Tuyên truyền phòng, chống xâm hại, bạo lực học đường qua phiên tòa giả định

Ngày 14/9, Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước TP Hà Nội phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) TP Hà Nội tổ chức tuyên truyền về phòng, chống xâm hại, bạo lực học đường cho học sinh thông qua phiên tòa giả định tại trường THCS Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội.

Phiên tòa giả định tại Trường THCS Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Ảnh: Công Phương.

Phiên tòa giả định tại Trường THCS Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Ảnh: Công Phương.

Theo phiên tòa giả định, các bị cáo gồm Nguyễn Thị Thảo, Trần Văn Khang, Trần Ngọc Anh bị đưa ra xét xử về tội “Làm nhục người khác” theo Điều 155 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017. Các cán bộ tư pháp và cán bộ Hội Phụ nữ, Trợ giúp viên pháp lý đóng vai Viện kiểm sát, Hội thẩm nhân dân, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đương sự. Ba bị cáo do các học sinh trường THCS xã Thịnh Liệt vào vai diễn.

Cáo trạng giả định cho thấy, ba bị cáo Nguyễn Thị Thảo, Trần Ngọc Anh và Trần Hà Anh là bạn chơi với nhau từ trước, nhưng vì xích mích nên có mâu thuẫn và không chơi với nhau. Khoảng 3h chiều ngày 31/1/2023, Ngọc Anh sang nhà Thảo chơi. Biết việc bị Hà Anh nói xấu, các bị cáo bực tức nên đã đến nhà Hà Anh để “nói chuyện”. Cả hai rủ thêm Khang - bạn trai mới của Thảo cùng qua.

Đến nhà Hà Anh, các bị cáo được biết Hà Anh đang ngủ và được người giúp việc cho lên nhà. Thấy có chiếc gậy bằng nhựa ở cầu thang, Thảo đã cầm lấy đi vào phòng Hà Anh. Thấy Hà Anh nằm trên giường, Thảo đã dùng gậy đánh vào đầu, tay phải và lưng của Hà Anh để gọi dậy. Hà Anh vùng dậy định chạy nhưng Thảo bảo Khang đè giữ tay Hà Anh lại, chất vấn Hà Anh về việc cướp người yêu đồng thời bảo Ngọc Anh quay lại.

Lúc sau, Thảo thấy có điện thoại của Hà Anh ở đầu giường nên lấy và mở ra xem, lục tìm tin nhắn và thấy có ảnh khỏa thân nửa người của Hà Anh tự chụp. Thảo đã gửi ảnh đó vào máy của Ngọc Anh. Sau đó các bị cáo bỏ ra về. Tối cùng ngày, Thảo đã nhắn tin cho Ngọc Anh về việc đăng ảnh khỏa thân của Hà Anh lên mạng nhằm mục đích làm xấu Hà Anh.

Ngọc Anh đồng ý và chuyển ảnh cho Thảo. Thảo đã đăng ảnh, video của Hà Anh lên 3 trang mạng: Beat.vn; Hóng biến đường phố; với Bóc phốt con giáp 13 và nhờ Khang, Ngọc Anh chia sẻ, bình luận nhiều trên mạng để tăng tương tác khiến Hà Anh bị ảnh hưởng tâm lý nghiêm trọng.

Vai bị cáo và kiểm sát viên đều do các em học sinh tham gia đóng. Ảnh: Công Phương.

Vai bị cáo và kiểm sát viên đều do các em học sinh tham gia đóng. Ảnh: Công Phương.

Hành vi của bị cáo Nguyễn Thị Thảo, Trần Ngọc Anh, Trần Văn Khang đã phạm tội “Làm nhục người khác” theo quy định tại điểm e Khoản 2 Điều 155 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017.

Tại phiên tòa giả định, các bị cáo thừa nhận hành vi phạm tội của mình. Các bị cáo cho biết, khi thực hiện việc quay video và tích cực chia sẻ video trên mạng, các bị cáo không biết đó là hành vi vi phạm pháp luật mà chỉ nghĩ giúp bị cáo Thảo đánh ghen cho bõ tức.

Cũng tại Tòa giả định, HĐXX đã giải thích cho các bị cáo rõ, hình ảnh cá nhân của một người là được pháp luật bảo vệ, không ai có quyền sử dụng hình ảnh cá nhân của người khác khi chưa có sự đồng ý của người đó. Đằng này, các bị cáo không những dùng gậy đánh bạn, dùng lời lẽ lăng nhục bạn mà còn quay video lại, tung ảnh nhạy cảm của bạn để bêu xấu, nhằm làm nhục bạn, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm của bạn.

Các bị cáo đều đang ở độ tuổi rất trẻ, đang còn đi học nhưng không lo học hành, để có tương lai tốt đẹp hơn thế mà các bị cáo lại yêu đương quá sớm, thậm chí đi đánh ghen và dẫn đến những hành động không phù hợp với lứa tuổi nên phải trả giá bằng việc đứng trước vành móng ngựa ngày hôm nay. Mạng xã hội là để các bị cáo khai thác phục vụ cho học hành và công việc, chứ không phải là để các bị cáo sử dụng để lăng mạ và bêu xấu người khác như vậy, điều đó vi phạm quy định về các điều cấm theo Luật an ninh mạng.

Tòa tuyên án, hành vi của bị cáo đã gây nguy hiểm cho xã hội xâm hại đến quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm của con người. Ngoài ra hành vi của bị cáo đã vi phạm điều cấm của Luật an ninh mạng, nên cần nghiêm trị mới có tác dụng giáo dục răn đe và ngăn ngừa chung trong xã hội.

Tuy nhiên, các bị cáo lần đầu phạm tội, khai báo thành khẩn, ăn năn hối cải, hành động bột phát, có nơi cư trú ổn định nên không cần thiết phải cách ly bị cáo với xã hội mà cho bị cáo được hưởng án treo cũng đủ tác dụng. Do đó, xử phạt các bị cáo theo đúng tội danh đã truy tố nhưng cho hưởng án treo. Trong thời gian bị án treo nếu bị cáo tiếp tục phạm tội thì án treo sẽ thành án tù giam cộng với mức hình phạt của tội mới.

Phiên tòa diễn ra nghiêm túc, nội dung luật rõ ràng, dễ hiểu. Tại phiên tòa, các học sinh đều rất nghiêm túc lắng nghe, tương tác lại với tư vấn viên pháp luật. Học sinh Nguyễn Hữu Lộc, học sinh lớp 9A3, trường THCS Thịnh Liệt cho biết, phiên tòa nói về vấn đề bạo lực học đường.

Đây là vấn đề đang xảy ra trong nhiều trường học nhưng hầu hết các em đều cho rằng đây là giải quyết mâu thuẫn giữa các bạn lẫn nhau chứ không nghĩ là vi phạm pháp luật. Các bị cáo đã xúc phạm bạn bằng lời lẽ, quay video đăng lên mạng xã hội, hành động này rất đơn giản nhưng hậu quả để lại không hề đơn giản. Chúng em đã nắm được thông tin về việc cần hiểu hậu quả của vấn đề trước khi làm việc gì đó.

Em Lê Minh Quân, học sinh lớp 9A4 cho biết, thông qua chương trình, em tiếp thu được pháp luật. Lớp em cũng đã được học về kiến thức pháp luật, song việc tham dự phiên tòa giả định giúp chúng em hiểu rõ từng điều luật. Em mong rằng, sẽ có nhiều chương trình giả định hơn nữa về các điều luật liên quan đến hành vi mà học sinh đang có như bạo lực học đường, sử dụng ma túy trái phép, thuốc lá điện tử… để các học sinh có thể biết hậu quả mà mình phải chịu khi thực hiện các hành vi trên.

Cô giáo Nguyễn Thị Thiều, giáo viên dạy giáo dục công dân của trường THCS Thịnh Liệt cho biết, nhà trường đã tổ chức nhiều cuộc tuyên truyền cho học sinh dưới dạng sinh hoạt dưới cờ, chuyên đề theo tháng. Qua các môn học như giáo dục công dân cũng đã lồng ghép vào trong các chương trình học các nội dung pháp luật phù hợp với từng bài học.

Đối với buổi tuyên truyền bằng phiên tòa giả định, cô Thiều cho biết, các em rất chăm chú lắng nghe, tiếp thu tốt, có sự thắc mắc và đáp trả lại với người trợ giúp pháp lý. Thông qua hình thức tuyên truyền bằng phiên tòa giả định, các bạn học sinh thấy rõ được hành vi của mình sẽ phải chịu mức phạt cụ thể theo quy định của pháp luật, nhờ đó, hiệu quả tuyên truyền cao hơn nhiều so với các hình thức truyền thông trước đó.

“Đây là hình thức mới mẻ, không bị nhàm chán trong tuyên truyền. Các em có sự tập trung và lắng nghe, tạo được ấn tượng sâu sắc về luật. Tôi mong muốn, sẽ tổ chức nhiều phiên tòa giả định hơn tại các trường học với các nội dung bạo lực học đường, thuốc lá điện tử, hành vi lôi kéo, xâm phạm danh dự của người khác cả trực tiếp và trên mạng xã hội… để giúp các em nhận thức hành vi pháp luật, từ đó thay đổi hành vi của mình” – cô Thiều nói.

Cũng theo cô Thiều, tư vấn pháp luật cho học sinh không chỉ là trách nhiệm của nhà trường mà còn rất cần sự đồng hành của các bậc phụ huynh. Bố mẹ có thể tìm hiểu pháp luật về các vấn đề liên quan đến các con từ đó, nhắc các con về hành vi nào sai, hành vi nào là vi phạm pháp luật…

Cũng tại chương trình, bà Ngyễn Thị Thanh Xuân, Phó trưởng phòng Hành chính, tổng hợp, Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước Hà Nội cho biết, tuyên truyền về trợ giúp pháp lý và phổ biến giáo dục pháp luật cho các em học sinh là vô cùng cần thiết. Chương trình đã giúp cho các học sinh nhận thức đúng đắn về pháp luật, định hướng đúng trong hành vi ứng xử trên mạng xã hội, biết sử dụng mạng xã hội một cách thông minh.

Công Phương

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn//tuyen-truyen-phong-chong-xam-hai-bao-luc-hoc-duong-qua-phien-toa-gia-dinh-352364.html