợp tuyên truyền biển, đảo với 63/63 tỉnh, thành phố và 16 cơ quan Trung ương. Công tác phối hợp tuyên truyền biển, đảo được triển khai ở nhiều cấp, nhiều ngành, thu hút đông đảo lực lượng tham gia; nội dung, hình thức, phương pháp phối hợp ngày càng toàn diện, có chiều sâu, luôn có sự đổi mới, sáng tạo, phù hợp với từng đối tượng, địa bàn, tạo đột phá, sức lan tỏa rộng rãi.
Tuyên truyền biển đảo đã thực sự khơi gợi tình yêu biển đảo Tổ quốc vốn căng đầy trong trái tim mỗi người dân Việt Nam, thành hành động tích cực nhân lên gấp bội sức mạnh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, biển đảo của Tổ quốc; tạo ra sự yên tâm và đồng thuận với quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước ta trong giải quyết các vấn đề trên Biển Đông.
Thông qua công tác phối hợp tuyên truyển biển, đảo đã góp phần quan trọng tạo nên bước chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của các cấp, các ngành; đặc biệt, làm cho nhân dân cả nước cũng như kiều bào ta ở nước ngoài ngày càng hiểu sâu sắc hơn về vị trí, vai trò, tầm quan trọng, tiềm năng to lớn của biển đảo Việt Nam; về những diễn biến tình hình và phát triển kinh tế - xã hội trên các vùng biển đảo; về vai trò của Hải quân nhân dân Việt Nam và các lực lượng trong quản lý đấu tranh, bảo vệ chủ quyền biển, đảo; thông qua công tác tuyên truyền biển, đảo đã trực tiếp góp phần nâng cao tiềm lực chính trị - tinh thần, tăng cường “thế trận lòng dân” trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
PV: Trân trọng cảm ơn Chuẩn đô đốc!