Tuyệt đối không để đứt gãy nguồn cung ứng oxy y tế

Công suất, cung ứng oxy trên cả nước mỗi ngày hiện đạt khoảng gần 1.200 tấn oxy lỏng/ngày.

Đây là thông tin được cung cấp trong cuộc làm việc trực tuyến của Bộ Y tế với 26 đơn vị sản xuất oxy y tế nhằm trao đổi về khả năng cung ứng oxy y tế phục vụ điều trị bệnh nhân Covid-19 hiện nay cũng như chuẩn bị cho phương án gia tăng ca mắc trên cả nước sắp tới.

Các doanh nghiệp sản xuất, cung ứng oxy trên cả nước cam kết có thể nâng thêm khoảng 50-100% công suất khi cần.

Hiện lượng oxy phục vụ điều trị của cả nước không thiếu vì nhiều nhà máy có thể chuyển đổi sản xuất. Tuy nhiên, một số thời điểm đã xảy ra quá tải cung ứng ở các đơn vị do nhiều bệnh viện đến lấy cùng lúc và thiếu thiết bị chiết.

Vấn đề cấp thiết hiện nay là việc cung cấp đủ chai, bình chứa oxy đến từng bệnh nhân. Bộ Y tế đã lên kế hoạch nhập khẩu, đồng thời đề nghị các đơn vị chủ động sản xuất để trang bị thêm cho bệnh viện.

 Bộ Y tế yêu cầu đảm bảo nguồn cung oxy cho các cơ sở khám, chữa bệnh trước diễn biến dịch phức tạp. Ảnh minh họa: Duy Hiệu.

Bộ Y tế yêu cầu đảm bảo nguồn cung oxy cho các cơ sở khám, chữa bệnh trước diễn biến dịch phức tạp. Ảnh minh họa: Duy Hiệu.

Từ ngày 27/4 đến nay, Việt Nam phải đối mặt với “làn sóng thứ tư” của dịch bệnh Covid-19 và gây hậu quả nghiêm trọng. Dịch bệnh đã bùng phát trên diện rộng, quy mô lớn và tính chất phức tạp, nhiều nguồn lây, ổ dịch. Sự xuất hiện của biến chủng Delta với tốc độ lây lan nhanh, nguy hiểm cũng làm tăng số ca bệnh nặng so với 3 đợt dịch trước.

Vì vậy, các chuyên gia nhận định nếu các cơ sở y tế không chuẩn bị sẵn sàng các phương án lắp bồn oxy lỏng, dự phòng chai chứa (loại 8, 10, 40 l), bình XL45/ DPL650, hệ thống khí oxy trung tâm cùng các thiết bị đầu cuối và thiết bị phụ trợ sử dụng liên quan..., khi lượng bệnh nhân mắc Covid-19 tăng cao, chúng ta sẽ không kịp tiếp nhận, điều trị, nguy cơ tử vong rất lớn.

Theo ông Nguyễn Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và công trình y tế, việc vận chuyển, cung ứng oxy là yếu tố quan trọng.

"Nếu không chuẩn bị tốt, có phương án sẵn sàng và khả thi, chúng ta sẽ đứng trước nguy cơ thiếu hụt, gián đoạn cung ứng oxy y tế trong điều trị bệnh nhân Covid-19 tại các thời điểm số ca mắc tăng cao.

Để hỗ trợ các bệnh viện và cơ sở khám, chữa bệnh, Bộ Y tế tiếp tục đề nghị các nhà sản xuất, cung ứng oxy y tế tăng cường năng lực sản xuất, rà soát chuẩn bị, sẵn sàng các điều kiện cung ứng oxy y tế đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19 đang có chiều hướng diễn biến phức tạp.

Những đơn vị đang cung ứng oxy y tế cho các tỉnh, bệnh viện, cơ sở y tế khu vực phía Nam, tuyệt đối không được để đứt gẫy nguồn cung, tập trung ưu tiên cho công tác phòng, chống Covid-19. Nếu có khó khăn, vướng mắc, các đơn vị này cần báo ngay về Tổ công tác điều phối oxy y tế phục vụ điều trị người bệnh Covid-19 toàn quốc (Bộ Y tế).

Bộ Y tế cũng yêu cầu các đơn vị cung ứng, vận chuyển oxy y tế rà soát, sẵn sàng các phương tiện vận chuyển (xe bồn chở oxy lỏng; xe chở chai/Cylinder oxy y tế khí...), tăng cường phục vụ cung ứng cho các bệnh viện, cơ sở y tế khi có yêu cầu.

Bên cạnh đó, các đơn vị này cần phối hợp kiểm tra, bảo trì, sửa chữa hệ thống khí y tế tại bệnh viên và lên phương án cung ứng, dự trữ, sử dụng oxy y tế không để thiếu (quy hợp đồng nguyên tắc, có cam kết...).

“Các đơn vị cung ứng chủ động nhập khẩu thêm bồn oxy lỏng, chai chứa oxy y tế (loại 8, 10, 40 l) và lên phương án đảm bảo sản xuất trong điều kiện dịch bùng phát và khi cơ sở sản xuất có F0 hoặc F1”, ông Tuấn cho biết thêm.

Tại cuộc họp, đại diện một số nhà sản xuất đề nghị tạo điều kiện thuận lợi hơn cho xe bồn chứa oxy trên đường vận chuyển đến các cơ sở y tế.

Vì sao người đã tiêm vaccine Covid-19 vẫn cần thực hiện 5K? Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, người dân không cần thiết phải thực hiện xét nghiệm kháng thể sau khi tiêm vaccine Covid-19 mà nên tiếp tục tuân thủ biện pháp 5K.

Phương Linh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tuyet-doi-khong-de-dut-gay-nguon-cung-ung-oxy-y-te-post1253739.html