Tuyệt đối không để các sản phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP), hàng giả, thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ lưu thông trên thị trường; không để các cơ sở sản xuất - kinh doanh (SX-KD) thực phẩm, dịch vụ ăn uống không đảm bảo ATTP tiếp tục hoạt động khi chưa thực hiện khắc phục đạt yêu cầu. Đó là quan điểm chỉ đạo của Ban chỉ đạo (BCĐ) ATTP tỉnh đã đề ra tại Kế hoạch số 239/KH -BCĐATTP triển khai công tác đảm bảo ATTP trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão và lễ hội xuân năm 2023.
Nhằm hướng dẫn, tuyên truyền đến người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm hàng hóa đảm bảo chất lượng, rõ nguồn gốc xuất xứ, Cục Quản lý thị trường đã phối hợp tổ chức gian hàng trưng bày hàng thật, hàng giả tại Hội chợ Công Thương khu vực phía Bắc - Hòa Bình năm 2022. Trong dịp Tết và mùa lễ hội là thời điểm thực phẩm được tiêu thụ với số lượng lớn, nhất là các loại thịt, cá, bánh, mứt, kẹo... Để đáp ứng nhu cầu thị trường, nhiều cơ sở SX-KD thực phẩmgia tăng việc SX-KD, nhập khẩu thực phẩm. Trong khi đó, thời tiết ẩm ướt, thực phẩm bày bán tràn lan... là những yếu tố gây ảnh hưởng rất lớn đến vệ sinh ATTP. Trước thực tế đó, BCĐ ATTP tỉnh tập trung triển khai các giải pháp nhằm đảm bảo ATTP trong sản xuất, chế biến kinh doanh, nhập khẩu và sử dụng thực phẩm; tăng cường kiểm soát, xử lý việc SX-KD thực phẩm giả, kém chất lượng; đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng được phòng, chống ngộ độc thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán và lễ hội xuân năm 2023. Theo lãnh đạo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh, giải pháp trọng tâm Chi cục và các sở, ngành liên quan triển khai trong dịp Tết là đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức của nhà sản xuất thực phẩm và người tiêu dùng, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đảm bảo ATTP, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm vệ sinh ATTP theo đúng quy định. Đồng chí Nguyễn Văn Hà, Phòng Hành chính - tổng hợp, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh cho biết: Công tác tuyên truyền đóng vai trò quan trọng, chính vì vậy, trong năm qua, ngành đặc biệt chú trọng công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về ATTP. Trong đó, xác định đối tượng truyền thông chính là những người nội chợ, người trực tiếp chọn mua và chế biến thực phẩm cho gia đình, người tiêu dùng thực phẩm, người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, chính quyền các cấp và các nhà quản lý. Để phù hợp với nhiều đối tượng tuyên truyền, ngành huy động mọi nguồn lực, đa dạng hình thức truyền thông, phương tiện truyền thông để phối hợp phổ biến các quy định, kiến thức về ATTP, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm. Trong năm 2022, các ngành thành viên BCĐ ATTP tỉnh đã tích cực, chủ động triển khai công tác thông tin, tuyên truyền về ATTP. Trong đó, Đài PT-TH tỉnh, Báo Hòa Bình sản xuất, phát hành hàng trăm tin, bài, ảnh, phóng sự truyền hình, cuộc phỏng vấn, tọa đàm về ATTP, tuyên truyền, hướng dẫn người dân cách chọn mua, chế biến, bảo quản và tiêu dùng thực phẩm an toàn. UBMTTQ tỉnh phối hợp duy trì hoạt động 3.551 mô hình tự quản, tập trung triển khai xây dựng các mô hình điểm khu dân cư SX-KD và sử dụng thực phẩm an toàn. Ngành Y tế đã tổ chức 6 hội nghị tập huấn ATTP và 20 hội nghị tập huấn về nâng cao năng lực trong hoạt động thanh tra, kiểm tra chuyên ngành về ATTP, phòng chống ngộ độc thực phẩm. Đảm bảo ATTP trong lĩnh vực nông nghiệp, ngành NN&PTNT đã tư vấn hỗ trợ SX-KD thực phẩm an toàn cho các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ. Đến nay, đã có 9.325 cơ sở ký cam kết đảm bảo ATTP. Đặc biệt, đảm bảo ATTP trong các lễ hội, ngành VH-TT&DL đã đề nghị các huyện, thành phố tổ chức tuyên truyền ATTP thông qua các cụm pano, treo hơn 200 băng zon, khẩu hiệu tuyên truyền, 120 lượt chạy chữ điện tử trên các trục đường chính, 67 xe tuyên truyền lưu động và xây dựng hàng trăm tin bài phát trên trang thông tin điện tử các huyện, thành phố tuyên truyền về công tác đảm bảo ATTP. Song song với công tác truyền thông, BCĐ ATTP tỉnh tăng cường công tác hậu kiểm, thanh tra, kiểm tra và xử phạt vi phạm hành chính đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về ATTP. Trong năm 2022, các cơ quan Y tế, NN&PTNTT, Công an, cục Quản lý thị trường đã phối hợp thành lập nhiều đoàn kiểm tra liên ngành, lấy mẫu kiểm định chất lượng sản phẩm về ATTP. Qua kiểm tra, Cục Quản lý thị trường đã công khai danh sách các doanh nghiệp, đơn vị thực hiện tốt và các đơn vị vi phạm. Đối với các huyện, thành phố đã thành lập 468 đoàn kiểm tra liên ngành, kiểm tra 5.819 cơ sở SX-KD thực phẩm, dịch vụ ăn uống, trong đó đã xử phạt hành chính 63 cơ sở vi phạm. Trong đợt cao điểm đảm bảo ATTP dịp Tết Nguyên đán và lễ hội xuân 2023, BCĐ ATTP tỉnh thành lập 3 đoàn kiểm tra liên ngành, tiến hành kiểm tra tại 10 huyện, thành phố. Tuyến huyện, tuyến xã cũng xây dựng kế hoạch triển khai công tác đảm bảo ATTP tại các xã, phường, thị trấn. Đồng thời, đề nghị UBMTTQ các cấp tham gia kiểm tra, giám sát đảm bảo ATTP cho nhân dân trên địa bàn trong thời gian trước, trong và sau Tết. Các đoàn sẽ tập trung kiểm tra vào những mặt hàng được sử dụng nhiều trong dịp Tết và lễ hội như thịt và các sản phẩm từ thịt, bia, rượu, đồ uống có cồn, nước giải khát, bánh, mứt, kẹo, rau củ quả, phụ gia thực phẩm và các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống. Chú trọng kiểm soát những đầu mối sản xuất, nhập khẩu, chợ đầu mối, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ truyền thống, cơ sở giết mổ, vận chuyển thực phẩm; đồng thời kiểm soát chặt chẽ hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng không đảm bảo chất lượng, hết hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Đinh Hòa