Tuyển Việt Nam ngây thơ và va phải VAR
Huấn luyện viên Park Hang-seo có những thay đổi về nhân sự để cho thấy mình không bảo thủ. Song, tuyển Việt Nam vẫn không thể có một điểm dù đã ghi bàn dẫn trước Oman.
Đó là kết quả của tất cả yếu tố tổng hòa lại: Thua kém đối thủ về năng lực, ức chế đến từ công tác trọng tài và cả sự ngây thơ của chính chúng ta khi ra sân chơi lớn.
Người hâm mộ Việt Nam có quyền ấm ức, có quyền chỉ trích và có quyền phản ứng mạnh mẽ đối với công tác trọng tài ở trận thua 1-3 vừa rồi trên sân Oman. Nội chỉ nói đến hành vi mổ xẻ VAR ở pha mở tỷ số của Tiến Linh của trọng tài chính là đủ để khiến chúng ta đề cao quyền phản ứng này.
Bài học cho tuyển Việt Nam
Đầu tiên là xem Hồ Tấn Tài có phạm lỗi không, không tìm ra lỗi, săm soi tiếp xem trước đó hàng công tuyển Việt Nam có ai việt vị không. Không cầu thủ nào việt vị, bàn thắng được công nhận, nhưng nỗi ức chế trong lòng các tuyển thủ chắc chắn lấn át cả niềm vui bị tạm dừng để ăn mừng.
Nhưng có ấm ức gì, có phản ứng gì thì thua cũng là thua. Chúng ta đã thất bại trước đối thủ mạnh hơn, khi họ được chơi trước đa số khán giả nhà. Đó là trận thua có thể nhìn thấy được những điểm tích cực và cả những bài học tích cực từ những lỗi lầm chung.
Đầu tiên, chúng ta hãy nói về bàn thắng của tuyển Việt Nam trước đi đã. Đó là tình huống cực sáng, nếu không nói là sáng nhất trong số tất cả bàn thắng mà chúng ta đã ghi được từ đầu vòng loại thứ 3 World Cup tới giờ dù nó không hề là bàn đẹp mắt nhất. Điểm sáng của nó nằm ở chiến thuật, hiện đại và phù hợp.
Từ cú tạt bóng vào vòng cấm của Hồng Duy, đội bạn phá bóng ra, tiền vệ của họ chơi một chạm phát động bóng sang cánh trái đón đường băng lên của hậu vệ biên. Cách phòng ngự - phản công ấy của Oman là cực bài bản.
Tuy nhiên, Tấn Tài đã nhanh như cắt, băng lên cướp bóng, tổ chức đợt tấn công nhanh để Tiến Linh ghi bàn. Chính pha cướp bóng này của Tấn Tài thể hiện được lối đón lõng rất khoa học của bóng đá hiện đại mà thuật ngữ hay được sử dụng là “rest-defense”.
Tổ chức giăng bẫy đón lõng bóng mới được phát động từ dưới lên sau một đợt hãm thành thất bại thực chất là cách phòng ngự hữu hiệu nhất từ tuyến trên. Chính cách tổ chức đón lõng này giúp đội bóng tiết kiệm sức, tiết kiệm thời gian và cơ bản hơn là duy trì nhịp tấn công đủ gây xáo trộn cho đối thủ.
Pha cướp bóng của Tấn Tài là nỗ lực cá nhân tự phát hay được lên kế hoạch từ trước bởi ông Park là điều mà chúng ta không biết được tường tận, nhưng nó hợp lý và đúng chất bóng đá hiện đại. Và lối đón lõng này cần được tuyển Việt Nam tổ chức thường xuyên hơn nữa, phát huy thành thế mạnh, thành thói quen và có tính tổ hợp chứ không phải là xuất thần tự phát duy nhất một lần.
Giờ chúng ta nói đến những bài học tích cực nên được rút ra sau trận thua này. Hai pha phạt đền mà Oman được hưởng cho thấy điều gì? Tấn Tài và Duy Mạnh có cố ý hay không, thì chỉ họ mới biết được mà thôi. Nhưng rõ ràng, động tác tay của Tấn Tài và Duy Mạnh là không bình thường và VAR có quyền tư vấn để trọng tài chính thổi phạt.
Chúng ta có trách trọng tài đến thế nào đi nữa thì về lý và luật, họ cũng không sai ở 2 quả phạt đền này. Chúng ta cần tự trách mình, khi sự ngây thơ đã khiến xui hai động tác tay này được tiến hành, và tạo nên bước ngoặt trận cầu.
Ở V.League, những pha va chạm kiểu này là phổ biến. Chính sự phổ biến ấy tạo thành thói quen của cầu thủ. Và ở V.League không có VAR. Bởi không có sự mổ xẻ thường xuyên này, tuyển thủ của chúng ta không quen được với sự nghiệt ngã của công tác trọng tài khi bước ra đấu trường lớn.
Thua vì sự ngây thơ
Việc mang tư duy và thói quen chơi bóng ở môi trường thi đấu dễ dãi hơn vào môi trường khắc nghiệt rõ ràng thể hiện cái ngây thơ của cầu thủ Việt Nam. Khi “ngây thơ va” tay vào mặt đối thủ, chúng ta va phải VAR và trả giá. Và bài học lớn rút ra cho những trận sau này: Tuyệt đối tỉnh táo để không mắc "bẫy VAR".
Còn ở pha Oman đá phạt góc vào thẳng cầu môn thì sao? Nó cũng là sự ngây thơ của Văn Toản, một thủ thành còn rất trẻ. Toản bắt tốt, ra vào hợp lý nhưng quá ngây thơ trước tiểu xảo của đối phương. Oman bày ra lối đá cố định này từ nhiều trận trước chứ không chỉ ở trận gặp Việt Nam. Họ chủ trương bu đặc vòng 5,5 m để khiến thủ thành đối phương khuất tầm nhìn, mất không gian để ra vào và do đó mang lại cơ hội nhiều hơn cho Oman.
Nếu là thủ thành già dặn, rất có thể họ sẽ chủ động ngã sau va chạm ở vùng 5,5 m đặc kín này vì đó là vùng đặc quyền của thủ môn. Khi ấy, chắc chắn trọng tài sẽ phải xem xét tình huống rất kỹ và nó dễ khiến ý đồ của Oman phá sản.
Nhưng Văn Toản không có được độ tinh quái ấy ở bất kỳ một tình huống đá phạt nào của Oman. Cái này là bài học không chỉ cho Toản mà còn cho cả các thủ thành khác của tuyển Việt Nam vì không chắc sẽ một mình Oman dùng chiêu này và chúng ta cũng còn gặp lại họ lần nữa.
Có thể nói, chúng ta nhìn tuyển Việt Nam thua mà cảm thấy rất thương các tuyển thủ. Họ phải chịu sự ức chế; họ non nớt hơn, ngây thơ hơn đối thủ cũng vì nền bóng đá của ta kém phát triển hơn; họ thua sút đối phương ở tư duy chơi bóng, thể chất và tốc độ.
Nhưng trong cái thương ấy, không nên bi quan mà ngược lại là khác. Vòng loại thứ 3 World Cup không phải sân chơi dễ dàng và ít ra, chúng ta đang ở đó, học những bài học bổ ích để trưởng thành.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tuyen-viet-nam-ngay-tho-va-va-phai-var-post1270472.html