Tuyển Việt Nam: Muốn thay đổi, Hà Nội FC của bầu Hiển cần 'học' bầu Đức về sự giáo dục cầu thủ?
Sau 4 trận thua ở vòng loại thứ ba World Cup 2022, tuyển Việt Nam bộc lộ nhiều hạn chế, tất cả là những bài học lớn để thay đổi cho tương lai.
Sự thất bại của tuyển Việt Nam ở vòng loại thứ ba World Cup 2022 là điều được dự báo từ trước. Vì cuộc chơi này quá tầm so với thầy trò HLV Park Hang Seo. Tuy nhiên, tuyển Việt Nam đã thu hoạch được nhiều bài học lớn làm hành trang cho tương lai.
Thực tế, tuyển Việt Nam đã chơi rất cố gắng khi có 2/4 trận đấu ghi bàn dẫn trước đối thủ dù phải đá trên sân khách của Saudi Arabia và Oman. Tuyển Việt Nam cũng có 2 bàn thắng vào lưới Trung Quốc, chỉ thất bại khi nhận bàn thua ở phút bù giờ thứ 5. Trận thua 0-1 trước Úc được đánh giá là màn trình diễn ấn tượng nhất của tuyển Việt Nam trong 4 trận thua.
Có lẽ, chính HLV Park Hang Seo phải nuối tiếc vì tuyển Việt Nam không có được lực lượng mạnh nhất ở vòng loại cuối cùng. Vì có đội hình tốt nhất thì ông Park có thêm phương án, cũng có thể không phải nhận trận thua đau trước Trung Quốc khi hậu vệ trẻ Thanh Bình mắc nhiều sai sót. Hơn hết, tuyển Việt Nam được đánh giá đúng hơn về sự tiến bộ và trình độ so với các đội bóng mạnh nhất châu Á.
Bài học lớn đầu tiên cho tuyển Việt Nam là mắc nhiều lỗi dẫn đến 7 quả phạt đền/12 trận đấu, trong đó có 4 tình huống sau 4 trận đấu thuộc vòng loại cuối cùng World Cup 2022.
Cựu trọng tài Hoàng Ngọc Tuấn nhận định là các trọng tài ở V.League ngại phiền phức nên xử lý chưa nghiêm các pha vung tay theo kiểu tiểu xảo của các cầu thủ. Do đó, không làm nghiêm ở V.League thì tuyển Việt Nam còn phải nhận thêm các tình huống phạt đền.
Trưởng ban kỷ luật VFF - ông Vũ Xuân Thành nêu thẳng cách giải quyết vấn đề là tha thiết mong các CLB giáo dục cầu thủ, tránh làm ảnh hưởng đến thành tích chung của bóng đá Việt Nam. Ông Thành cho rằng các tình huống phạm lỗi ở V.League được bỏ qua, còn vòng loại World Cup có VAR thì không thể thoát.
Quan điểm của ông Vũ Xuân Thành giống như "sự báo động đỏ" cho bóng đá Việt Nam về chuyện cần phải thay đổi tư duy và thói quen chơi bóng cho cầu thủ. Ví dụ 5/7 lần bị phạt đền của tuyển Việt Nam đến từ các cầu thủ Hà Nội FC gồm Duy Mạnh (2 lần), Đoàn Văn Hậu (2 lần), Tấn Trường (1 lần). Ngược lại, các cầu thủ HAGL chưa để xảy ra chuyện bị thổi phạt đền ở tuyển Việt Nam.
Ở V.League, các cầu thủ Hà Nội FC thường xuyên có những tình huống phạm lỗi bị khán giả nhận xét là phi thể thao. Đội bóng của bầu Hiển dường như nhận được sự ưu ái từ các trọng tài nên không chịu thay đổi chuyện đá xấu xí. Điển hình CLB TPHCM đụng Hà Nội FC thì yêu cầu xếp tổ trọng tài tốt nhất điều khiển. Nhưng TPHCM bị bỏ qua đến 2 quả phạt đền mười mươi trước Hà Nội FC và phát ngán với chuyện trọng tài điều khiển mắc nhiều sai sót. Hà Nội FC có trận đấu mắc đến 3 lỗi nghiêm trọng như đạp thô bạo, sút bóng vào mặt đối thủ đang nằm sân, đánh nguội nhưng trọng tài không rút thẻ đỏ.
Cụ thể, Văn Quyết đã có nhiều pha bóng xấu xí gây ồn ào cho dư luận. Vấn đề này cứ lặp đi lặp lại đến mức Văn Quyết có ít nhất 2 lần bị mất suất tranh QBV vì vi phạm tiêu chí đạo đức khi thi đấu. Ngôi sao một thời của Hà Nội FC - tiền đạo Hoàng Vũ Samson là nỗi ám ảnh cho nhiều cầu thủ Việt Nam về hành vi thô bạo. Chính đội bóng Thủ đô phải trả giá đắt khi Samson đánh đối thủ ở AFC Cup, sau đó nhận án phạt cực nặng từ AFC. Tuy nhiên, Samson đá xấu xí ở V.League thì trọng tài và Ban kỷ luật VFF không xử lý mạnh tay. Samson từng đạp vào người tiền vệ Châu Ngọc Quang (HAGL) nhưng không bị thẻ đỏ, còn Ban kỷ luật VFF chỉ phạt cảnh cáo. Dư luận phản ứng thì những người "cầm cân nảy mực" mới phải cấm 2 trận với Samson.
Có thể thấy chuyện cầu thủ Việt Nam quen đá xấu xí, chơi tiểu xảo đã là lỗ hổng mang tính hệ thống. Các CLB thiếu sự giáo dục hoặc có án phạt nội bộ nghiêm khắc với cầu thủ. Trọng tài và Ban kỷ luật VFF cũng góp phần làm "hư" cầu thủ vì không mạnh tay xử phạt để răn đe.
Hãy đặt trong một trường hợp thiết thực ở V.League là CLB HAGL của bầu Đức về cách dạy dỗ các cầu thủ. Tăng Tiến có pha đạp vào đầu gối của Duy Mạnh thì bầu Đức ngay lập tức cấm anh hết lượt đi V.League. Tức chưa cần Ban kỷ luật VFF ra án phạt nguội thì bầu Đức đã quyết liệt xử lý nghiêm cầu thủ của HAGL vì đá xấu.
Bầu Đức có câu nói nổi tiếng rằng: "Cầu thủ nào đá xấu, đá láo thì tôi đuổi thẳng cổ". Ông chủ CLB HAGL còn tận tình dạy dỗ các cầu thủ ngay từ nhỏ trong các lần gặp mặt, nghiêm cấm họ phản ứng thái quá với trọng tài, cấm đá xấu xí để tránh gây chấn thương cho đồng nghiệp.
Sự giáo dục từ nhỏ kèm theo là hành động quyết liệt trong việc xử lý nội bộ về chuyện cầu thủ đá xấu, CLB HAGL của bầu Đức đã trở thành hình mẫu cho V.League về sự chuẩn mực trên sân cỏ. Đây cũng là lý do góp phần giúp các cầu thủ HAGL thi đấu cho tuyển Việt Nam không để xảy ra những tình huống phạm lỗi dẫn đến thẻ đỏ hay phạt đền.
Vậy nên, tuyển Việt Nam muốn thay đổi sau bài học lớn về số lần bị phạt đền thì các CLB phải dạy dỗ cầu thủ thật tốt, nhất là CLB có nhiều tuyển thủ như Hà Nội FC. Và V.League muốn thay đổi thì các đội bóng như Hà Nội FC của bầu Hiển cần "học" bầu Đức về sự giáo dục cho cầu thủ.