Tuyên truyền, giáo dục pháp luật tới cán bộ, đảng viên
Với nhận thức tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho cán bộ, đảng viên để góp phần xây dựng Đảng về đạo đức, ngành tuyên giáo ở nhiều địa phương đã có cách làm hay để hoạt động này diễn ra liên tục, thường xuyên, sinh động và hiệu quả, tạo đà cho các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
Với nhận thức tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho cán bộ, đảng viên để góp phần xây dựng Đảng về đạo đức, ngành tuyên giáo ở nhiều địa phương đã có cách làm hay để hoạt động này diễn ra liên tục, thường xuyên, sinh động và hiệu quả, tạo đà cho các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
Tuyên truyền khéo, giữ yên làng, xã
Phường Gia Sàng là một trong ít địa phương có vị trí trung tâm của TP Thái Nguyên, nằm giữa nhiều trường đại học, bến xe, bệnh viện, trục đường giao thông lớn. Cùng với sự phát triển không ngừng của thành phố, phường Gia Sàng đã có những chuyển biến tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, mặt trái của sự phát triển cũng len lỏi, xâm lấn, ảnh hưởng tới đời sống người dân ở nhiều cộng đồng cư dân trên địa bàn phường. Đó là những vụ việc tranh chấp về đất đai, tệ nạn ma túy, mâu thuẫn giữa người dân… làm phai nhạt tình làng nghĩa xóm. Trong hai năm đầu của nhiệm kỳ trước, Đảng bộ phường từng có đảng viên vi phạm pháp luật làm ảnh hưởng đến thành tích của toàn Đảng bộ. Sau khi phân tích tình hình nguyên nhân, Ban Chấp hành Đảng bộ phường đã đưa ra nhiều giải pháp tháo gỡ; trong đó công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên về pháp luật được đề ra như biện pháp cấp bách và cần làm triệt để. Bí thư Đảng ủy Nguyễn Thị Thúy Nga cho biết: Hằng năm, Đảng ủy đưa vào nghị quyết nhiệm vụ tuyên truyền phổ biến kiến thức pháp luật; các bộ phận chức năng thực hiện nhiệm vụ này cũng tham mưu đề xuất được nhiều cách làm hay, sinh động, làm phong phú, hấp dẫn thêm hoạt động này. Từ đầu năm đến nay, phường đã thực hiện được hai cuộc phổ biến, tuyên truyền pháp luật, được cán bộ, đảng viên và nhân dân tích cực hưởng ứng.
Cán bộ Tư pháp phường Gia Sàng Nguyễn Văn Thắng phụ trách tuyên truyền giáo dục pháp luật cho biết: Tỷ lệ các vụ tranh chấp dân sự cần đưa lên phường giải quyết đã giảm đến 80% trong ba năm trở lại đây. Một phần nhờ phường đã duy trì được một hệ thống “tổ hòa giải ở cơ sở” với người đứng đầu là những bí thư chi bộ. Với những kiến thức pháp luật được cập nhật thường xuyên, nhiệm vụ của các tổ hòa giải không chỉ dừng ở việc hóa giải những mâu thuẫn nảy sinh trong khu dân cư mà còn vận động, tuyên truyền người dân thực hiện chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Biểu hiện sinh động nhất là đợt tuyên truyền vận động người dân thực hiện Nghị định 100-NĐ/CP của Chính phủ về không sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông và nhất là đợt cách ly xã hội chống đại dịch Covid-19 thời gian vừa qua. Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Thái Nguyên Hà Huy Hoàng cho biết, hiện tất cả 21 phường, 11 xã trên địa bàn thành phố đều duy trì các hoạt động tuyên truyền giáo dục pháp luật thường xuyên. Trong đó, mô hình “tổ hòa giải ở cơ sở” là một trong những trụ cột để hiệu quả thực thi pháp luật được lan tỏa, vận động người dân tự giác chấp hành quy định, pháp luật của Nhà nước.
Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thái Nguyên Lê Văn Tuấn cho biết: Từ năm 2013, Tỉnh ủy Thái Nguyên ban hành Chỉ thị số 29-CT/TU về việc tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác phổ biến giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, trong đó có công tác hòa giải ở cơ sở. Từ đó đến nay, hằng năm, tỉnh đều có kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở; tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, đảng viên; tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở. Trong 5 năm qua, toàn tỉnh đã tổ chức 1.035 lớp tập huấn cho 155.250 cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về hòa giải, tổ trưởng tổ hòa giải và hòa giải viên ở cơ sở. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật trên địa bàn tỉnh được tổ chức với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, từ nói chuyện chuyên đề tới các hội thi, các chiến dịch tuyên truyền cao điểm. Toàn tỉnh đã tổ chức 2.700 hội nghị tuyên truyền, phổ biến, quán triệt triển khai Luật Hòa giải ở cơ sở với hơn một triệu lượt người tham gia. Nội dung tuyên truyền tập trung vào các văn bản pháp luật phục vụ trực tiếp cho công tác hòa giải ở cơ sở như: Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Hôn nhân - Gia đình, Luật Lâm nghiệp, Luật Chăn nuôi, Luật Trồng trọt, Luật Nhà ở…
Tổ chức vững mạnh, nâng cao uy tín đảng viên
Công tác tuyên truyền của ngành tuyên giáo tỉnh Thái Nguyên góp phần thành công vào thực hiện Đề án số 06-ĐA/TU, ngày 22-11-2016, (Đề án 06) của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về “Nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng tỉnh Thái Nguyên trong sạch, vững mạnh, giai đoạn 2016 - 2020”. Sau hơn ba năm triển khai thực hiện Đề án 06, các chỉ tiêu chủ yếu của đề án cơ bản hoàn thành, có chỉ tiêu vượt mức theo lộ trình đề ra. Đề án đã góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên. Theo đó, nhiều chỉ tiêu về phát triển đảng viên, tổ chức cơ sở đảng hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên, luân chuyển cán bộ các cấp đều vượt chỉ tiêu đề án đề ra. Từ khi ban hành đề án đến nay, toàn Đảng bộ tỉnh thành lập được chín tổ chức đảng trong doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước.
Ngành tuyên giáo tỉnh Thái Nguyên đã phối hợp với cấp ủy đảng các cấp làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, tuyên truyền, giáo dục chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cho cán bộ, đảng viên nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất đạo đức tốt, ý thức tổ chức kỷ luật, tác phong gương mẫu và năng lực chuyên môn nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu đòi hỏi chất lượng ngày càng cao trong thực tiễn hiện nay. Tuyên giáo các cấp ở Thái Nguyên đổi mới phương pháp truyền đạt dễ hiểu, có liên hệ thực tế với địa phương, đơn vị; đổi mới và đa dạng hóa hình thức, nội dung học tập, coi trọng công tác tuyên truyền, vận động, tăng cường mở rộng thông tin hai chiều. Cán bộ tuyên giáo tham mưu cho các cấp ủy đảng nắm bắt tư tưởng của cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân. Những vụ việc phức tạp, dư luận quan tâm được kịp thời dự báo tình hình để chỉ đạo, định hướng giải quyết dứt điểm, góp phần giữ vững sự ổn định về chính trị, trật tự an toàn xã hội, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. Thực hiện tốt việc nắm bắt và kịp thời phản bác các thông tin, luận điểm sai trái, bảo đảm theo đúng chủ trương, định hướng của Đảng và Nhà nước. Hoạt động của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, cộng tác viên dư luận xã hội được quan tâm chú trọng, thường xuyên đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả.
Có thể nói với nhiều hình thức tuyên truyền, giáo dục đa dạng, phong phú, ngành tuyên giáo đã góp phần xây dựng hình ảnh người đảng viên gương mẫu rèn luyện, giữ gìn phẩm chất, đạo đức, lối sống, tiên phong, gương mẫu.