Tuyên truyền chức sắc, chức việc, tín đồ tôn giáo tham gia giữ gìn an ninh, trật tự

Thời gian qua, lợi dụng yếu tố liên quan đến vấn đề dân tộc, tôn giáo, các đối tượng thù địch tăng cường hoạt động kích động, lôi kéo người dân thực hiện ý đồ chống phá Đảng, Nhà nước. Với phương châm đoàn kết, xây dựng cuộc sống 'tốt đời, đẹp đạo', 'kính Chúa yêu nước', các chức sắc, chức việc, tín đồ tôn giáo ở Quảng Trị đã tham gia nhiều hoạt động an sinh xã hội, hưởng ứng phong trào thi đua yêu nước, đóng góp tích cực trong công tác đảm bảo an ninh trật tự, phát triển KT-XH.

Công an huyện Hải Lăng phối hợp với Giáo hội Phật giáo Việt Nam huyện Hải Lăng tổ chức tuyên truyền pháp luật cho bà con phật tử, tu sinh -Ảnh: M.N

Công an huyện Hải Lăng phối hợp với Giáo hội Phật giáo Việt Nam huyện Hải Lăng tổ chức tuyên truyền pháp luật cho bà con phật tử, tu sinh -Ảnh: M.N

Tại Quảng Trị, đồng bào tôn giáo sinh hoạt đa dạng, trong đó có trên 200 cơ sở Phật giáo với hơn 240 tăng, ni và khoảng 60.000 tín đồ; các chi hội tin lành, 2 nhà thờ, 1 nhà nguyện, hơn 20 chức sắc và khoảng 7.000 tín đồ; Hạt Công giáo Quảng Trị (thuộc Tổng Giáo phận Huế) với hơn 20 giáo xứ, 1 Trung tâm hành hương, hơn 10.000 tín đồ và 200 chức việc, tu sĩ.

Các chức sắc, sức việc, quần chúng tín đồ luôn phối hợp với cấp ủy, chính quyền, lực lượng chức năng phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong công tác phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội, xây dựng văn minh đô thị; nêu cao cảnh giác, phát hiện, tố giác hành vi lợi dụng hoạt động tôn giáo gây mất an ninh, trật tự.

Trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 52 mô hình với hơn 920 điểm hoạt động mô hình của tôn giáo về an ninh trật tự. Trong đó, có 41 mô hình của Phật giáo tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc, 9 mô hình của Công giáo tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc, 2 mô hình của lương giáo, các tôn giáo tham gia giữ gìn an ninh trật tự. Nổi bật là mô hình “Phật giáo tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc và chung tay xây dựng nông thôn mới” phát động, xây dựng từ năm 2017 tại huyện Cam Lộ. Mô hình này được Bộ Công an chọn làm điểm và nhân rộng toàn quốc.

Đến nay, sau 7 năm triển khai xây dựng, duy trì và nhân rộng, mô hình này đã được phát động thực hiện tại 34 cơ sở Phật giáo. Tiêu biểu như các mô hình “Phật giáo Cam Lộ tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc và xây dựng nông thôn mới”, “Phật tử Đông Hà tham gia giữ gìn an ninh trật tự và xây dựng văn minh đô thị”, “Phật giáo huyện Hướng Hóa tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc và xây dựng nông thôn mới, văn minh đô thị”, “Niệm phật đường đoàn kết, chung tay bảo vệ an ninh Tổ quốc và xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu” tại các huyện Triệu Phong, Hải Lăng...

Từ các điểm hoạt động của mô hình Phật giáo tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc gắn với chung tay xây dựng nông thôn mới, xây dựng văn minh đô thị ”, bà con phật tử đã cung cấp cho cơ quan chức năng trên 300 thông tin liên quan đến tội phạm, hành vi vi phạm pháp luật, giúp cơ quan xác minh, làm rõ, có biện pháp giải quyết, ngăn chặn kịp thời. Qua đó góp phần xây dựng mối quan hệ mật thiết giữa cấp ủy, chính quyền, lực lượng công an với Giáo hội Phật giáo Việt Nam các cấp, từng bước xây dựng và thắt chặt mối đoàn kết trong Nhân dân.

Riêng tại TP. Đông Hà hiện có 21 cơ sở Phật giáo được chính quyền công nhận, trong đó có 18 chùa, 3 niệm phật đường với hơn 15.000 tín đồ. Trước tình hình địa bàn luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ phức tạp, tác động đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, Công an TP. Đông Hà đã chủ động tham mưu cấp ủy, chính quyền cùng cấp, phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố triển khai xây dựng các mô hình “Phật giáo tham gia phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc và xây dựng văn minh đô thị”. Từ mô hình đầu tiên được triển khai tại Chùa Lập Thạch (phường Đông Lễ) năm 2018, đến nay mô hình đã được nhân rộng tại Chùa Nghĩa An (phường Đông Thanh), Chùa Điếu Ngao (Phường 2), Chùa Đại Áng (phường Đông Lương) và chùa Kiều Đàm (Phường 4).

Trong các buổi phát động xây dựng điểm hoạt động của mô hình, ban chỉ đạo mô hình đã tổ chức cho tăng, ni, phật tử sinh hoạt tại các chùa ký cam kết thực hiện đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, giáo lý Phật pháp.

Thông qua các buổi sinh hoạt tín ngưỡng tại các cơ sở Phật giáo, Công an TP. Đông Hà đã lồng ghép thông tin về phương thức, thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm; việc lợi dụng các vấn đề về tôn giáo, dân tộc của đối tượng thù địch thực hiện hoạt động chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, tuyên truyền tôn giáo trái pháp luật. Đồng thời vận động tăng, ni, phật tử tích cực tham gia các phong trào phát triển kinh tế ở địa phương.

Cùng với việc phát động xây dựng các mô hình bảo vệ an ninh trật tự, mô hình “Vận động treo cờ Tổ quốc tại các cơ sở tôn giáo và nhà riêng của tín đồ tôn giáo” cũng được Công an tỉnh Quảng Trị quan tâm triển khai. Từ năm 2020 đến nay, bằng nhiều biện pháp tuyên truyền, vận động, trên địa bàn toàn tỉnh đã có 100% cơ sở thờ tự của Phật giáo treo cờ Tổ quốc trong khuôn viên và 100% phật tử treo cờ Tổ quốc tại nhà riêng; 92/137 điểm sinh hoạt của đạo Tin lành treo cờ Tổ quốc trong khuôn viên và 90% tín đồ theo đạo Tin lành treo cờ Tổ quốc tại nhà riêng; 13/41 cơ sở Công giáo treo cờ Tổ quốc trong khuôn viên và 80% tín đồ treo cờ Tổ quốc tại nhà riêng. Việc treo cờ Tổ quốc trong khuôn viên cơ sở thờ tự và tại nhà riêng của tín đồ tôn giáo được thực hiện thường xuyên, trang trọng vào các ngày lễ lớn, thời điểm diễn ra các sự kiện chính trị, xã hội quan trọng của đất nước, ngày lễ trọng của các tôn giáo.

Việc làm này góp phần tạo sự gắn kết giữa chính quyền địa phương, lực lượng chức năng và các chức sắc, chức việc, tín đồ tôn giáo, cùng yêu thương, nhân ái, đoàn kết xây dựng cuộc sống an vui, ấm no, hạnh phúc.

Nhật Minh

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/tuyen-truyen-chuc-sac-chuc-viec-tin-do-ton-giao-tham-gia-giu-gin-an-ninh-trat-tu-187187.htm