Tuyên truyền kỷ niệm 25 năm Ngày thành lập Hội Người cao tuổi Việt Nam

Ban Tuyên giáo Trung ương ban hành công văn kèm theo Đề cương tuyên truyền 'Hội người cao tuổi Việt Nam 25 năm xây dựng và phát triển (10/5/1995 - 10/5/2020)' do Hội Người cao tuổi Việt Nam biên soạn. Tạp chí Tuyên giáo giới thiệu một số nội dung cơ bản trong Đề cương tuyên truyền.

HỘI PHỤ LÃO CỨU QUỐC - TỔ CHỨC TIỀN THÂN CỦA CỦA HỘI NGƯỜI CAO TUỔI VIỆT NAM

“Trọng lão” là truyền thống của dân tộc Việt Nam, ghi nhận công lao đóng góp của lớp người cao tuổi với gia đình và xã hội; thể hiện lòng biết ơn của thế hệ sau với thế hệ trước, truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” trọng nhân nghĩa của nhân dân ta.

Điển hình của truyền thống “trọng lão” trong lịch sử dân tộc là cuộc tập hợp các cụ phụ lão tại Điện Diên Hồng do Nhà Trần tổ chức năm 1284 để hỏi ý kiến các cụ nên “đánh” hay “hòa” khi quân Nguyên sang xâm lược nước ta lần thứ 2; tầng lớp phụ lão trong cả nước, tiêu biểu cho ý chí của nhân dân đã khẳng định quyết tâm chiến đấu, giúp triều đình Nhà Trần vững vàng lãnh đạo, tổ chức kháng chiến chống quân xâm lược, giành thắng lợi.

Sự kiện lịch sử “Hội nghị Diên Hồng” được đồng chí Nguyễn Ái Quốc trân trọng, chỉ rõ vị trí, vai trò to lớn của lớp người cao tuổi đối với nhiệm vụ cách mạng, ngay trong những ngày đầu về nước, trực tiếp chỉ đạo cách mạng Việt Nam. Tháng 6/1941, Người viết thư gửi các cụ phụ lão trong cả nước, khẳng định: “Trách nhiệm của các vị phụ lão chúng ta đối với nhiệm vụ đất nước thật là trọng đại. Đất nước hưng thịnh do phụ lão gây dựng. Đất nước tồn tại do phụ lão giúp sức. Nước bị mất, phụ lão cứu. Nước suy sụp phụ lão phù trì. Nước nhà hưng, suy, tồn, vong, phụ lão đều gánh trách nhiệm rất nặng nề... Nước nhà lo, các cụ cùng phải lo. Nước nhà vui, các cụ đều cùng được vui”. Người cho rằng, đoàn kết người cao tuổi trong một tổ chức là một yêu cầu cấp thiết. Do đó, ngày 21/9/1945, trong bộn bề công việc của những ngày đầu xây dựng chính quyền cách mạng, với cương vị là Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Người gửi thư tới các cụ phụ lão kêu gọi: “Chúng ta là bậc phụ lão, cần phải tinh thần đoàn kết trước để làm gương cho con cháu ta. Vậy tôi mong các vị phụ lão ở Hà Thành ra xung phong tổ chức “Phụ lão cứu quốc Hội” để cho các phụ lão cả nước bắt chước và để hùn sức giữ gìn nền độc lập nước nhà”. Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Hội Phụ lão cứu quốc đã được tổ chức ở các địa phương trong cả nước để góp phần tích cực cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tiến hành kháng chiến chống thực dân xâm lược thắng lợi và thực hiện nhiệm vụ cứu quốc.

Sau ngày 30/4/1975, đất nước đã hoàn toàn thống nhất; người cao tuổi cả nước hăng hái tham gia thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Hội Phụ lão cứu quốc ở các địa phương đã chuyển sang những hình thức mới, như “Hội thọ”, “Quỹ thọ”... để có điều kiện thực hiện các hoạt động chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi, hoạt động tình nghĩa, quan tâm giúp đỡ lẫn nhau lúc ốm đau, hoạn nạn; tổ chức chúc, mừng thọ, lo toan lễ tang chu đáo cho người cao tuổi khi qua đời; đem lại hiệu quả thiết thực, đoàn kết gắn bó tầng lớp người cao tuổi trong từng địa phương, cơ sở; góp phần tạo nên cuộc sống ấm áp trong tình làng nghĩa xóm, ổn định và phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương.

Sang thời kỳ đổi mới, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, với mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, xây dựng xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”, người cao tuổi cả nước có nhu cầu tập hợp, đoàn kết người cao tuổi trong một tổ chức để được đóng góp tài lực, kinh nghiệm vào sự nghiệp đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc tạo nên tính cấp thiết tiến tới thành lập Hội.

QUÁ TRÌNH VẬN ĐỘNG THÀNH LẬP, ĐẠI HỘI THÀNH LẬP HỘI NGƯỜI CAO TUỔI VIỆT NAM

Đáp ứng nguyện vọng của người cao tuổi trong cả nước, theo sáng kiến của một số vị lão thành cách mạng, của Viện Lão khoa Việt Nam và sự chỉ đạo của đồng chí Vũ Oanh, Ủy viên Bộ Chính trị, phụ trách công tác Dân vận, Ban Dân vận Trung ương, đầu năm 1993, cuộc hội thảo về xây dựng hệ thống tổ chức của người cao tuổi trong cả nước được tổ chức tại Hà Nội. Nhiều ý kiến khẳng định cần sớm ra đời Hội Người cao tuổi Việt Nam, xây dựng thành một hệ thống thống nhất trong cả nước để đáp ứng nguyện vọng chính đáng của các thế hệ có nhiều cống hiến cho đất nước, tiếp tục đóng góp cho công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới, là việc có lợi cho đất nước.

Để thực hiện nguyện vọng trên, Ban Vận động thành lập Hội Người cao tuổi Việt Nam được hình thành gồm 15 vị: Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch danh dự Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam làm Trưởng ban; Giáo sư, bác sĩ, Nhà giáo Nhân dân Phạm Khuê, Viện trưởng Viện Lão khoa Việt Nam làm Phó Trưởng ban và 13 Ủy viên. Thay mặt Ban Vận động, Giáo sự Phạm Khuê đã ký Tờ trình đề nghị Đảng đoàn Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam xem xét, công nhận Ban Vận động thành lập Hội Người cao tuổi Việt Nam.

Được Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đồng ý, ngày 27/9/1993, Ban Vận động đã họp phiên thứ nhất để bàn về nhiệm vụ, nguyên tắc hoạt động, các mối quan hệ công tác của Ban Vận động.

Ngày 26/2/1994, Giáo sư Phạm Khuê, thay mặt Ban Vận động báo cáo với lãnh đạo các cơ quan bảo trợ (Bộ Y tế, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam), đại diện các cơ quan liên quan (Vụ Đoàn thể Nhân dân, Ban Dân vận Trung ương; Vụ Văn xã, Ban Tổ chức Trung ương Đảng; Vụ Tổ chức, Ban Tổ chức cán bộ Chính phủ), các chuyên viên cao cấp (Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chính phủ) tham dự hội nghị về việc chuẩn bị Dự thảo “Điều lệ Hội” và “Chương trình hành động của Hội”. Đầu tháng 3/1994, Ban Vận động trình Chính phủ hồ sơ xin thành lập Hội Người cao tuổi Việt Nam.

Ngày 24/9/1994, Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh ký Quyết định số 523/TTg về việc quyết định cho phép thành lập Hội Người cao tuổi Việt Nam.

Sau khi các công việc chuẩn bị đã hoàn tất, Ban Vận động quyết định triệu tập Đại hội thành lập Hội Người cao tuổi Việt Nam vào ngày 9/5/1995.

CÁC NHIỆM KỲ ĐẠI HỘI NGƯỜI CAO TUỔI VIỆT NAM

25 năm xây dựng và phát triển, Hội Người cao tuổi Việt Nam trải qua 5 nhiệm kỳ Đại hội:

Nhiệm kỳ Đại hội I (từ ngày 10/5/1995 - 12/7/2001): Đại hộiđược tổ chức từ ngày 9 - 10/5/1995 tại Hà Nội với 215 đại biểu tham dự. Đại hội đã thông qua “Điều lệ Hội”, “Chương trình hành động toàn khóa”, “Thư gửi người cao tuổi Việt Nam”; quyết định lấy ngày 10/5/1995 là Ngày thành lập Hội Người cao tuổi Việt Nam.

Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Hội lần thứ nhất đã bầu Giáo sư, bác sỹ, Nhà giáo Nhân dân Phạm Khuê làm Chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam.

Hội Người cao tuổi Việt Nam được thành lập mở ra thời kỳ mới trong sự nghiệp chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi trên phạm vi cả nước, đáp ứng nguyện vọng của hàng triệu người cao tuổi Việt Nam. Ngay từ những ngày đầu mới thành lập, Hội Người cao tuổi Việt Nam được Đảng, Nhà nước quan tâm, hỗ trợ các cấp Hội hoạt động.

Nhiệm kỳ Đại hội II (từ ngày 12/7/2001 - 30/12/2006): Đại hội toàn quốc lần thứ II được tổ chức từ ngày 10 - 12/7/2001 tại Hà Nội. Tới dự có 332 đại biểu thay mặt 6 triệu hội viên Hội Người cao tuổi cả nước. Tại Đại hội, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã trao tặng Hội Người cao tuổi Việt Nam Bức trướng thêu 18 chữ vàng “Tuổi cao chí càng cao, nêu gương sáng vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Đại hội đã thông qua Biểu trưng của Hội là hình tượng “cây đa Tân Trào lịch sử, có Quốc kỳ Việt Nam và dòng chữ Hội Người cao tuổi Việt Nam.

Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Hội lần thứ nhất đã bầu đồng chí Vũ Oanh làm Chủ tịch Hội.

Đại hội đã xác định rõ vị trí, vai trò Hội Người cao tuổi Việt nam trong giai đoạn mới. “Điều lệ Hội bổ sung, sửa đổi” xác định rõ vị trí, vai trò người cao tuổi, Hội Người cao tuổi Việt Nam; tính chất, mục đích, biểu trưng, nhiệm vụ của Hội; hội viên, hệ thống tổ chức Hội gồm: Ban Chấp hành Trung ương Hội; Ban Đại diện Hội Người cao tuổi cấp tỉnh, thành phố; Ban Đại diện Hội Người cao tuổi cấp huyện, quận; Ban Chấp hành Hội Người cao tuổi cấp xã, phường, thị trấn.

Như vậy, từ sau Đại hội II, Hội Người cao tuổi Việt Nam được thành lập Ban Đại diện Người cao tuổi cấp tỉnh, thành phố và cấp huyện, quận.

Nhiệm kỳ Đại hội III (từ 30/12/2006 - 11/11/2011): Đại hội toàn quốc lần thứ III diễn ra từ ngày 28 - 30/12/2006 tại Hà Nội với gần 500 đại biểu người cao tuổi được lựa chọn từ Hội Người cao tuổi các tỉnh, thành phố và các cơ quan, đơn vị thuộc Trung ương Hội. Đại hội đã đánh giá cao kết quả hoạt động tích cực của toàn Hội trong thực hiện nhiệm vụ chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi; phong trào thi đua “Nêu gương sáng”, góp phần quan trọng vào thành tựu chung của sự nghiệp đổi mới.

Ban Chấp hành Trung ương Hội họp lần thứ nhất bầu đồng chí Nguyễn Tấn Trịnh làm Chủ tịch Hội, kiêm Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về người cao tuổi.

Nhiệm kỳ Đại hội IV (từ 11/11/2011 - 7/11/2016): Đại hội diễn ra tại Hà Nội từ ngày 10 - 11/11/2011 với 345 đại biểu đại diện cho 7,4 triệu hội viên và trên 8,6 triệu người cao tuổi cả nước. Tại phiên họp đầu tiên của Ban Chấp hành Trung ương Hội, đồng chí Cù Thị Hậu được bầu giữ chức Chủ tịch Hội Người Cao tuổi Việt Nam, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về người cao tuổi Việt Nam.

Nhiệm kỳ Đại hội V (từ 9/11/2015 - 2021): Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V được tổ chức trọng thể từ ngày 8 - 9/11/2016 tại Hà Nôị̣ với sự tham dự của 336 đại biểu đại diện cho hơn 8,6 triệu hội viên và trên 9,4 triệu người cao tuổi cả nước. Đồng chí Nguyễn Thị Hải Chuyền, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội được bầu làm Chủ tịch Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam khóa V, nhiệm kỳ 2016 - 2021.

NHỮNG BÀI HỌC KINH NGHIỆM QUA 25 NĂM XÂY DỰNG, PHÁT TRIỂN HỘI NGƯỜI CAO TUỔI VIỆT NAM

Một là, quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với người cao tuổi; không ngừng phát huy truyền thống tốt đẹp và sức mạnh to lớn của lớp người cao tuổi, bám sát nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước, vận dụng sáng tạo vào điều kiện cụ thể, lựa chọn nhiệm vụ sát, đúng là bảo đảm cho hoạt động của Hội có hiệu quả, không xa rời tôn chỉ, mục đích của Hội.

Hai là, coi trọng công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với sự nghiệp chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi, tạo sự đồng thuận trong xã hội về vị trí, vai trò người cao tuổi, Hội Người cao tuổi đối với đời sống xã hội hiện nay.

Ba là, vì quyền lợi và lợi ích hợp pháp của người cao tuổi, tập trung xây dựng cơ sở Hội vững mạnh, không ỷ lại, chờ đợi; chủ động tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chính quyền những chủ trương, chính sách, giải pháp về công tác người cao tuổi; phải có quyết tâm cao, xác định đúng trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với điều kiện cụ thể; có biện pháp tổ chức hoạt động, chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi bằng phòng trào thi đua yêu nước “Tuổi cao - Gương sáng” gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng, Nhà nước, sự phối hợp với các tổ chức liên quan, tạo sức mạnh tổng hợp trong các lĩnh vực hoạt động của Hội.

Bốn là, quán triệt quan điểm “Chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội”, tích cực tham gia các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước, nhất là chương trình có liên quan đến người cao tuổi, thực hiện xã hội hóa, tăng cường phối hợp liên ngành và giữ vai trò nòng cốt trong phong trào “Toàn dân chăm sóc, phụng dưỡng, phát huy vai trò người cao tuổi”; biết phát huy khả năng của người cao tuổi: tự vận động, tự phát triển, tự chăm sóc, tự chịu trách nhiệm.

Năm là, khắc phục khó khăn, tập trung xây dựng Hội vững mạnh. Công tác tổ chức, cán bộ luôn luôn đi trước một bước; phải đa dạng hóa các hình thức tập hợp người cao tuổi, coi trọng việc lựa chọn cán bộ, nhất là người đứng đầu các cấp Hội; quan tâm đến chính sách và tạo điều kiện cần thiết cho các hoạt động của Hội.

NHỮNG PHẦN THƯỞNG CAO QUÝ

- Ngày 10/7/2001, Ban Chấp hành Trung ương Đảng tặng Hội Người cao tuổi Việt Nam Bức trướng thêu 18 chữ vàng “Tuổi cao chí càng cao, nêu gương sáng vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

- Ngày 2/6/2010, Đảng, Nhà nước tặng Huân chương Sao vàng cho các thế hệ người cao tuổi Việt Nam.

KHẨU HIỆU TUYÊN TRUYỀN 25 NĂM THÀNH LẬP HỘI NGƯỜI CAO TUỔI VIỆT NAM

1. Nhiệt liệt chào mừng kỷ niệm 25 năm Ngày thành lập Hội Người cao tuổi Việt Nam (10/5/1995 - 10/5/2010).

2. Hội viên, người cao tuổi nêu cao tinh thần đoàn kết, chủ động, sáng tạo, đẩy mạnh phong trào thi đua “Tuổi cao - Gương sáng”, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

3. Tuổi cao chí càng cao, nêu gương sáng vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

4. Người cao tuổi đẩy mạnh phong trào thi đua “Tuổi cao - Gương sáng”, hiến kế, hiến công vì quê hương, đất nước.

5. Người cao tuổi sống vui, sống khỏe, sống hạnh phúc; phát huy trí tuệ, kinh nghiệm sống trong xã hội và gia đình.

6. Hội viên người cao tuổi tiếp tục phát truyền thống của Hội qua 25 năm xây dựng và phát triển./.

TG

Nguồn Tuyên Giáo: http://www.tuyengiao.vn/nhip-cau-tuyen-giao/ban-tuyen-giao-tw/tuyen-truyen-ky-niem-25-nam-ngay-thanh-lap-hoi-nguoi-cao-tuoi-viet-nam-126781