Tuyên truyền khẳng định đường lối đối ngoại nhất quán của Đảng, Nhà nước
Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thủy đề nghị ban tuyên giáo các địa phương, đội ngũ báo cáo viên các cấp tập trung tuyên truyền khẳng định rõ Việt Nam tiếp tục kiên trì đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ vì hòa bình, hữu nghị, hợp tác, phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa và hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng.
Sáng 9/3, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thủy chủ trì hội nghị báo cáo viên Trung ương tháng 3/2023 để thông tin các chuyên đề: “Xác định và xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới”; “Những kết quả nổi bật của công tác hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng thời gian gần đây, định hướng thời gian tới”.
Hội nghị được tổ chức trực tuyến tới các điểm cầu 63 tỉnh, thành và một số cơ quan Trung ương.
Điểm cầu Hà Tĩnh do Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lê Văn Khánh điều hành.
Mở đầu hội nghị, đại biểu đã được nghe PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ truyền đạt chuyên đề: “Xác định và xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới”.
Chuyên đề nêu rõ, xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới là yêu cầu khách quan, mang tính cấp thiết. Hiện nay, các châu lục cũng như các quốc gia trên thế giới đều nghiên cứu, đề ra các giá trị khu vực, giá trị quốc gia làm biểu tượng chung cho khu vực và quốc gia mình.
Các hệ giá trị châu lục hay hệ giá trị quốc gia mà họ xây dựng đều dựa trên khát vọng, mong muốn chung của từng khu vực, từng quốc gia, phản ánh đặc trưng và bản sắc văn hóa riêng biệt.
Hội nghị cũng nghe Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng truyền đạt chuyên đề: “Những kết quả nổi bật của công tác hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng thời gian gần đây, định hướng thời gian tới”.
Thời gian qua, các lĩnh vực hợp tác quốc phòng tiếp tục được mở rộng, thúc đẩy với tần suất cao. Trong đó, quan hệ hợp tác quốc phòng song phương giữa Việt Nam và các nước tiếp tục được củng cố, tăng cường, nhất là với các nước láng giềng và các đối tác quan trọng; xử lý hài hòa, cân bằng quan hệ giữa các nước, góp phần xây dựng lòng tin, tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình để phát triển đất nước.
Đối ngoại quốc phòng đa phương tiếp tục được triển khai hiệu quả, đưa ra những đóng góp giá trị, góp phần thúc đẩy các sáng kiến nhằm duy trì hòa bình, ổn định tại khu vực, được các nước ghi nhận và đánh giá cao.
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng, các cơ quan, đơn vị liên quan cần tiếp tục chủ động nắm chắc diễn biến tình hình khu vực và thế giới; tích cực tham gia đầy đủ, hiệu quả các diễn đàn an ninh khu vực và quốc tế, nhất là cơ chế hợp tác quốc phòng trong khuôn khổ ASEAN; đồng thời quan tâm, chăm lo, bồi dưỡng đội ngũ làm công tác đối ngoại quốc phòng chuyên nghiệp, giỏi nghiệp vụ và ngoại ngữ, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế về quốc phòng...
Định hướng nhiệm vụ thời gian tới, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thủy đề nghị ban tuyên giáo các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương, đội ngũ báo cáo viên các cấp và tuyên truyền viên cơ sở cần tập trung tuyên truyền khẳng định rõ Việt Nam tiếp tục kiên trì đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ vì hòa bình, hữu nghị, hợp tác, phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa và hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng.
Tiếp tục củng cố, thúc đẩy quan hệ với các nước, nhất là các nước láng giềng và các đối tác quan trọng; xử lý hài hòa, cân bằng quan hệ giữa các nước; tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện Chỉ thị số 25-CT/TW của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030, góp phần bảo đảm lợi ích của đất ước và đóng góp vào giải quyết các vấn đề hòa bình, an ninh và phát triển thế giới.
Về xác định và xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới, cần cụ thể hóa các hệ giá trị phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh thực tế của từng lĩnh vực, địa phương nhằm khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, góp phần xây dựng nhân cách, con người, xây dựng gia đình, phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thực hiện mục tiêu cao cả phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Ngoài ra, cần tập trung tuyên truyền về tình hình KT-XH của đất nước những tháng đầu năm; người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam; công tác lấy ý kiến của Nhân dân về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); tuyên truyền về 80 năm ra đời “Đề cương Văn hóa Việt Nam” (1943 - 2023); kỷ niệm các ngày lễ lớn, sự kiện lịch sử quan trọng trong thời gian tới.