Tuyên truyền pháp luật bằng sân khấu hóa: Thiết thực, hiệu quả cao

Thời gian qua, các sở, ban, ngành, địa phương đã triển khai thực hiện nhiều cách làm hay, mô hình hiệu quả trong hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) nhằm giúp các tầng lớp nhân dân hiểu rõ các quy định của pháp luật và chấp hành pháp luật ngày càng tốt hơn.

Phiên tòa giả định tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho phụ nữ trên địa bàn TP.Long Khánh do Hội LHPN tỉnh, Viện KSND tỉnh, TAND tỉnh, Công an tỉnh cùng phối hợp tổ chức. Ảnh: A.NHƠN

Phiên tòa giả định tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho phụ nữ trên địa bàn TP.Long Khánh do Hội LHPN tỉnh, Viện KSND tỉnh, TAND tỉnh, Công an tỉnh cùng phối hợp tổ chức. Ảnh: A.NHƠN

Đặc biệt, các cơ quan, đơn vị đã chú trọng thực hiện sân khấu hóa trong công tác tuyên truyền, PBGDPL, vì hình thức này đã làm “mềm hóa” các quy định pháp luật và giúp cho người dân tiếp thu nhanh hơn, hiểu sâu hơn về quy định của pháp luật.

* Hấp dẫn với phiên tòa giả định

Vừa qua, Hội LHPN tỉnh đã phối hợp với Viện KSND tỉnh, TAND tỉnh, Công an tỉnh tổ chức Phiên tòa giả định chuyên đề về bạo lực gia đình nhằm tuyên truyền, PBGDPL cho phụ nữ trên địa bàn TP.Long Khánh.

Phiên tòa giả định được xây dựng kịch bản từ các tình tiết của vụ án có thật và dựng lại theo đúng quy trình tố tụng một vụ án hình sự. Tuy nhiên, vụ án đã được Ban tổ chức thay đổi một số chi tiết cho phù hợp với công tác tuyên truyền. Nội dung kịch bản phiên tòa giả định là xét xử bị cáo V.V.M. (ngụ TP.Biên Hòa) về tội cố ý gây thương tích mà nạn nhân chính là vợ của bị cáo.

Theo hồ sơ vụ án của phiên tòa giả định, ông V.V.M. và bà L.T.V. kết hôn vào năm 1998. Trong quá trình chung sống, giữa 2 người thường xuyên nảy sinh mâu thuẫn và nhiều lần xảy ra cãi vã, xô xát với nhau. Cụ thể, chiều 9-8-2022, ông M. và bà V. đã cãi nhau tại cửa hàng bán đồ điện tử của gia đình. Ông M. xông vào đánh bà V. thì bà bỏ chạy sang quán cà phê cách đó khoảng 30m. Ông M. chạy theo và dùng 1 khúc gỗ đánh vợ, khiến bà V. bị thương tích nặng. Thấy vậy, nhiều người hàng xóm đến can ngăn và chở bà V. đi bệnh viện cấp cứu. Kết quả, bà V. bị thương tật tỷ lệ 15%...

Hội đồng xét xử phiên tòa giả định cho rằng, hành vi phạm tội của bị cáo M. là nguy hiểm cho xã hội, đã xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe của bà V., làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự tại địa phương. Bị cáo M. phải bị xử phạt một mức án đủ nghiêm để cải tạo, giáo dục bị cáo trở thành công dân tốt, sống tuân thủ pháp luật, đồng thời còn răn đe, phòng ngừa chung. Vì vậy, Hội đồng xét xử quyết định tuyên phạt bị cáo 3 năm tù.

Phó trưởng phòng Tư pháp H.Định Quán PHẠM TRUNG TÍN cho rằng, cách tuyên truyền, phổ biến pháp luật bằng hình thức sân khấu hóa rất thiết thực và hiệu quả cao. Thay vì tuyên truyền bằng việc trích dẫn điều luật khô khan thì qua sân khấu hóa đã làm “mềm hóa” các quy định và đưa lên thành câu chuyện có kịch tính và giải quyết những mâu thuẫn đó với góc độ vai diễn ở sân khấu hóa. Cách tuyên truyền này đã giúp cho người dân dễ hiểu và nhớ lâu những kiến thức pháp luật.

Suốt quá trình phiên tòa giả định diễn ra đều có sự tham gia theo dõi của đông đảo người dân trên địa bàn TP.Long Khánh. Nội dung kịch bản đã tạo ra được những tình huống mâu thuẫn gay cấn để rồi phần kết câu chuyện đã được giải quyết thấu tình, đạt lý, tạo hấp dẫn cho người xem.

Bà Nguyễn Thị Hạnh (ngụ ấp Hàng Gòn, xã Hàng Gòn) cho biết, đây là lần đầu tiên bà tham dự phiên tòa giả định và chăm chú xem từ đầu đến cuối. “Sự hấp dẫn của phiên tòa giả định là những tình tiết diễn biến vụ việc xảy ra ngoài đời thường đã được sân khấu hóa, giúp người dân tiếp thu nhanh hơn, hiểu hơn quy định của pháp luật về bạo lực gia đình để rồi biết cách phòng ngừa, bảo vệ mình và những người xung quanh” - bà Hạnh bộc bạch.

Theo Phó chủ tịch thường trực Hội LHPN tỉnh Bùi Thị Hạnh, thực hiện theo kế hoạch phối hợp hàng năm, Hội LHPN tỉnh cùng Viện KSND tỉnh, TAND tỉnh và Công an tỉnh thường tổ chức các chương trình tuyên truyền, PBGDPL cho phụ nữ trên địa bàn tỉnh. Riêng năm 2023, Hội LHPN tỉnh đã đổi mới phương thức tuyên truyền, PBGDPL bằng việc phối hợp với các đơn vị tổ chức phiên tòa giả định. Thông qua hình thức phiên tòa giả định nhằm truyền tải, đưa pháp luật vào cuộc sống, giúp cho các tầng lớp phụ nữ và nhân dân khi tham gia quan hệ pháp luật có hành vi xử sự đúng pháp luật, góp phần phòng chống bạo lực gia đình, bảo vệ phụ nữ và trẻ em.

“Phiên tòa giả định là mô hình mới và được chúng tôi áp dụng ở 2 địa phương: Biên Hòa và Long Khánh trong năm nay. Chúng tôi rất tâm huyết với hình thức tuyên truyền này vì hiệu quả mang lại cao. Chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai những năm tiếp theo và sẽ lựa chọn chủ đề cho phù hợp với từng địa phương, nhằm đáp ứng được yêu cầu cũng như nâng cao nhận thức về pháp luật cho chị em phụ nữ” - bà Hạnh chia sẻ.

* Tăng cường tuyên truyền dưới hình thức sân khấu hóa

Ngoài Hội LHPN tỉnh, nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh cũng quan tâm đẩy mạnh tuyên truyền, PBGDPL bằng hình thức sân khấu hóa.

Phó trưởng phòng Tư pháp H.Định Quán Phạm Trung Tín cho rằng, việc tuyên truyền, PBGDPL theo kiểu truyền thống (người nói và người nghe) đã không còn tạo sự cuốn hút, chú ý của người dân. Trong khi việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật dưới hình thức sân khấu hóa đã tạo nên trực quan sinh động, dễ đi vào lòng người và mang lại kết quả như mong muốn.

Chính vì lẽ trên, trong năm 2023, Phòng Tư pháp H.Định Quán đã phối hợp với một số cơ quan, đơn vị, chính quyền địa phương tổ chức phiên tòa giả định với chuyên đề trốn tránh thi hành nghĩa vụ quân sự tại xã La Ngà (H.Định Quán). Ngoài ra, địa phương còn tích cực tham gia hội thi Hòa giải viên giỏi tỉnh Đồng Nai năm 2023 (trong đó có sân khấu hóa với phần thi tiểu phẩm).

H.Định Quán cũng tiếp tục quan tâm và đầu tư hơn nữa các chương trình tuyên truyền bằng hình thức sân khấu hóa để hướng đến nhiều đối tượng trong thời gian tới.

Phó giám đốc Sở Tư pháp Phan Quang Tuấn cho biết, với vai trò cơ quan thường trực của Hội đồng Phối hợp PBGDPL tỉnh, Sở Tư pháp đánh giá rất cao tính hiệu quả của việc tuyên truyền, PBGDPL bằng hình thức sân khấu hóa. Do đó, Sở thường khuyến khích các sở, ban, ngành, địa phương cùng triển khai thực hiện mô hình nhằm tạo sự lan tỏa và đưa pháp luật đến gần với người dân hơn.

“Thời gian tới, Sở Tư pháp sẽ phối hợp với các sở, ban, ngành, trường học đẩy mạnh tuyên truyền, PBGDPL bằng sân khấu hóa với một số quy định gần gũi với người dân như: giao thông đường bộ; phòng, chống bạo lực gia đình và bạo lực học đường; phòng, chống ma túy…” - ông Tuấn cho hay.

An Nhơn

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/phap-luat/202311/tuyen-truyen-phap-luat-bang-san-khau-hoa-thiet-thuc-hieu-qua-cao-9e2507a/