Tuyển Việt Nam mất gì khi vòng loại World Cup hoãn sang năm 2021?
Việc FIFA lùi lịch vòng loại World Cup sẽ khiến tuyển Việt Nam đối diện khó khăn lớn trong cuộc cạnh tranh tấm vé đi tiếp cùng Malaysia, Thái Lan và UAE.
Ngày 12/8, Liên đoàn Bóng đá Thế giới (FIFA) xác nhận hoãn loạt trận vòng loại World Cup sang năm 2021. Việc loạt trận này bị lùi lịch tới nửa năm sẽ tác động không nhỏ tới cơ hội đi tiếp của tuyển Việt Nam, đồng thời thay đổi cán cân lực lượng tại bảng G vòng loại thứ hai World Cup 2022 khu vực châu Á.
Tuyển Việt Nam từ lợi thế trở thành bất lợi
Trước đó, tuyển Việt Nam từng là đội nắm lợi thế khi V.League là giải đầu tiên trong 5 giải quốc nội của các đội tuyển ở bảng G (4 đội còn lại là UAE, Malaysia, Thái Lan và Indonesia) trở lại. Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) từng tính toán để các giải quốc nội kết thúc đúng ngày 31/10, qua đó, giúp tuyển Việt Nam có rất nhiều thời gian chuẩn bị ở vòng loại World Cup vào cuối năm.
Lợi thế ấy đã biến mất khi FIFA lùi lịch vòng loại World Cup sang năm 2021.
Bước sang năm mới, bên cạnh V.League, các giải quốc nội Thái Lan, Malaysia, UAE và Indonesia đều trở lại. Tuyển Việt Nam sẽ mất lợi thế chạy đà sớm, không có nhiều thời gian chuẩn bị hơn đối thủ.
Chúng ta thậm chí còn ở thế bất lợi về thời gian so với cả 4 đội tuyển trên.
Năm sau có SEA Games, AFF Cup lẫn vòng loại thứ hai World Cup 2022, nên lịch trình sẽ cực kỳ dày.
BLV Quang Tùng
Năm 2021, lượt trận đầu tiên của vòng loại World Cup sẽ diễn ra vào cuối tháng 3. Sau đó 10 ngày, AFF Cup của Đông Nam Á sẽ khai mạc. Lịch hoạt động chồng chéo sẽ buộc các đội tuyển phải tính toán và lựa chọn giữa hai sân chơi. Thái Lan sẽ cử đội trẻ, điều mà họ nhiều lần thông báo trong thời gian qua. Malaysia và Indonesia không nhiều tham vọng nên sẽ chỉ chọn một đấu trường. UAE thậm chí không phải bận tâm tới AFF Cup, mà chỉ cần dồn toàn lực cho vòng loại World Cup.
Từ bỏ một giải đấu nào đó sẽ là lựa chọn dễ dàng với các đối thủ, nhưng đó không bao giờ là điều đơn giản với tuyển Việt Nam.
Là đội đứng đầu bảng G và đương kim vô địch AFF Cup, tuyển Việt Nam chắc chắn sẽ tìm giải pháp vẹn toàn ở 2 mặt trận, muốn chiến thắng ở cả hai sân chơi này. Trong những tình thế tương tự hồi năm 2018 và 2019, VFF đều không buông bỏ một mặt trận nào.
Tham vọng của đội tuyển Việt Nam càng lớn, áp lực dành cho thầy trò Park Hang-seo sẽ càng nặng nề. Đó là khó khăn đầu tiên của tuyển Việt Nam ở loạt trận vòng loại World Cup năm sau.
Các đối thủ đều sẽ mạnh hơn
Khó khăn thứ hai cũng rõ ràng không kém. Nếu vòng loại World Cup diễn ra trong năm nay, tuyển Việt Nam là đội nắm lợi thế bởi đang sở hữu phong độ tốt nhất. Khi giải đấu lùi lại 6 tháng, cán cân lực lượng ở bảng G có thể thay đổi nhiều.
Tuyển Việt Nam có thể chào đón sự trở lại của Trần Đình Trọng, Đỗ Duy Mạnh. Đặng Văn Lâm, Đoàn Văn Hậu, Lương Xuân Trường có thể lấy lại phong độ. Tuy nhiên, họ đều là những cái tên cũ của đội tuyển. Sự trở lại của họ không khiến tuyển Việt Nam thay đổi toàn diện, nhưng đối thủ của chúng ta thì có thể.
Hai trong ba đối thủ của tuyển Việt Nam là UAE và Indonesia mới thay HLV. Càng có nhiều thời gian, Jorge Luis Pinto và Shin Tae-yong có thêm cơ hội củng cố đội bóng. Họ đều là những HLV giỏi, đẳng cấp và kinh nghiệm. Khi họ đủ thời gian áp đặt triết lý cá nhân lên UAE và Indonesia, khó khăn dành cho tuyển Việt Nam sẽ lớn hơn nhiều.
Malaysia và UAE cũng vừa tiến hành nhập tịch hàng loạt cầu thủ. UAE có 3 cái tên mới, còn Malaysia có thể ra sân với quá nửa đội hình mang hai dòng máu. Những cầu thủ này có thể chưa hòa nhập kịp lối chơi nếu vòng loại World Cup vẫn tổ chức theo lịch cũ. Thêm nửa năm, đó là câu chuyện hoàn toàn khác. Cứ nhìn màn trình diễn của Mohamed Sumareh (Malaysia) trong những lần gặp Việt Nam, chúng ta có thể tưởng tượng khó khăn sẽ lớn thế nào khi Malaysia có thêm 3 hay 4 nhập tịch nữa ở hàng công.
Thay đổi của FIFA vì thế sẽ khiến tuyển Việt Nam mất nhiều lợi thế ở vòng loại World Cup.