Tuyên truyền sâu rộng đến người dân
Được Quốc hội Khóa XV ban hành ngày 10.11.2022 và có hiệu lực từ ngày 1.7.2023, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở là căn cứ pháp lý quan trọng về thực hiện dân chủ ở cơ sở, bảo đảm quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân; tiếp tục khẳng định bản chất Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Để Luật được triển khai hiệu quả, nhiều chuyên gia cho rằng, phải tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục, nâng cao ý thức pháp luật, giúp người dân nhận diện đầy đủ cũng như hiểu được quyền của mình.
Từ thực hiện sang thực hành dân chủ
Tại Tọa đàm với chủ đề "Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở" do Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật (Bộ Tư pháp) vừa tổ chức, bà Nguyễn Quỳnh Liên, Trưởng ban Dân chủ, giám sát và phản biện xã hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho biết, việc thực hiện dân chủ ở cơ sở không còn là vấn đề mới mà đã trở thành thói quen của người dân. Đặc biệt, việc thực hiện dân chủ ở cơ sở là phương thức phát huy quyền làm chủ của nhân dân, để công dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động được thông tin, thể hiện ý chí, nguyện vọng, chính kiến của mình thông qua việc thảo luận, tham gia ý kiến, quyết định và kiểm tra, giám sát các vấn đề ở cơ sở theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.
Trong đó, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở 2022 đã cụ thể hóa đầy đủ phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng", với việc xây dựng, bổ sung thêm nội dung "dân giám sát, dân thụ hưởng". Đây là những nội dung quan trọng, chi phối quá trình xây dựng Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Theo bà Nguyễn Quỳnh Liên, đây là một đạo luật chuyển biến từ thực hiện dân chủ sang thực hành dân chủ, do đó ngay trong quy định của Luật này đã thể hiện sự đổi mới.
Đặc biệt, Chương 2, 3 và 4 của Luật này đã quy định cụ thể về việc thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; ở các cơ quan, đơn vị và ở trong các tổ chức sử dụng lao động. Bên cạnh đó, trong Điều 7 của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở đã xác định rõ các nhóm quyền được thụ hưởng, từ việc được thông tin, tôn trọng, được ghi nhận, bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân trong tất cả các lĩnh vực như dân sự, kinh tế, chính trị xã hội…
Luật sư Nguyễn Văn Hà, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP. Hà Nội thông tin thêm, theo quy định của Luật, người dân có quyền được biết và công khai, yêu cầu cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời theo quy định của pháp luật liên quan đến đời sống dân sinh, liên quan đến cơ sở nơi mình sinh sống, làm việc…; người dân cũng được quyền đưa ra đề xuất sáng kiến, tham gia ý kiến, bàn và quyết định đối với các nội dung thực hiện dân chủ ở cơ sở theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan...
Bảo đảm thực hiện xuyên suốt và thống nhất
Nhằm phát huy vai trò nòng cốt của MTTQ trong việc giúp nhân dân thực hiện quyền dân chủ ở cơ sở, Luật cũng quy định rõ trách nhiệm của cả hệ thống mặt trận đến những quy định cụ thể của MTTQ ở xã, phường, thị trấn và Ban Công tác mặt trận ở khu, tổ dân phố.
Cụ thể, Mặt trận Tổ quốc cấp xã sẽ là cơ quan giám sát UBND cấp xã, Chủ tịch UBND cấp xã về việc có thực hiện đúng vai trò, trách nhiệm của mình hay không. Trong trường hợp tổ dân phố, khu dân cư chính quyền không thực hiện tốt, MTTQ ở khu dân cư sẽ có trách nhiệm đôn đốc, yêu cầu, giám sát việc thực hiện Luật Dân chủ ở cơ sở.
Bà Nguyễn Quỳnh Liên nhấn mạnh, MTTQ sẽ đóng vai trò cầu nối giữa nhân dân với chính quyền để tháo gỡ những bức xúc, băn khoăn, trăn trở của người dân; không để tình trạng khiếu nại, tố cáo kéo dài, vượt cấp hoặc những "điểm nóng" dư luận.
Cùng với MTTQ, các tổ chức thành viên, các tổ chức chính trị xã hội cần tiếp tục phát huy vai trò trong việc thực hiện các biện pháp dân chủ ở cơ sở như tăng cường phản biện chính sách, giám sát việc thực hiện trách nhiệm người đứng đầu của các cơ quan, đơn vị trong việc bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở…
Khẳng định khâu tuyên truyền, phổ biến pháp luật giữ vai trò đặc biệt quan trọng, giúp người dân nhận diện đầy đủ cũng như hiểu được quyền của mình, Luật sư Nguyễn Văn Hà cho rằng, Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp các tỉnh, địa phương cần thực hiện đồng bộ hoạt động này. Theo đó, cần lựa chọn từng đối tượng, cách thức, biện pháp tuyên truyền như tổ chức các cuộc thi tìm hiểu trực tuyến về Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; tuyên truyền dưới hình thức sân khấu hóa để các quy định của Luật ngấm vào thực tiễn...
Luật sư Nguyễn Văn Hà nhấn mạnh, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội sẽ luôn đồng hành cùng các cơ quan nhà nước trong việc tuyên truyền, đưa Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở đến gần người dân hơn; tuyên truyền sâu rộng, rõ nét nhằm tạo động lực, điều kiện để người dân quan tâm nhiều hơn đến những vấn đề ở cộng đồng dân cư, ở địa phương mình.