Tuyển Việt Nam thua Oman không chỉ vì VAR

VAR tác động lớn trong trận tuyển Việt Nam thua 1-3 trước Oman, nhưng không phải là lý do lớn nhất để dẫn tới thất bại thứ tư của thầy trò HLV Park tại vòng loại World Cup 2022.

Và nếu có điều gì đó được cho là "vì VAR", chỉ có thể là trên góc độ tâm lý, bởi tổ trọng tài video đã hỗ trợ phù hợp, đúng luật cho trọng tài chính trong tất cả tình huống cần sự trợ giúp ở trận này.

Đó là sự phũ phàng mà giới mộ điệu cần chấp nhận. Từ việc trọng tài chính cùng các trợ lý video dành hơn 3 phút để thảo luận về 2 khả năng mắc lỗi khác nhau trước bàn thắng của Nguyễn Tiến Linh cho đến những quyết định trao phạt đền cho Oman đều là hợp lý.

 Tuyển Việt Nam bị những đối thủ mạnh hơn bỏ lại phía sau ở vòng loại World Cup 2022 khu vực châu Á. Ảnh: AFC.

Tuyển Việt Nam bị những đối thủ mạnh hơn bỏ lại phía sau ở vòng loại World Cup 2022 khu vực châu Á. Ảnh: AFC.

Vì sao không thể chống lại bài phạt góc của Oman?

Cách Oman thực hiện quả phạt góc với nhóm khoảng 5 cầu thủ túm tụm tại góc gần không còn mới mẻ. Họ sở hữu những cầu thủ đá phạt với kỹ thuật cao, có thể câu bóng vào để tận dụng hỗn loạn hoặc thậm chí đi thẳng vào lưới để ăn bàn.

5 tuyển thủ Oman thu hút các cầu thủ phòng ngự, và thậm chí càng đông thì họ càng vui, bởi sự hỗn loạn là thứ Oman tìm kiếm. Hơn nữa, khi có quá nhiều người xuất hiện tại khu vực này, thủ môn sẽ khó lòng hoạt động, lợi thế đôi tay dài có thể bị xóa nhòa.

Chàng thủ môn trẻ Nguyễn Văn Toản thật không may khi rơi đúng vào bài toán "độc" này. Có lẽ sẽ hiếm khi cầu thủ người Hải Phòng gặp lại bài phạt góc ấy thường xuyên.

Ai đó có thể nói về việc Toản dường như bối rối và hơi "non", không xử trí được. Thế nhưng, đây là hoàn cảnh chiến thuật cụ thể, và như HLV Park Hang Seo đã nói: Không nên quy trách nhiệm cho cầu thủ hay các trợ lý.

Với lối chơi xuống biên tốc độ cao, Oman luôn kiếm được nhiều phạt góc. Họ thực hiện bài phạt góc này 1-2 lần trong các quả phạt góc đầu tiên của mỗi hiệp đấu, sau đó chuyển sang bài khác phổ thông hơn. Oman làm điều này trong cả 3 trận trước đó, thậm chí suýt chút nữa có bàn thắng vào lưới Saudi Arabia.

 Bài phạt góc đã được Oman áp dụng ở cả 3 trận trước khi gặp tuyển Việt Nam.

Bài phạt góc đã được Oman áp dụng ở cả 3 trận trước khi gặp tuyển Việt Nam.

Vậy tại sao ban huấn luyện đội tuyển không có sự chuẩn bị tốt cho thứ mà chắn chắn sẽ diễn ra? Đã có công tác phân tích hay chưa? Từ khâu phân tích và trao đổi thông tin đã đi đến việc tập luyện để cung cấp giải pháp cho cầu thủ hay chưa? Giải pháp đó nếu chính là những gì các cầu thủ thực hiện trên sân thì liệu có phù hợp?

Tập phạt góc không tốn thể lực, nên không liên quan tới công tác cắt giảm lượng vận động giữa 2 trận đấu.

Lựa chọn cách tấn công chưa hợp lý

Đây là trận đấu mà các cầu thủ tấn công đã chơi tốt hơn, cầm bóng được một cách có chủ đích hơn, ít bị vội vàng trong các pha xử lý bóng.

Tuy nhiên, một lần nữa, vẫn có cái gì đó thiếu để tạo ra sự hiệu quả. Cụ thể hơn, tuyển Việt Nam đã không thể khai thác được một trong những điểm yếu rõ ràng của Oman.

Với lựa chọn sơ đồ thi đấu là 4-4-2 kim cương, Oman luôn phải chịu rủi ro lớn về khả năng phòng ngự chiều rộng sân. Họ gây ấn tượng về việc áp sát mạnh lên khu vực bóng lăn, nhưng cả hệ thống dễ bị sụp đổ với các cú chuyển hướng nhanh.

Australia và Saudi Arabia đều đã khai thác thành công điểm yếu này. Họ chủ động luân chuyển bóng sang một bên và tìm những đường chuyền chéo dài để bẻ gãy áp lực của Oman, từ đó tiến vào vòng cấm địa.

Thế nhưng, tuyển Việt Nam lại rất ít khi làm được điều này.

 Khoảng trống lớn ở cánh của Tấn Tài, nhưng không có cú chuyển hướng nào được thực hiện.

Khoảng trống lớn ở cánh của Tấn Tài, nhưng không có cú chuyển hướng nào được thực hiện.

Bản thân Tấn Tài và cả Hồng Duy thường xuyên bỏ vị trí trên cao để lùi về xin bóng từ các trung vệ, hành vi gây đánh mất lợi thế chiến thuật.

Bản thân Tấn Tài và cả Hồng Duy thường xuyên bỏ vị trí trên cao để lùi về xin bóng từ các trung vệ, hành vi gây đánh mất lợi thế chiến thuật.

Xuân Trường không thực hiện cú chuyển hướng cần thiết dù cả Tấn Tài và Văn Toàn đều sẵn sàng bên cánh đối diện.

Xuân Trường không thực hiện cú chuyển hướng cần thiết dù cả Tấn Tài và Văn Toàn đều sẵn sàng bên cánh đối diện.

Thế nên, mặc dù quả thực đã có chủ động cầm bóng và tổ chức tấn công, khó có thể nói là tuyển Việt Nam đạt hiệu quả. Tình huống ghi bàn đến từ pha bóng mà Tấn Tài đã quyết đoán và xuất sắc, hơn là đến từ lối chơi.

 Rất ít đường chuyền của Việt Nam tìm tới vòng cấm địa thành công. Đồ họa: AFC.

Rất ít đường chuyền của Việt Nam tìm tới vòng cấm địa thành công. Đồ họa: AFC.

Khi đội tuyển quốc gia thất bại, thật khó để có thể kìm nén những cảm xúc tiêu cực. Đó thực ra chính là lý do vì sao bóng đá là môn thể thao vua, được yêu mến khắp thế giới. Nhưng nếu vượt qua được các cảm xúc, chúng ta có thể thấy tuyển Việt Nam vẫn còn nhiều vấn đề hơn để tranh luận, thay vì các pha can thiệp của VAR.

Dù sao ở trận này, tuyển Việt Nam cũng đã cầm bóng. Thậm chí cuối trận HLV Park Hang Seo đã cho cầu thủ chơi 4-2-3-1, chi tiết mới mẻ và chúng ta cùng hy vọng những điều tốt đẹp hơn sẽ đến ở vòng loại thứ ba World Cup 2022.

 Tuyển Việt Nam vẫn chưa có điểm sau 4 lượt trận tại VL World Cup 2022 khu vực châu Á. Đồ họa: Minh Phúc.

Tuyển Việt Nam vẫn chưa có điểm sau 4 lượt trận tại VL World Cup 2022 khu vực châu Á. Đồ họa: Minh Phúc.

Highlights vòng loại World Cup: Oman 3-1 Việt Nam Bàn mở tỷ số của Nguyễn Tiến Linh không thể giúp tuyển Việt Nam có điểm trước Oman ở vòng loại World Cup 2022 khu vực châu Á đêm 12/10.

Dũng Lê

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tuyen-viet-nam-thua-oman-khong-chi-vi-var-post1270405.html