Tuyên truyền sâu rộng về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa
Đối với một quốc gia, 'ổn định' là một trong những nền tảng, yếu tố rất quan trọng, tiên quyết để có thể xây dựng và phát triển.
“Ổn định” bao gồm: Ổn định những vấn đề bên ngoài – đó là sự ổn định trong quan hệ quốc tế, hợp tác quốc tế về mọi mặt, không có tranh chấp, xung đột vũ trang với các quốc gia khác. Ổn định trong nội tại quốc gia – đó là ổn định về chính trị, xã hội; là sự đồng thuận, đoàn kết của toàn dân; không có giặc “nội xâm”; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững và duy trì bền vững; không có xung đột về dân tộc, tôn giáo hay quyền lợi kinh tế giữa các giai tầng xã hội...
Hiện nay, trên thế giới, do mất ổn định về chính trị, xã hội, nhiều quốc gia vùng dân tộc đã và đang lâm vào cảnh nội chiến; những thành tựu kinh tế, khoa học, văn hóa, xã hội, đã và đang bị sự mất ổn định tàn phá. Điển hình là đất nước Myanmar, hay một số quốc gia ở châu Phi, vùng Ả rập... khiến đời sống nhân dân vô cùng khó khăn.
Trong bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên Chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Đảng ta nhận thức được rằng, quá độ lên Chủ nghĩa xã hội là một sự nghiệp lâu dài, vô cùng khó khăn và phức tạp”... “Trong khi đó, các thế lực xấu, thù địch lại luôn tìm mọi thủ đoạn để can thiệp, chống phá, gây mất ổn định, thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình” nhằm xóa bỏ Chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”.
Đảng, Nhà nước ta rất chú trọng giữ gìn hòa bình, ổn định trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc với nhân tố cốt lõi tạo nên sự ổn định được xác định là “yên dân”; là xây dựng đoàn kết, đồng thuận và niềm tin xã hội. Thế nhưng, các thế lực thù địch luôn tìm mọi cơ hội, dùng mọi thủ đoạn “diễn biến hòa bình” để tác động, hòng chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân, gây mất niềm tin của nhân dân với Đảng. Đặc biệt, dưới sự tiếp tay, hậu thuẫn của các thế lực thù địch, các đối tượng phản động trong và ngoài nước ngày càng manh động, công khai lợi dụng những hạn chế, thiếu xót của chính quyền và một bộ phận đảng viên, tổ chức các hoạt động gây mất ổn định chính trị, xã hội như: Chúng trắng trợn thêu dệt, “vơ đũa cả nắm” hòng bôi nhọ hình ảnh của Đảng, chính quyền, đòi hỏi nền dân chủ quá trớn; tạo luồng tư tưởng xấu trong xã hội, rồi tiến tới kích động, lôi kéo người dân tham gia các hoạt động chống đối, đi ngược với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước... Do đó, việc giữ gìn ổn định chính trị, xã hội là một trong những thách thức trọng tâm, là vấn đề trọng yếu của Đảng, Nhà nước trong xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
Chính vì vậy, các cấp ủy Đảng, chính quyền và các cơ quan, ban, ngành cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục để toàn dân hiểu được rằng: Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa về bản chất khác với nhà nước pháp quyền tư sản là ở chỗ: Pháp quyền dưới chế độ tư bản chủ nghĩa về thực chất là công cụ bảo vệ và phục vụ cho lợi ích giai cấp tư sản, còn pháp quyền dưới chế độ xã hội chủ nghĩa là công cụ thể hiện và thực hiện quyền làm chủ của nhân dân, bảo đảm và bảo vệ lợi ích của đại đa số nhân dân, để toàn dân hiểu và có trách nhiệm chung tay xây dựng nhà nước pháp quyền “của dân, do dân, vì dân”; hiểu rõ tư tưởng chỉ đạo “dân là gốc”, chăm lo, nâng cao đời sống nhân dân qua các đường lối, chủ trương, chính sách, hoạt động của Đảng và Nhà nước...
Qua đó, góp phần củng cố lòng tin, vun đắp quan hệ máu thịt, ý thức, trách nhiệm giữ gìn sự ổn định chính trị, xã hội của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân. Đồng thời, ban hành các chế tài quy định thiết chế xử lý đối với các đối tượng có hành vi chống phá cách mạng như: Tìm mọi cách cản trở hoặc xúi giục vận động nhân dân chống sự thực hiện chủ trương, chính sách và những cuộc vận động của Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc; phao tin đồn nhảm làm cho nhân dân hoang mang; gây hiềm khích để phá hoại tình đoàn kết của các dân tộc trong nước, các giai tầng xã hội, các tôn giáo, các đảng phái và đoàn thể dân chủ, chia rẽ nhân dân với chính quyền... gắn với thực hiện kiểm soát các trang mạng xã hội, tổ chức đấu tranh với các thế lực thù địch trên không gian mạng để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Ngăn chặn các thế lực thù địch sử dụng truyền thông xã hội để châm ngòi, kích động biểu tình bạo động thông qua hình thức “cách mạng màu” - một phương thức mới của "diễn biến hòa bình, bạo loạn lật đổ" thời hiện đại.
Ông NGUYỄN TÂM CHƯƠNG, nguyên Bí thư Đảng ủy phường Đồng Xuân, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội