Tuyển Việt Nam dùng cầu thủ nhập tịch hiệu quả hơn tận dụng Việt kiều?

Sức mạnh của đội tuyển Việt Nam đang suy giảm và có nguy cơ bị đối thủ Đông Nam Á bỏ lại nếu không có thêm nguồn lực mới.

Đúng vào lúc cần cầu thủ mới, VFF sớm nhận thấy sự “khan hiếm” từ nhóm Việt kiều. Cầu thủ ngoại nhập tịch chính là phương án dễ dàng nhất.

Để nhập tịch, một cầu thủ phải ở Việt Nam ít nhất 5 năm, trình độ chuyên môn của họ đã được kiểm chứng. Rafaelson dĩ nhiên nhập tịch trước hết để phục vụ Nam Định, nhưng anh sớm bày tỏ nguyện vọng đá cho đội tuyển Việt Nam và mang đến tia hy vọng.

Khó tận dụng nguồn lực Việt kiều

Trao đổi cùng Báo điện tử VTC News, một lãnh đạo đội bóng tại V.League nói: “Thực ra chúng tôi cũng rất hoan nghênh chính sách tăng cường suất Việt kiều thi đấu tại V.League. Cách làm ấy không sai nhưng có lẽ chưa phát huy được hiệu quả như mong muốn đâu.

Trong quá trình tuyển chọn nhân sự trước mùa giải, chúng tôi đi tìm cầu thủ Việt kiều nhưng đa phần không có kết quả. Về tổng thể, cầu thủ Việt kiều hiện nay chất lượng kém, chỉ có số ít nổi bật nhưng mức giá không dễ tiếp cận”.

Nguyễn Filip là cầu thủ Việt kiều hiếm hoi có chất lượng.

Nguyễn Filip là cầu thủ Việt kiều hiếm hoi có chất lượng.

Đây chính là vấn đề sâu xa ảnh hưởng đến cả sức mạnh của đội tuyển quốc gia. Trong số các cầu thủ Việt kiều hiện nay đã về nước, chỉ có Jason Quang Vinh Pendant, Nguyễn Filip (CLB Công an Hà Nội), Patrik Lê Giang (TP.HCM), Đặng Văn Lâm (Thanh Niên TP.HCM) còn duy trì được phong độ và có thể giúp sức cho quê nhà.

Làn sóng cầu thủ Việt kiều về nước rất đông nhưng phần nhiều có chất lượng kém. Nhiều người phải trở lại châu Âu chỉ sau 1-2 mùa giải. Có một vài cầu thủ trình độ chuyên môn không hơn trong nước nhưng có tiềm năng. Tuy nhiên, gia đình đánh giá quá cao năng lực của con em nên khi gặp khó khăn, họ cho rằng môi trường Việt Nam “không phù hợp”.

Mạc Hồng Quân là cầu thủ Việt kiều hiếm hoi duy trì được phong độ ở V.League.

Mạc Hồng Quân là cầu thủ Việt kiều hiếm hoi duy trì được phong độ ở V.League.

Gần đây, Martin Lo, Ryan Ha, Lê Trung Vinh, Tony Lê Tuấn Anh,…đều thất bại. Năm nay, một vài cầu thủ khác như Kyle Colonna (Hà Nội FC), Zan Nguyễn (TP.HCM), Kaelin Nguyen (Hải Phòng), Dương Thanh Tùng (Bình Định) thử sức. Không ai trong số họ có lý lịch đủ để cuốn hút giới chuyên môn. Các đội bóng chỉ biết “mong chờ” cầu thủ tiến bộ dần dần và chơi tốt.

Thực tế trong hơn 10 năm qua, Mạc Hồng Quân vẫn là ngôi sao Việt kiều sáng giá nhất, có đóng góp thực tế nhất cho đội tuyển quốc gia.

Gần đây, Nguyễn Filip - người bạn của Hồng Quân ở Cộng hòa Czech mới mang đến đôi chút khác biệt. Ở bình diện câu lạc bộ, cũng chẳng mấy cầu thủ Việt kiều “bền bỉ” như Hồng Quân. Cầu thủ tìm “khó như lên trời”, thật khó trách VFF.

Nguy cơ tụt lại phía sau

Ở vòng loại World Cup 2026 và trước đó là AFF Cup 2022, đội tuyển Việt Nam dần cho thấy dấu hiệu “đuối sức” so với các đối thủ trong khu vực. Gặp Thái Lan, Indonesia thì đội tuyển Việt Nam không thể thắng. Trước các đối thủ yếu hơn, Quang Hải và đồng đội không thể dễ dàng giành 3 điểm như trước. Điều này đặt ra bài toán cho VFF về mục tiêu phát triển và duy trì vị thế của đội tuyển quốc gia.

Đội tuyển Việt Nam dần bị các đối thủ bắt kịp hoặc bỏ lại phía sau. Người Thái sau 2 chức vô địch AFF Cup và màn trình diễn ấn tượng ấn tượng tại vòng loại World Cup 2026 chính thức trở lại top 100 FIFA. Ở chiều ngược lại, đội tuyển Việt Nam tụt xuống vị trí 115. Người Indonesia cũng dần bắt kịp với vị trí 133.

Đội tuyển Việt Nam đuối sức.

Đội tuyển Việt Nam đuối sức.

Chẳng phải đến bây giờ mà người hâm mộ mà giới chuyên môn mới bày tỏ sự lo lắng cho vị thế của bóng đá Việt Nam ở đấu trường khu vực. Đành rằng, đội tuyển Việt Nam trượt dài có “đóng góp” lớn của HLV Troussier. Nhưng không thể đổ hết lỗi cho chiến lược gia người Pháp. Một vài thất bại chỉ khiến chu trình này nhanh hơn chứ không thay đổi bản chất vấn đề.

Bóng đá Việt Nam chứng kiến một thế hệ nhiều ngôi sao như Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường, Tiến Dũng, Quế Ngọc Hải, Tiến Linh,…đang sa sút. Những người trẻ hơn như Quang Hải, Văn Hậu, Hoàng Đức, Đình Trọng cũng có vấn đề riêng và chưa thể tìm lại ánh hào quang như vài năm trước.

Chuyện cầu thủ ngôi sao mất phong độ là lẽ thường tình. Nhưng cái khó với bóng đá Việt Nam là tìm nguồn lực thay thế. Tình trạng một số đội bóng bỏ quên chuyện đào tạo trẻ, mua sắm tràn lan trên thị trường chuyển nhượng khiến nguồn lực cầu thủ trẻ trong nước bị đứt gãy.

Minh Trọng, Tuấn Tài, Thái Sơn, Văn Chuẩn,…có tài năng nhưng đang bị “chín ép” bởi nhu cầu thay máu lực lượng của bóng đá Việt Nam. Họ chưa thể làm được những gì mà các đàn anh thể hiện khi ở độ tuổi trẻ. Khi bóng đá Việt Nam gặp nhiều khó khăn ở giai đoạn chuyển giao, việc tụt hậu ngay tại khu vực Đông Nam Á là khó tránh khỏi.

Không đủ cầu thủ tốt, đã đến lúc các nhà quản lý bóng đá cần có những nỗ lực vận động hành lang, tìm kiếm các phương án nhập tịch phù hợp trong hoàn cảnh hiện tại.

Mai Phương

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/tuyen-viet-nam-dung-cau-thu-nhap-tich-hieu-qua-hon-tan-dung-viet-kieu-ar892504.html