Tuyên truyền có là giải pháp duy nhất?
ĐBP - Mấy năm gần đây, tình trạng trẻ dưới 5 tuổi tử vong trên địa bàn toàn tỉnh đã và đang trở nên đáng báo động. Trong khi đó, các giải pháp được cơ quan chức năng, chính quyền địa phương triển khai mới chỉ dừng lại ở công tác tuyên truyền song chưa mang lại hiệu quả; nhận thức, hành vi của người dân vẫn còn nhiều hạn chế, nhất là ở khu vực vùng sâu, vùng xa...
Cán bộ Trạm Y tế xã Lao Xả Phình (huyện Tủa Chùa) tuyên truyền kiến thức chăm sóc sức khỏe sinh sản cho người dân trên địa bàn.
Dang dở những phận đời
Ðến xã Na Cô Sa (huyện Nậm Pồ) vào những ngày đông cuối năm 2019, theo chỉ dẫn của cán bộ xã, chúng tôi tìm đến nhà chị G. T. M. ở bản Huổi Thủng 3. Gia đình chị M. vừa trải qua nỗi đau tinh thần khi mất đi thành viên trong gia đình chỉ vì thiếu hiểu biết, thiếu kiến thức về chăm sóc sức khỏe. Gương mặt thất thần, chị M. chia sẻ với chúng tôi về cái chết của con mình cách đây không lâu. Theo lời kể của chị M. thì lúc con chị bị ốm, gia đình không đưa cháu đến cơ sở y tế khám, điều trị mà mời thầy cúng về làm lễ. Khi bệnh nặng mới đưa cháu đến cơ sở y tế thì đã quá muộn. Qua tìm hiểu, ở xã Na Cô Sa, trường hợp như gia đình chị G.T.M. là không hiếm. Theo chính quyền xã, nguyên nhân nhiều trường hợp trẻ tử vong là do nhận thức người dân còn hạn chế. Hơn nữa, so với các xã khác trên địa bàn huyện, Na Cô Sa được biết đến là một trong những địa bàn có tỷ lệ hộ nghèo cao, đời sống người dân khó khăn (trên 83% là hộ nghèo).
Ông Giàng A Tủa, Chủ tịch UBND xã Na Cô Sa cho biết: Cùng với tỷ lệ hộ nghèo cao, vài năm trở lại đây, tình trạng tử vong trẻ dưới 5 tuổi ở xã diễn biến phức tạp. Riêng năm 2018, số trẻ đẻ ra sống toàn xã là 238 ca; trong đó trẻ chết sơ sinh 5 trường hợp; chết dưới 1 tuổi 26 trường hợp; chết dưới 5 tuổi là 29 trường hợp. Theo thống kê chưa đầy đủ, đầu năm 2019 đến nay, xã có nhiều trẻ dưới 5 tuổi tử vong. Dù chính quyền xã và hệ thống y tế cơ sở đã rất nỗ lực, đẩy mạnh tuyên truyền song chưa mang lại hiệu quả.
Ở Nậm Pồ, tình trạng tử vong trẻ dưới 5 tuổi đã ở mức đáng báo động. Trong đó tập trung ở các xã vùng cao có nhiều người Mông sinh sống, như: Nậm Chua, Nậm Nhừ, Na Cô Sa, Vàng Ðán... Theo thống kê của cơ quan chức năng, 11 tháng năm 2019, tỷ suất tử vong trẻ em dưới 5 tuổi trên địa bàn huyện 60,1%o, cao nhất toàn tỉnh và cao xấp xỉ gấp đôi so với toàn tỉnh (34,9%o). Trong đó, phần nhiều là trẻ tử vong dưới 1 tuổi.
Không chỉ Nậm Pồ, thời gian qua, tình trạng tử vong trẻ dưới 5 tuổi còn diễn ra ở các huyện như: Mường Nhé, Ðiện Biên Ðông, Tủa Chùa... Trong đó, đối với huyện Tủa Chùa, tình hình này không những không giảm mà có chiều hướng tăng. Cụ thể năm 2018, tỷ suất tử vong trẻ em dưới 5 tuổi 45,3%o; 11 tháng năm 2019 con số này đã tăng lên 56,6%o. Theo cơ quan chức năng, nguyên nhân dẫn đến các ca tử vong với những trường hợp này phần lớn là do trẻ mắc các bệnh: Viêm phổi, viêm màng não, dị tật bẩm sinh nhưng không được điều trị kịp thời.
Tuyên truyền có là giải pháp duy nhất?
Tìm hiểu nguyên nhân gốc rễ dẫn đến tỷ lệ tử vong trẻ dưới 5 tuổi cao, chúng tôi nhận được nhiều lý giải từ cơ quan chức năng cũng như chính quyền địa phương, trong đó, phần lớn đều cho rằng trình độ dân trí không đồng đều, kiến thức chăm sóc trẻ còn hạn chế là nguyên nhân cốt lõi dẫn đến thực trạng trên. Bên cạnh đó, do tư tưởng muốn sinh nhiều con (các trường hợp tử vong phần lớn là con thứ tư trở lên...) trong khi điều kiện kinh tế chưa đáp ứng chăm sóc nuôi dạy. Ngoài ra, dù đã được cán bộ y tế thăm khám và đề nghị cho đi tuyến trên để chữa bệnh song gia đình không đưa đi mà để ở nhà chữa bằng thuốc nam theo kinh nghiệm dân gian, cúng bái, khi đến cơ sở y tế thì tình trạng bệnh đã nặng.
Xác định nguyên nhân chính là do nhận thức của người dân còn hạn chế, do vậy hàng năm, công tác tuyên truyền đã được các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương tích cực triển khai. “Chúng tôi đã đẩy mạnh tuyên truyền, lồng ghép các cuộc họp thôn, bản, xã để nâng cao ý thức về chăm sóc sức khỏe cho người dân, nhất là việc chăm sóc trẻ em. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền rộng rãi đến bà con nhằm giảm thiểu tình trạng này” - ông Giàng A Tủa, Chủ tịch UBND xã Na Cô Sa cho biết.
Nói như vị Chủ tịch UBND xã Na Cô Sa, thì thời gian qua, chính quyền địa phương đã đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức, song kết quả thì dường như chưa có nhiều chuyển biến bởi qua thống kê của cơ quan chức năng, 2 năm gần đây, Na Cô Sa là một trong những xã có tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi tử vong cao trên địa bàn huyện.
Mang những băn khoăn, trăn trở về thực trạng này trao đổi với cơ quan chức năng của tỉnh, chúng tôi cũng nhận được câu trả lời khá giống nhau về phương hướng và giải pháp nhằm giảm thiểu tỷ lệ tử vong trẻ em dưới 5 tuổi của chính quyền các địa phương cũng như của tỉnh đó là “tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền”. “Ngoài tuyên truyền thì chúng tôi cũng chả biết làm thế nào nữa” - bà Trịnh Thị Minh Nguyệt, Trưởng Khoa Chăm sóc sức khỏe sinh sản (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) khẳng định.
Xét câu trả lời của bà Trịnh Thị Minh Nguyệt - đại diện cho cơ quan chức năng trong công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản của tỉnh thì phải chăng cơ quan chức năng chưa có hướng khắc phục thực trạng này. Và phải chăng, tuyên truyền là giải pháp duy nhất và cuối cùng để giảm thiểu tình trạng tử vong trẻ em dưới 5 tuổi?
Dẫu biết để giảm thiểu tình trạng này không phải là chuyện ngày một, ngày hai và trách nhiệm cũng không riêng gì của ngành Y tế, nhưng xét đến cùng, để giải bài toán này, các cấp, các ngành trong đó có ngành Y tế cần phải đưa ra giải pháp hữu hiệu. Có như thế chất lượng dân số mới được cải thiện, đời sống nhân dân mới từng bước nâng cao.