Tuyệt chiêu chọn các phần thịt ngon trên con lợn cho các chị em vụng bếp núc
Hàng ngày bạn đi chợ và thường xuyên sử dụng thịt lợn. Tuy nhiên việc chọn miếng thịt nào ngon nhất, công dụng của từng phần thịt thì không phải bà nội trợ nào cũng biết.
Không phải là cô gái đảm đang, có thể ít đi chợ bạn sẽ hoa mắt chóng mặt nếu mua thịt lợn và không thể nào phân biệt đâu là thịt vai, đâu là ba chỉ, nạc, thăn, thịt thủ hay chân giò.
Mỗi một miếng thịt, đều có tên gọi khác nhau (vùng miền khác nhau có thể có tên khác) và có cách chế biến phù hợp tương ứng để có vị ngon tốt nhất. Bài viết dưới đây giúp bạn có lựa chọn tối ưu hơn khi mua thịt.
Theo các chuyên gia ẩm thực, riêng phần thịt lợn nạc, có 5 vị trí bạn có thể ưu tiên chọn mua trước, được xếp theo thứ tự vị trí dựa trên độ ngon của chất lượng miếng thịt, cách chế biến và hương vị nổi bật.
Thịt áp sườn (vùng hông). Đây là phần thịt nạc bám vào xương sườn, xương sống, được xem là miếng thịt ngon nhất trên thân lợn. Bà nội trợ sành ăn, sẽ chọn miếng thịt này để mua đầu tiên. Phần thịt này rất mềm, thơm, ngọt. Tuy nhiên nếu lọc miếng thịt này ra thì sẽ ảnh hưởng đến hình thức thẩm mỹ của sườn và xương khi bán, nên đa phần người bán sẽ để thịt kèm vào xương hoặc sườn mà không bán riêng.
Thịt thăn (nạc thăn lưng). Miếng thịt thăn gần với thịt vai ở trên lưng lợn, đứng ở vị trí số 2 về chất lượng thịt.Là phần thịt nạc gần như mềm nhất và hầu như không dính chút mỡ nào trên con lợn. Phần thịt này hay được sử dụng để làm giò lụa. chả lụa, làm ruốc hoặc thịt thăn rim mắm, rán hoặc băm nhỏ nấu canh.
Thịt vai. Phần thịt này nằm ở vị trí vai của con lợn. Thịt ở vị trí này có cả nạc lẫn chút mỡ, nhưng phần nạc nhiều hơn, thớ thịt chia thành từng mảng nhỏ. Phần thịt này nằm ở vị trí vai của con lợn.Thịt có độ dai hơn và giòn hơn, có mỡ nhưng không ngấy nên được dùng nhiều trong các món kho, chiên rán, nướng hoặc xay ra làm thịt xay để dùng chế biến các món ăn khác.
Thịt bắp chân trước. Đây là miếng thịt được đánh giá là ngon thứ 3 trên thân lợn. Thịt nạc nhiều, chắc, sẫm màu, có độ giòn và mềm dẻo, thơm. Miếng thịt này phù hợp với cách chế biến kho hoặc hầm, luộc, cắt thành miếng để hấp. Luộc nguyên đùi để cúng hay bày cỗ. Có thể rút xương luộc, thái khoanh cuộn bánh đa nem.
Thịt bắp chân sau (ở đùi trên chân sau). Miếng thịt này gọi là thịt đùi hoặc thịt bắp, giáp với thịt mông sấn vùng sát chân giò. Miếng thịt này thường nạc đặc, mùi thơm, mềm, có nhiều nước, vị thịt đậm. Cách ngon nhất để chế biến món này chính là nhúng lẩu, hấp, luộc, cắt thành miếng mỏng để xào, kho tàu, kho măng. Nấu bánh canh, thịt đông, luộc...
Vài lưu ý khi chọn mua thịt
- Chọn mua thịt có màu hồng tươi, không dính khi dùng đầu ngón tay ấn vào và thịt có tính đàn hồi cao, ngửi không thấy mùi.
- Màng ngoài thịt khô, không bị nhớt, có màu hồng, không có mảng bầm, tím, tụ máu. Ấn tay vào thấy thịt mềm, có độ dính.
- Lớp mỡ có màu trắng hoặc vàng tự nhiên, không có mùi lạ, mùi ôi thiu, hay mùi thuốc kháng sinh.
- Không chọn thịt heo già (heo sề) vì sau khi chế biến món ăn sẽ bị khô hoặc bở. Đặc điểm của loại thịt này là da dày và thô.
- Khi mua cần quan sát kỹ, lựa miếng thịt tươi, không quá bóng, sờ vào ấm, nóng, hơi dính.
- Còn nếu bạn thấy thịt cứng, nhão thì có thể là thịt bệnh, thịt ôi. Khi chế biến thịt heo, tốt nhất là đeo găng tay, sau khi tiếp xúc nên rửa tay bằng xà phòng.
- Tuyệt đối không mua loại thịt có màu đỏ bầm hay màu hơi thâm đen, mỡ có màu đỏ ối, các mạch máu nổi lên, tụ máu và có máu đỏ tía, da có hiện tượng lốm đốm... Vì đó có thể là thịt nhiễm bệnh, rất nguy hiểm cho sức khỏe.
- Các bà nội trợ chỉ nên mua thịt lợn đã qua kiểm dịch (có dấu kiểm dịch của cơ quan thú y trên thân thịt, rõ nguồn gốc, được kiểm dịch tại các chợ, siệu thị).
Châu Anh (th)