Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng 'lạm thu' đầu năm học

Bộ GD-ĐT vừa có văn bản gửi các bộ, ngành, địa phương và cơ sở giáo dục về việc thực hiện các khoản thu trong lĩnh vực GD-ĐT năm học 2023-2024.

Công văn nêu rõ, để triển khai hiệu quả nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm năm học 2023-2024 của ngành giáo dục và thực hiện mục tiêu bình ổn giá, kiểm soát lạm phát do Quốc hội, Chính phủ đề ra, Bộ GD-ĐT đề nghị các bộ, cơ quan Trung ương, UBND các tỉnh, thành chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan và các cơ sở giáo dục và đào tạo trực thuộc nghiêm túc thực hiện đúng quy định đối với các khoản thu trong lĩnh vực GD-ĐT năm học 2023-2024.

Cụ thể, đối với học phí năm học 2023-2024, Bộ GD-ĐT đã phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng dự thảo Nghị định của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực GD-ĐT. Nội dung dự thảo nghị định theo hướng: giữ ổn định học phí của cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp công lập từ năm học 2023-2024 so với năm học 2021-2022.

Đối với học phí của cơ sở giáo dục đại học công lập, lùi lộ trình học phí 1 năm so với lộ trình học phí quy định tại Nghị định 81/2021/NĐ-CP; các quy định tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP về chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập tiếp tục thực hiện. Hiện nay, dự thảo nghị định đang được Chính phủ xem xét, quyết định.

Về thực hiện các chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập theo quy định tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP, Bộ GD-ĐT đề nghị các bộ, ngành, UBND thuộc phạm vi quản lý thực hiện hướng dẫn người học thủ tục nộp bản sao hồ sơ hưởng chính sách miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập theo đúng quy định.

Cụ thể, người học được lựa chọn một trong các hình thức nộp bản sao hồ sơ gồm bản sao chứng thực hoặc bản sao kèm bản chính để đối chiếu hoặc bản sao từ sổ gốc. Các cơ sở giáo dục không được đưa ra quy định bắt buộc người học phải nộp hồ sơ chỉ theo hình thức bản sao chứng thực. Thực hiện theo đúng quy định của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định liên quan đến việc nộp, xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy khi thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công.

Trường hợp người học có thẻ căn cước công dân và giấy thông báo số định danh cá nhân và thông tin công dân trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, thông tin về nơi thường trú có thể khai thác từ việc kết nối và chia sẻ dữ liệu về dân cư với các cơ sở giáo dục, cơ quan, tổ chức liên quan thì người học không phải nộp giấy khai sinh và giấy tờ chứng minh nơi thường trú.

Tại công văn này, Bộ GD-ĐT cũng yêu cầu tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và có trách nhiệm giải trình với người học và xã hội về các mức thu, khoản thu của cơ sở giáo dục thuộc phạm vi quản lý theo đúng quy định tại Nghị định số 127/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục. Chỉ đạo và quán triệt các cơ sở giáo dục thực hiện việc vận động, quản lý và sử dụng các khoản tài trợ, viện trợ theo đúng quy định. Thực hiện công khai về cam kết chất lượng giáo dục và đào tạo, các điều kiện đảm bảo chất lượng và thu chi tài chính theo quy chế thực hiện công khai đối với cơ sở GD-ĐT thuộc hệ thống giáo dục quốc dân; chịu trách nhiệm giải trình trước người học, xã hội về các mức thu.

Đối với giá sách giáo khoa, vật tư thiết bị giáo dục, Bộ GD-ĐT đề nghị các địa phương chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, sở ban ngành có liên quan tăng cường phối hợp kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy định về niêm yết, công khai thông tin về giá vật tư, thiết bị giáo dục, sách giáo khoa trên địa bàn. Trong đó, cần tăng cường kiểm tra xử lý các vi phạm, bảo đảm công khai, minh bạch theo đúng quy định của Luật giá và các văn bản có liên quan.

PHAN THẢO

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/tuyet-doi-khong-de-xay-ra-tinh-trang-lam-thu-dau-nam-hoc-post708517.html