Tuyệt đối không bỏ sót nguy cơ
ĐBP - Cùng với những cán bộ tuyến đầu truy vết, cách ly, công tác xét nghiệm hiệu quả cũng đang được những cán bộ Khoa Xét nghiệm - Chẩn đoán hình ảnh - Thăm dò chức năng (CDC Điện Biên) tập trung cao độ, chạy đua với thời gian nhưng cũng tuyệt đối không bỏ sót nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh ra cộng đồng.
Chuẩn bị mẫu làm công tác xét nghiệm.
Chuỗi ngày Khoa Xét nghiệm - Chẩn đoán hình ảnh - Thăm dò chức năng không tắt điện trở lại từ khi Điện Biên có trường hợp BN 3096 và số người “chuyển F” cũng tăng lên theo cấp số nhân. Tính đến ngày 11/5, toàn tỉnh xác minh trên 3.000 trường hợp F1, F2 của các bệnh nhân và các trường hợp trở về từ vùng dịch, có nguy cơ lây nhiễm cao. Tất cả các trường hợp này đều cần phải lấy mẫu và xét nghiệm nhanh, chính xác trong thời gian sớm nhất. Thậm chí những trường hợp F1 tiềm ẩn nguy cơ còn cần phải lấy mẫu nhiều lần thì mới an tâm. Bước vào đợt dịch mới, Khoa lại phải bố trí nhân lực làm việc xuyên đêm để tiếp nhận mẫu. Bởi anh em tuyến dưới cũng rất vất vả, hoàn toàn không cố định thời gian lấy mẫu, chuyển mẫu về. Bác sĩ Nguyễn Anh Thái, Trưởng khoa, Khoa Xét nghiệm - Chẩn đoán hình ảnh - Thăm dò chức năng chia sẻ: Trước tình hình dịch bệnh như thế này, cán bộ xét nghiệm của đơn vị đã phải nhanh chóng nâng công suất xét nghiệm lên đến hàng nghìn mẫu mỗi ngày. Trung bình mỗi ngày xét nghiệm từ 380 - 400 mẫu, đặc biệt trong ngày 10/5, các máy phải chạy hết công suất để kịp thời trả kết quả cho 800 - 900 mẫu của các trường hợp F1, F2 chuyển về. Đơn vị phải bố trí nhân lực trực 24/24 vì mẫu gửi về có khi là 12 giờ đêm, có lúc lại 2 giờ sáng. Có khi hàng trăm mẫu nhưng có lúc cũng chỉ vài chục mẫu. Dù ít hay nhiều thì anh em cũng phải khẩn trương bắt tay vào làm xét nghiệm để có kết quả sớm nhất. Mỗi người một việc làm theo dây chuyền từ khâu lấy mẫu, vào sổ, xử lý mẫu, tách chiết, xét nghiệm, chạy máy... Tất cả đều phải tiếp nhận, nhập dữ liệu và vận hành thông suốt, không để một mẫu bệnh phẩm nào đọng lại. Đặc biệt, phải tuyệt đối chính xác, bởi chỉ cần sai một mẫu thôi là công sức của cả một hệ thống phòng, chống dịch coi như bỏ.
Giữa cái nóng đầu hè tháng 5, các cán bộ Khoa Xét nghiệm - Chẩn đoán hình ảnh - Thăm dò chức năng vẫn phải khoác lên mình bộ đồ bảo hộ kín mít từ đầu đến chân. Hai lớp găng tay, khẩu trang, mũ chống giọt bắn là những trang bị không thể thiếu trước khi bước vào phòng xét nghiệm. Cả người họ chỉ hở duy nhất đôi mắt để có thể thực hiện các thao tác cần thiết. Đứng từ xa nhìn thôi cũng có thể cảm thấy sự ngột ngạt, khó chịu của bộ đồ này. Vừa khoác xong từng ấy thứ lỉnh kỉnh lên người, bác sĩ Vì Thị Sơn, cán bộ của Khoa chỉ kịp chia sẻ một chút trước khi nhanh chóng trở lại với công việc xét nghiệm mẫu: “Mặc bộ đồ bảo hộ này nóng lắm! Trong phòng có điều hòa cũng không ăn thua gì đâu. Thế mà có hôm mẫu xét nghiệm về nhiều bọn mình còn phải mặc hầu như cả ngày, có hôm đứng từ 8h đến 15h mới được nghỉ ngơi”.
Cán bộ Khoa Xét nghiệm - Chẩn đoán hình ảnh - Thăm dò chức năng tự pha chế môi trường bảo quản mẫu giúp giảm chi phí trong công tác phòng chống dịch bệnh.
Ngồi lại bên ngoài, chị Hà Thị Thơm, một cán bộ của tổ HIV/AIDS mới chuyển sang tổ xét nghiệm từ khi đại dịch bùng phát cũng đang chăm chú tham gia vào công việc chế tạo môi trường bảo quản mẫu. Đây là một trong những sáng kiến của đơn vị giúp giảm chi phí trong công tác phòng chống đại dịch. Chị Thơm, chia sẻ: Từ khi dịch bệnh bùng phát trở lại, cường độ công việc tăng cao gấp nhiều lần so với ngày thường. Như với bản thân tôi thì thường 8 giờ tối mới kết thúc. Còn với bộ phận đọc kết quả thì đến 2 - 3 giờ sáng là chuyện hết sức bình thường. Với cường độ công việc đó, hầu như anh em đều phải ăn trưa tại đơn vị. Nhưng cũng chỉ là bữa ăn tạm, khi thì đồ hộp, lúc thì mỳ gói… rồi lại tiếp tục bắt tay ngay vào công việc. Thêm một nỗi vất vả nữa đến từ bộ đồ bảo hộ. Vì đảm bảo an toàn nên đã mặc rồi là không cởi ra giữa chừng được. Phải chờ đến khi hoàn thành nhiệm vụ mới có thể cởi ra để ăn cơm hoặc vệ sinh cá nhân…”.
Trong cuộc chạy đua với đại dịch, mỗi ngày có hàng trăm mẫu bệnh phẩm được chuyển đến xét nghiệm, tương đương với tối thiểu hàng ngàn người ngoài kia đang trông ngóng. Vì vậy, cuộc “chạy đua tại chỗ” của các cán bộ xét nghiệm cũng tất bật, căng thẳng không kém những đồng nghiệp trong ngành y khác. Điều khá yên tâm là ở đợt dịch trước, đội ngũ xét nghiệm của CDC Điện Biên đã khẳng định được năng lực chuyên môn và đang tiếp tục trau dồi, nâng cao kỹ năng để đáp ứng những tình huống dịch phức tạp mới. Không chỉ vậy, đợt này đơn vị được tăng cường thêm một máy xét nghiệm mới với công suất 94 mẫu/lần chạy với thời gian khoảng 10 tiếng cũng đã giúp thực hiện xét nghiệm nhanh hơn các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh. Đội ngũ cũng đã được tăng cường thêm từ ở khâu lấy mẫu cho đến cán bộ xét nghiệm tại khoa. Với 60 – 70% cán bộ đã được tiêm phòng vắc xin Covid-19 cũng là điều kiện quan trọng bố trí, sắp xếp công việc một cách khoa học hơn, giúp giảm bớt khó khăn trong đời sống, sinh hoạt cho các cán bộ trong khoa.
“Gánh trọng trách là đơn vị duy nhất trong toàn tỉnh có khả năng xét nghiệm và khẳng định kết quả mẫu bệnh phẩm của các trường hợp nghi nhiễm Covid-19, chúng tôi bước vào đợt dịch lần này với cường độ công việc cao, căng thẳng. Bởi xét nghiệm phải đi đầu, phải đáp ứng được yêu cầu chính xác nhất trong thời gian nhanh nhất để cùng với các lực lượng khác tiếp tục đương đầu với đại dịch. Nhưng gánh vác trọng trách đó cũng khiến chúng tôi cảm thấy rất tự hào. Nếu công tác xét nghiệm thực hiện tốt, phát hiện sớm các ca bệnh, cắt được nguồn lây thì sẽ là điều kiện quan trọng để kiểm soát tình hình dịch bệnh trên địa bàn”. – Bác sĩ Nguyễn Anh Thái, chia sẻ thêm.