Tuyển Việt Nam thua Trung Quốc vì chọn lối chơi sai ở hiệp 2

Chúng ta tiếc cho tuyển Việt Nam, nhưng cũng cần khen ngợi tinh thần quật cường của các cầu thủ, và điều quan trọng là sau trận thua 2-3, thầy trò HLV Park rút được kinh nghiệm gì.

Highlights tuyển Trung Quốc 3-2 Việt Nam: Bàn thua phút 90+5 Thầy trò huấn luyện viên Park Hang-seo để thua ở những giây cuối cùng trong trận gặp Trung Quốc tại vòng loại thứ ba World Cup 2022 diễn ra rạng sáng 8/10 (giờ Hà Nội).

Được đánh giá cao hơn đội tuyển Việt Nam, nhưng Trung Quốc lại nhập cuộc không dấu ấn áp đảo. Cá nhân của họ nhỉnh hơn chúng ta cả về thể hình, thể chất lẫn kỹ năng nhưng lối chơi và tổ chức thì không hơn.

Tuyển Trung Quốc đã có những tình huống quấy đảo khá tốt ở biên của Văn Thanh, nhưng thứ không khiến cho các nỗ lực ấy của Trung Quốc trở nên hiệu quả là bởi họ thiếu sự sắc sảo để tạo nên đột biến. Bởi thế, hiệp 1 đã trôi qua với hy vọng đội tuyển Việt Nam có thể giành được một điểm.

 Tuyển Việt Nam cầm cự trước các cầu thủ Trung Quốc trong hiệp một. Ảnh: Reuters.

Tuyển Việt Nam cầm cự trước các cầu thủ Trung Quốc trong hiệp một. Ảnh: Reuters.

Sự thiếu đồng bộ

Nhưng tình huống để thua bàn ở hiệp 2 đã thay đổi tất cả cục diện đáng hy vọng ấy. Chính bàn thua đó đã khiến tuyển Việt Nam khó đá hơn rất nhiều, bởi cái thế của chúng ta đã thay đổi hoàn toàn.

Lao lên tìm bàn gỡ? Khó khả thi bởi việc lao lên ấy có thể bắt chúng ta trả giá khi đối phương có tốc độ, thể hình và kỹ năng phối hợp tốt hơn. Tiếp tục phòng ngự phản công? Kế hoạch ấy có giúp mang lại bàn gỡ nếu tuyển Trung Quốc không chủ trương dâng cao chơi áp đảo cho chúng ta được chơi như ý? Rõ ràng, đó chính là bàn thua khiến đội tuyển Việt Nam tiến thoái lưỡng nan.

Tất nhiên, khó ai dám nói nếu không để thua bàn đó thì chúng ta không để thua một bàn khác, ở tình huống khác. Nhưng chắc chắn, đó chính là bàn thua mang tính bước ngoặt của trận đấu và khá tiếc là nó lại xảy ra do nguyên nhân chiến thuật: Từ một tình huống thiếu đồng bộ.

Có vẻ như việc nhận thấy Trung Quốc không quá nguy hiểm ở hiệp 1 đã khiến đội tuyển Việt Nam quyết định lựa chọn áp sát ở ngay 1/3 sân đối phương theo cách mà nhiều người đang dùng từ khá thời thượng là “pressing tầm cao”.

Việc áp sát này là một trong những hoạt động nằm trong chuỗi các hoạt động của tổ chức pressing cực đoan. Và rất tiếc, chúng ta chỉ có một hoạt động chứ không có đủ chuỗi hoạt động để cách pressing này mang lại hiệu quả. Ngược lại, chúng ta bị phản đòn.

Áp sát ngay 1/3 phần sân đối phương trong pressing cực đoan nhằm mục đích ngăn cản đối phương triển khai bóng từ sân nhà và nếu họ mắc sai lầm, chúng ta có đường tìm đến khung thành gần hơn rất nhiều, với nhân sự ít hơn và tiết kiệm thời gian hơn.

 Tuyển Trung Quốc tận dụng khả năng không chiến để ghi bàn. Ảnh: IC.

Tuyển Trung Quốc tận dụng khả năng không chiến để ghi bàn. Ảnh: IC.

Bài học cho tuyển Việt Nam

Song, muốn hành vi áp sát này thực sự hiệu quả, các tổ hợp “đón lõng” ở 2 tuyến dưới phải được tổ chức cực chặt chẽ, để phòng trường hợp không cướp được bóng hoặc cướp được bóng nhưng để mất bóng. Và đội tuyển Việt Nam đã không tổ chức chặt chẽ ở hàng tiền vệ trong tình huống dâng cao kiểu ấy, dẫn tới việc đường phất bóng dài từ hàng thủ của Trung Quốc đã tạo đà cho cơ hội ghi bàn của họ được mở ra.

Và khi đã có bàn mở tỷ số, tuyển Trung Quốc bắt đầu có thể chơi bóng thoải mái hơn rất nhiều. Họ tiếp tục khoét vào biên của Văn Thanh, người đã có dấu hiệu xuống sức.

Nhưng thay vì cố khoét vào nách hoặc tìm cách xuống gần đáy biên để căng ngang, họ quyết định tạt sớm hướng về cột 2. Bàn nâng tỷ số đến từ chính tình huống kiểu này. Trước khi ghi bàn, tuyển Trung Quốc đã có pha đánh đầu tương tự, nhưng chệch cột. Ý đồ của họ thực sự quá rõ ràng.

Nhưng những điều chỉnh của Park Hang-seo đã mang hy vọng trở lại cho đội tuyển Việt Nam. Sự góp mặt của Tấn Tài bên biên phải đã tạo ra luồng gió mới. Chúng ta phải thừa nhận, nếu không xuống sức, Văn Thanh cũng nên được thay ra khi anh không có trận đấu đúng phong độ của mình.

Và pha phối hợp đẹp mắt để Tấn Tài rút ngắn tỷ số đã tạo áp lực trở lại với tuyển Trung Quốc. Áp lực ấy thành hình thực sự với sự xuất hiện của Công Phượng, người phối hợp nhanh với Quang Hải để từ đó Tiến Linh san bằng tỷ số ở những phút cuối cùng.

Song, khi đã điều chỉnh để chấp nhận thế trận mở nhiều cơ hội nhưng cũng chứa lắm rủi ro, chúng ta không thể giữ được một điểm quý giá. Vẫn là cách đánh theo ý đồ rất cũ, Trung Quốc có bàn thắng quyết định khi thời gian cho tuyển Việt Nam không còn nữa. Tiếc thực sự nhưng đó là kết quả mà chúng ta phải chấp nhận, và chấp nhận được khi các cầu thủ đã cho thấy tinh thần thép đúng nghĩa trước đối thủ mạnh hơn mình.

Tình huống thiếu đồng bộ đã dẫn trận cầu đi theo hướng khác. Nó để lại kinh nghiệm rất quý cho đội tuyển Việt Nam là cần xác định đối thủ nào, thì chúng ta có thể chơi pressing cực đoan và nếu chơi pressing cực đoan thì nên chơi như thế nào.

Trước Thái Lan, Indonesia hay Malaysia, có thể cách chơi ấy của chúng ta sẽ là phù hợp nhưng trước các đối thủ mạnh hơn, muốn nó phù hợp thì phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng nhằm tạo nên tính đồng bộ để giảm thiểu rủi ro.

Rủi ro là điều không ai muốn, nhưng cũng là thứ có thể kiểm soát được phần nào. Và trước những đối thủ mạnh hơn mình ở sân chơi như vòng loại thứ 3 World Cup, kiểm soát rủi ro lại càng là việc cần được thầy trò huấn luyện viên Park Hang-seo đề cao hàng đầu.

Hà Quang Minh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tuyen-viet-nam-thua-trung-quoc-vi-chon-loi-choi-sai-o-hiep-2-post1269279.html