Tuyên truyền pháp luật ở Lạng Sơn ngày càng đi vào thực chất
Qua 15 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 32-CT/TW, nhận thức của cấp ủy đảng, chính quyền, tổ chức chính trị trên địa bàn Lạng Sơn có nhiều chuyển biến. Các tầng lớp nhân dân cơ bản đã chấp hành nghiêm các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.
Chỉ thị 32-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân được Lạng Sơn quán triệt rộng rãi trong các cấp ủy Đảng, chính quyền, Đảng viên, cán bộ, công chức và nhân dân. Các hoạt động PBGDPL được triển khai đồng bộ, thống nhất, có trọng tâm, trọng điểm
Ngoài các hình thức tuyên truyền mang tính truyền thống như qua các phương tiện thông tin đại chúng, hội thảo, tọa đàm, cấp phát tài liệu, hàng trăm cuộc thi tìm hiểu pháp luật được tổ chức rộng rãi từ cơ sở. Đơn cử như cuộc thi viết “Tìm hiểu Bộ luật dân sự 2005”, “Tìm hiểu luật Cư trú”, “Tìm hiểu pháp luật về phòng chống tham nhũng”, “Tìm hiểu Hiến pháp 2013”; hội thi “Công chức tư pháp hộ tịch cấp xã tuyên truyền pháp luật giỏi tỉnh Lạng Sơn lần thứ nhất”; Hội thi “Tìm hiểu pháp luật trong nhà trường 2012”; “Hội thi hòa giải viên giỏi”…Mô hình các Câu lạc bộ (CLB) được duy trì và phát huy tác dụng. Hiện Lạng Sơn có 388 CLB pháp luật đang hoạt động, trong đó Sở Tư pháp thành lập và duy trì 120 CLB pháp luật và CLB Trợ giúp pháp lý. Thông qua sinh hoạt CLB, các nhóm nòng cốt đã tuyên truyền pháp luật đến với người dân, hướng dẫn, tư vấn pháp luật miễn phí giúp người dân hiểu biết, nâng cao nhận thức chấp hành pháp luật.
Phát huy sức mạnh của các tổ hòa giải cơ sở, đến nay Lạng Sơn đã kiện toàn 2139 tổ hòa giải với gần 14 ngàn tổ viên. Trong 15 năm qua đã hòa giải thành gần 18 ngàn vụ việc, đạt tỷ lệ hòa giải thành trên 70%. Việc hóa giải các mâu thuẫn ở cơ sở hạn chế phát sinh khiếu nại vượt cấp, giữ vững khối đoàn kết trong cộng đồng dân cư, giúp các cơ quan nhà nước tiết kiệm nhiều thời gian, chi phí.
Để công tác tuyên truyền pháp luật thực sự có hiệu quả, Lạng Sơn cũng từng bước đổi mới hình thức cho phù hợp với từng địa bàn, đối tượng. Đơn cử trợ giúp pháp lý hướng về địa bàn vùng sâu, xa, tư vấn pháp luật miễn phí cho người nghèo, gia đình chính sách, người có công với cách mạng. Tỉnh đoàn phối hợp với Trại tạm giam Công an tỉnh tổ chức “Chương trình thắp sáng ước mơ hoàn lương”; hành trình “Vì ngày mai tươi sáng” giúp các phạm nhân đang cải tạo có cơ hội giao lưu với thanh niên, vượt qua mặc cảm, lao động, cải tạo tốt để sớm trở lại cộng đồng, xã hội. Đối với tầng lớp học sinh, sinh viên, ngoài việc kiện toàn đội ngũ giáo viên giảng dạy môn giáo dục công dân, các trường còn phối hợp với Tỉnh đoàn, Sở Tư pháp, Công an tỉnh tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề pháp luật, tổ chức nhiều cuộc thi tìm hiểu pháp luật trong học sinh, sinh viên.
Đánh giá chung về hiệu quả công tác PBGDPL, Tỉnh ủy Lạng Sơn nhận định, từ khi có Chỉ thị 32-CT/TW, Luật PBGDPL các cấp ủy, chính quyền, tổ chức chính trị xã hội đã nhận thức rõ hơn về vị trí vai trò của công tác PBGDPL nên đã quan tâm, chỉ đạo, lãnh đạo, bố trí nguồn lực thực hiện. Đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật ở các cấp ngành thường xuyên được củng cố kiện toàn. Cán bộ, công chức đã chủ động tìm hiểu, nghiên cứu văn bản pháp luật để áp dụng nâng cao chất lượng giải quyết công vụ được giao. Các tầng lớp nhân dân cơ bản chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Nhân dân tích cực chủ động tham gia đóng góp ý kiến, phản ánh tâm tư, nguyện vọng của mình vào quá trình xây dựng, hoàn thiện pháp luật, tham gia giám sát các hoạt động của cơ quan nhà nước, đấu tranh phòng chống vi phạm pháp luật.
Cũng theo Tỉnh ủy Lạng Sơn, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, đến nay 100% các sự kiện hộ tịch đều được người dân đăng ký đúng quy định, không còn tình trạng kết hôn không đăng ký, trẻ em sinh ra không được đăng ký khai sinh, những mâu thuẫn, xích mích tranh chấp trong nội bộ Nhân dân cơ bản được hóa giải từ cơ sở
Mặc dù còn nhiều khó khăn song những chuyển biến trong nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân trên địa bàn Lạng Sơn là rất đáng ghi nhận, ngày càng đi vào thực chất gắn với nhu cầu thiết thực của người dân, góp phần tích cực vào việc giữ vững an ninh, trật tự an toàn xã hội và tăng cường quản lý nhà nước bằng pháp luật.
Thời gian tới Tỉnh ủy Lạng Sơn cho biết tiếp tục xác định công tác PBGDPL là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị. Gắn công tác PBGDPL với triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, cải cách thủ tục hành chính và thực hiện chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân ở cơ sở. Theo đó, sẽ tiếp tục đổi mới hình thức tuyên truyền, củng cố kiện toàn đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, phát huy sức mạnh của Hội đồng PBGDPL; đẩy mạnh xã hội hóa, tăng cường kiểm tra giám sát công tác PBGDPL…