Tuyên truyền chống khai thác IUU từ phiên tòa giả định tại huyện Trần Đề
Phiên tòa giả định là phiên tòa xét xử vụ án đã được biên tập và mã hóa các thông tin do công chức, người lao động Tòa án nhân dân tỉnh Sóc Trăng thực hiện. Dù là phiên tòa giả định nhưng tình tiết vụ án là có thật và đã xảy ra trên địa bàn của một tỉnh khác.
Theo cáo trạng giả định, Trần Văn Nhân là chủ tàu cá số hiệu SS-S1-TS, SS-S2-TS được cấp phép khai thác thủy sản trên vùng biển Việt Nam. Do có ý định qua vùng biển của nước T để khai thác thủy sản trái phép, Nhân trực tiếp phân công Nguyễn Văn Tân (quản lý cặp tàu SS-S1-TS, SS-S2-TS) và tuyển ngư phủ (12 người), cho ngư phủ ứng tiền để đi qua vùng biển nước T khai thác hải sản trái phép. Nhân còn chỉ đạo Tân tìm người ở nước T mua vé thông tin về việc Hải quân nước T tuần tra để trốn tránh. Đến khoảng đầu tháng 9/2022, Tân chạy cặp tàu này về đến Cảng TĐ, tỉnh S. Sau đó, Tân đã liên hệ, rủ và nói rõ với các ngư phủ qua vùng biển nước T khai thác thủy sản trái phép, có mua vé thông tin, tiền ứng từ 20.000.000 - 25.000.000 đồng/người, tỷ lệ chia 6/4; khai thác 100 ngày vô bờ 1 lần. Đến ngày 6/9/2022, Nhân, Tân cùng một số ngư phủ đã lên cặp tàu có số hiệu SS-S1-TS và SS-S2-TS đi qua vùng biển nước T khai thác thủy sản trái phép. Khi khai thác được khoảng 15 ngày, thì hai tàu cá của Nhân bị lực lượng Hải quân nước T tuần tra, phát hiện và đưa về giam giữ tại Trại B của nước T.
Hành vi đó của Nhân, Tân là nguy hiểm cho xã hội, đã trực tiếp xâm phạm đến trật tự quản lý hành chính; ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) của Việt Nam. Trong đó, Nhân giữ vai trò chủ chốt trong vụ án nên cần phải xử lý nghiêm. Hội đồng xét xử đã tuyên bị cáo Nhân với mức án 8 năm tù, bị cáo Tân với mức án 7 năm tù về tội “Tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép”.
*Sau khi kết thúc phiên tòa giả định, các đơn vị đã phối hợp tổ chức tọa đàm để quán triệt, phổ biến, tuyên truyền về Chỉ thị số 32-CT/TW, ngày 10/4/2024 của Ban Bí thư và các văn bản có liên quan.
Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã quán triệt, tuyên truyền có trọng tâm, trọng điểm các nội dung: Chỉ thị số 32-CT/TW, ngày 10/4/2024 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định và phát triển bền vững ngành thủy sản; Nghị quyết số 52/NQ-CP, ngày 22/4/2024 ban hành Chương trình hành động và kế hoạch của Chính phủ triển khai thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW, ngày 10/4/2024; Chương trình hành động của Tỉnh ủy và Kế hoạch của UBND tỉnh Sóc Trăng triển khai thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW, ngày 10/4/2024. Đặc biệt, nhấn mạnh những quy định pháp luật về hành vi cấm, không được thực hiện liên quan công tác khai thác thủy sản để người dân, ngư dân nắm rõ, thực hiện đúng quy định pháp luật.
Tại buổi tọa đàm, các cơ quan chức năng có thẩm quyền lần lượt trả lời những thắc mắc của người dân liên quan các vấn đề: việc chuyên chở xăng, dầu vùng biển; quy định bắt buộc đối với tàu khi ra khơi; thiết bị giám sát hành trình; tàu gặp sự cố cần được hỗ trợ…
Đồng chí Thái Rết trân trọng ghi nhận, chia sẻ những khó khăn cùng ngư dân. Mong rằng qua phiên tòa giả định sẽ cung cấp đến ngư dân thông tin về một số hành vi bị nghiêm cấm trong khai thác thủy sản, cũng như chế tài của pháp luật đối với các hành vi này. Từ đó, nhằm giúp cho ngư dân am hiểu hơn về quy định của pháp luật và không thực hiện hành vi vi phạm khi thực hiện khai thác thủy sản, góp phần cùng cả nước tháo gỡ “thẻ vàng” cảnh báo của châu Âu đối với thủy sản Việt Nam.