Tuyên truyền, vận động người dân giao nộp vũ khí, công cụ hỗ trợ, vật liệu nổ: Góp phần phòng ngừa tội phạm
Cùng với công tác tấn công tội phạm, các ngành chức năng đã và đang có nhiều cách làm hiệu quả trong việc tuyên truyền, vận động người dân giao nộp vũ khí, công cụ hỗ trợ (CCHT), vật liệu nổ (VLN), góp phần phòng ngừa, kéo giảm tội phạm...
Tấn công tội phạm liên quan đến vũ khí
Theo lực lượng chức năng tỉnh, qua công tác điều tra, xử lý tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến vũ khí, CCHT, VLN cho thấy gần 87% tổng số đối tượng phạm tội là người từ địa phương khác đến Bình Dương làm việc và sinh sống. Ban đầu đối tượng thường lên mạng xã hội mua vũ khí, CCHT với mục đích “phòng thân” hoặc “lấy oai” với bạn bè. Tuy nhiên khi xảy ra mâu thuẫn thì đối tượng sử dụng vũ khí, CCHT, dẫn đến hành vi giết người, cố ý gây thương tích. Thậm chí, một số đối tượng còn sử dụng vũ khí, CCHT vào mục đích cướp tài sản, gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự (ANTT).
Công an huyện Dầu Tiếng kiểm đếm các loại hung khí do người dân tự nguyện giao nộp. Ảnh: CABD
Nhằm chủ động phòng ngừa tội phạm, lực lượng Công an (CA) tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm liên quan đến vũ khí, CCHT, VLN. Trong 6 tháng đầu năm 2024, CA tỉnh đã triển khai hai đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, đã điều tra khám phá nhanh các vụ phạm pháp hình sự, bắt giữ nhanh đối tượng gây ra các vụ án được dư luận quan tâm. Trong đó phải kể đến thành tích triệt phá đường dây chế tạo, tàng trữ và mua bán vũ khí do Nguyễn Trung Hiếu (SN 1991, ngụ Đồng Nai) cầm đầu, thu giữ 8 khẩu súng, 153 viên đạn và nhiều vật chứng liên quan đến chế tạo súng.
Cùng CA tỉnh, các địa phương cũng phát huy hiệu quả trong công tác tuần tra vũ trang nhằm kịp thời phát hiện, xử lý tình trạng tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí, CCHT, VLN. Cụ thể như tại huyện Bàu Bàng, trong những tháng đầu năm, CA huyện đã tổ chức được 716 cuộc tuần tra, với hơn 4.500 lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia, qua đó phát hiện, ngăn chặn xử lý 2 vụ, 12 đối tượng mang hung khí đi giải quyết mâu thuẫn; 1 vụ, 1 đối tượng tàng trữ pháo nổ, tàng trữ trái phép chất ma túy và CCHT; 4 vụ, 5 đối tượng tàng trữ CCHT trái phép.
Cũng qua công tác tuần tra vũ trang, Tổ 171 CA huyện Bắc Tân Uyên đã phát hiện, xử lý một số đối tượng tàng trữ CCHT trái phép. Cụ thể là khi tuần tra qua địa bàn ấp 4, xã Tân Lập, Tổ 171 CA huyện Bắc Tân Uyên phát hiện Trần Quốc Đ. (SN 1997, ngụ Tây Ninh) và Vũ Trường G. (SN 2001, quê An Giang) có biểu hiện nghi vấn nên tiến hành kiểm tra hành chính và phát hiện hai thanh niên này tàng trữ trái phép một gậy ba khúc và một dùi cui điện.
Trước đó, vào tối ngày 4-4, Tổ 171 CA huyện Bắc Tân Uyên cũng đã phát hiện, lập biên bản bàn giao Bùi Xuân Ng. (SN 1996, ngụ Bình Phước) cho CA xã Đất Cuốc để xử lý về hành vi tàng trữ một bình xịt hơi cay.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền
Song song với phòng ngừa nghiệp vụ, ngành chức năng còn đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân giao nộp vũ khí, CCHT, VLN, trong đó tập trung vào đối tượng thanh niên công nhân. Trong 5 năm gần đây, CA các địa phương đã tổ chức được gần 5.900 buổi tuyên truyền các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vũ khí, CCHT, VLN, với gần 189.000 lượt người tham gia; phối hợp phát gần 5.500 tin, bài trên báo, đài và các trang mạng xã hội về nội dung này.
Nói về công tác này, Trung tá Ngô Minh Hưng, Trưởng đồn CA Khu công nghiệp Bàu Bàng (huyện Bàu Bàng), cho biết thời gian qua đơn vị thường xuyên phối hợp lồng ghép tuyên truyền các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vũ khí, CCHT, VLN tại doanh nghiệp. Trong 6 tháng đầu năm 2024, đồn CA KCN Bàu Bàng đã tổ chức được 9 cuộc tuyên truyền pháp luật tại doanh nghiệp, với gần 3.000 lượt công nhân tham gia. Qua tuyên truyền, không chỉ giúp công nhân nâng cao hiểu biết, ý thức chấp hành pháp luật, nội quy tại nơi làm việc mà còn hạn chế tình trạng mua bán, tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí, CCHT, VLN.
Tương tự, đồn CA Khu công nghiệp VSIP 1 (TP. Thuận An) cũng có cách làm hay trong việc vận động công nhân không vi phạm pháp luật liên quan vũ khí, CCHT, VLN. Trung tá Nguyễn Tiến Thiện, Trưởng đồn CA Khu công nghiệp VSIP, cho biết nhằm huy động công nhân tham gia giữ gìn môi trường làm việc an toàn, đơn vị đã phối hợp triển khai thí điểm mô hình “Công nhân 5 không” tại Công ty TNHH Apparel Far Eastern Việt Nam. Thông qua việc thực hiện mô hình này nhằm xây dựng doanh nghiệp an toàn về ANTT và phòng cháy chữa cháy với 5 tiêu chí, trong đó có nội dung yêu cầu công nhân cam kết “không mua bán, tàng trữ, sử dụng vũ khí, CCHT, VLN trái phép”. Tính đến nay, 20 doanh nghiệp trong Khu công nghiệp VSIP và Khu công nghiệp Việt Hương có đội công nhân xung kích tự quản về ANTT tham gia thí điểm mô hình “Công nhân 5 không”, với khoảng 20.000 người lao động tham gia.
Theo Trung tá Nguyễn Tiến Thiện, việc xây dựng mô hình này sẽ góp phần bảo đảm môi trường làm việc an toàn trong doanh nghiệp, giúp chủ đầu tư và công nhân yên tâm lao động sản xuất. Thông qua cam kết thực hiện các nội dung trong mô hình còn giúp công nhân nhận thức rõ tác hại của việc mua bán, tàng trữ, sử dụng vũ khí, CCHT, VLN trái phép, từ đó hạn chế vi phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực này.
6 tháng đầu năm 2024, trong quá trình tuần tra, các Tổ 171 từ tỉnh đến cơ sở đã phát hiện nhiều trường hợp tàng trữ vũ khí, CCHT, VLN. Song song đó, lực lượng CA tỉnh còn tăng cường quản lý, kiểm tra cơ sở kinh doanh có điều kiện về ANTT nhằm phòng ngừa đối tượng lợi dụng ngành nghề kinh doanh này để hoạt động vi phạm pháp luật. Kết quả, lực lượng chức năng đã tổ chức kiểm tra, phát hiện 696 cơ sở vi phạm các quy định, điều kiện về ANTT; đã ra quyết định xử phạt hành chính với tổng số tiền trên 4 tỷ đồng. Đáng chú ý, qua công tác kiểm tra hành chính, kết hợp phòng, chống tội phạm, lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý nhiều trường hợp tàng trữ vũ khí, CCHT, VLN.