Tuyên truyền, giáo dục quốc phòng và an ninh sâu rộng, sát thực tiễn
Huyện Quan Sơn có 6 xã tiếp giáp biên giới với nước bạn Lào. Những năm trước đây, việc giao thương qua cửa khẩu Na Mèo diễn ra khá phức tạp.
Trước thực trạng đó, Hội đồng Giáo dục quốc phòng và an ninh (GDQPAN) tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo cấp ủy, chính quyền địa phương tập trung tuyên truyền, GDQPAN cho các đối tượng như già làng, trưởng bản, người có uy tín trong dòng họ và đại diện một số hộ dân thuộc các xã địa bàn biên giới. Ông Chu Đình Trọng, Phó chủ tịch Thường trực UBND huyện Quan Sơn cho biết: “Theo chỉ đạo của Hội đồng GDQPAN tỉnh, ngoài việc thực hiện tốt công tác GDQPAN cho các đối tượng, hàng năm địa phương đều mở lớp bồi dưỡng kiến thức QPAN cho đối tượng già làng, trưởng bản... Qua lớp học này nhằm tuyên truyền nâng cao nhận thức và phát huy vai trò trách nhiệm của họ trong công tác nắm bắt, thông báo kịp thời tình hình với lực lượng chức năng; vận động người dân chấp hành nghiêm pháp luật, giữ gìn an ninh-trật tự trên địa bàn”.
Huyện Nga Sơn là địa phương đi đầu trong việc GDQPAN cho các chức việc tôn giáo của tỉnh Thanh Hóa. Từ năm 2018 đến nay, huyện đã tiến hành bồi dưỡng kiến thức QPAN cho gần 100 chức việc. Qua đó, đã phát huy vai trò, trách nhiệm các chức việc trong việc tuyên truyền chủ trương, chính sách dân tộc, tôn giáo của Đảng, Nhà nước, khơi dậy tinh thần đoàn kết cộng đồng tới hàng nghìn giáo dân địa phương. Ông Lê Ngọc Hợp, Bí thư Huyện ủy Nga Sơn tâm sự: Việc mở rộng đối tượng giáo dục kiến thức QPAN tới các chức việc tôn giáo là chủ trương đúng đắn mang lại hiệu quả rõ nét. Thực tế những năm qua, trên địa bàn nảy sinh vụ việc phức tạp, nhưng với sự vào cuộc của các chức việc thì mọi việc đều được giải quyết ổn thỏa. Nhờ vậy, tình hình địa bàn luôn ổn định, lương-giáo luôn đoàn kết ra sức xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh.
Thực tế cho thấy, ở huyện Nga Sơn trước khi mở lớp học cho đối tượng chức việc, căn cứ vào tình hình thực tiễn địa phương, tình hình khu vực, thế giới... để đưa vào giáo dục những nội dung sát thực. Với đối tượng ngư dân 6 huyện ven biển tỉnh Thanh Hóa, Hội đồng GDQPAN tỉnh và các huyện đã phối hợp với các đồn biên phòng đứng chân trên địa bàn và cán bộ, chiến sĩ đảo Nẹ, đảo Mê tranh thủ thời gian bà con tạm nghỉ ra khơi để tuyên truyền, giáo dục, như về Luật Biển Việt Nam; phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; trách nhiệm bảo vệ và giữ gìn môi trường biển... Ở các huyện có biên giới, như: Mường Lát, Quan Sơn, Quan Hóa... hội đồng GDQP-AN các cấp đã phối hợp với các đơn vị đóng quân trên địa bàn tập trung tuyên truyền nhiệm vụ bảo vệ cột mốc biên giới, xây dựng nền biên phòng toàn dân và trách nhiệm vun đắp truyền thống đoàn kết với nước bạn đến từng người dân. Nhờ vậy, thời gian gần đây, một số tệ nạn xã hội và việc vi phạm pháp luật; tình trạng di dịch cư tự do ở các bản biên giới giảm đáng kể...
Những năm qua, công tác tuyên truyền, giáo dục QPAN trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa được tổ chức sâu rộng, huy động cả hệ thống chính trị tham gia, lồng ghép với nhiều hoạt động, mô hình, phong trào, cuộc vận động ở địa phương. Nhờ đó đã góp phần nâng cao chất lượng công tác quốc phòng, quân sự địa phương; cấp ủy, chính quyền và mọi người dân đều tích cực tham gia xây dựng LLVT và nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân trong tỉnh vững mạnh.