Tuyệt đối không sử dụng ma túy, dù chỉ một lần
Tình hình tổ chức, chứa chấp, lôi kéo người khác sử dụng ma túy trái phép trong các khu công nghiệp luôn diễn biến phức tạp.
Công nhân, lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất trở thành nhóm đối tượng có nguy cơ cao bị tội phạm ma túy dụ dỗ, lôi kéo vào các hành vi mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép chất ma túy. Để ngăn chặn tình trạng đó, các cơ quan chức năng khuyến cao người lao động cần nâng cao tinh thần cảnh giác, phối hợp với doanh nghiệp, chính quyền phòng ngừa, ngăn chặn nguy cơ từ sớm, từ xa…
Cảnh giác để không bị lôi kéo
Hơn 10 năm trước, anh Mai Thế Bắc (sinh năm 1978, công nhân, quê tỉnh Thanh Hóa) từng dính vào ma túy khi đi làm thợ xây xa nhà. Bị những người xung quanh nghiện hút rủ rê “hút đi cho khỏe”, anh Bắc bắt đầu nghiện ngập. Cuộc đời từ đó trượt dài, vợ con, người thân xa lánh. Nhiều lúc chán nản, có ý định tìm đến cái chết nhưng nghĩ đến vợ con và mẹ già, anh Bắc quyết tâm làm lại cuộc đời.
Anh Bắc chia sẻ, lúc đó, luôn nghĩ đến những người bị bệnh hiểm nghèo còn tìm cách sống thêm, dù chỉ một vài ngày, anh càng quyết tâm cai nghiện. Anh khóa cửa, ở nhà cả ngày. Mỗi khi lên cơn, anh chạy ra giếng vặn nước tắm, có ngày anh tắm 5 - 6 lần. Với quyết tâm, Mai Thế Bắc cai nghiện thành công. Sau đó, Bắc tìm được việc làm ổn định tại một doanh nghiệp, có thu nhập, tìm lại sự bình yên trong gia đình.
Người nghiện ma túy khá nhiều nhưng không phải ai cũng có bản lĩnh cai nghiện được như anh Bắc. Đứng dậy, làm lại cuộc đời là rất khó với những trường hợp này. Chính vì vậy, anh Mai Thế Bắc chia sẻ, những công nhân đi làm xa nhà hãy nêu cao tinh thần cảnh giác, không để người xấu dụ dỗ.
Trường hợp của anh Vàng Seo Dế, người dân tộc H’Mông (Lào Cai) là một ví dụ về sự tỉnh táo khi đứng trước nguy cơ bị kẻ xấu lôi kéo. Hơn 3 năm trước, Dế suýt sa chân vào con đường nghiện hút chỉ vì tin tưởng người bạn làm cùng. Người bạn đó mượn điện thoại của Dế để sử dụng nhưng sau vài ngày nhận lại, Dế phát hiện thấy người bạn thường liên lạc với các đối tượng nghiện hút. Tiếp đó, chứng kiến những biểu hiện bất thường của người này, anh chủ động ra khỏi nhà trọ, bỏ việc tại chỗ làm cũ và nhờ người quen xin vào làm tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Optrotec (Khu Công nghiệp Bá Thiện, tỉnh Vĩnh Phúc).
Chuyển đến chỗ làm mới, Dế nghe được thông tin người bạn kia bị chủ doanh nghiệp phát hiện, đuổi việc. “Nếu lúc đó, không tỉnh táo, tôi sẽ bị lôi kéo đi chơi cùng và có nguy cơ dính vào nghiện ngập. Từ bài học đó, tôi thấy mình cần phải nâng cao cảnh giác và có biện pháp tự bảo vệ mình khi đi ra ngoài. Từ khi vào làm ở đây, tôi được dự nhiều buổi tuyên truyền về kỹ năng phòng, chống ma túy cho công nhân do Công đoàn tổ chức. Đó là hoạt động rất thiết thực”, Vàng Seo Dế chia sẻ.
Thực tiễn cho thấy, ở nhiều địa phương, tội phạm ma túy luôn tìm cách tiếp cận, tác động tới công nhân, lao động, biến khu nhà trọ, cổng xí nghiệp thành nơi mua bán trái phép ma túy. Nhiều công nhân đã nghiện, rồi trở thành tội phạm ma túy lúc nào không hay. Không ít gia đình tan nát, vợ con ly tán, rơi vào cảnh khó khăn không lối thoát khi nhà có người chồng, người cha nghiện ngập.
Theo báo cáo của Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về ma túy (Bộ Công an), tình hình tổ chức, chứa chấp, lôi kéo người khác sử dụng ma túy trái phép hiện đang diễn biến phức tạp. Trong đó, công nhân lao động tại các khu, cụm công nghiệp là nhóm đối tượng có nguy cơ cao, dễ bị tội phạm ma túy lôi kéo, dụ dỗ từ hành vi sử dụng trái phép đến hành vi mua bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép chất ma túy.
Ngăn chặn nguy cơ từ sớm, từ xa
Nhiều chuyên gia nhận định, ma túy là tội phạm của những tội phạm khác, gây ra tình trạng phức tạp về an ninh trật tự, kìm hãm sự phát triển; xã hội phải thêm chi phí để giải quyết hậu quả. Ma túy có thể hủy hoại cả cuộc đời, tàn phá nhân cách, tâm hồn, thể xác con người. Chính vì vậy, công tác tuyên truyền giáo dục kiến thức về phòng, chống ma túy tới công nhân lao động luôn được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cùng Công đoàn các Khu Công nghiệp đặc biệt chú trọng.
Phó Chủ tịch Công đoàn các Khu Công nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc Lê Văn Trí cho biết, đơn vị thường xuyên tổ chức tuyên truyền, giáo dục kiến thức về phòng, chống ma túy bằng nhiều hình thức tới công nhân lao động. Đồng thời, đơn vị phối hợp với lực lượng Công an để triển khai phòng, chống ma túy, tệ nạn xã hội và các hành vi vi phạm pháp luật khác trong công nhân lao động. Đơn vị nắm tình hình tội phạm ma túy và các tệ nạn xã hội khác trong công nhân lao động, nhất là tại các địa bàn có nhiều khu nhà trọ, nơi các đối tượng có thể lợi dụng tàng trữ trái phép chất ma túy, kịp thời phát hiện người sử dụng trái phép chất ma túy nhằm ngăn chặn người nghiện trong các doanh nghiệp.
Theo ông Kim Kwang Yoon, Giám đốc Hành chính Nhân sự Công ty Trách nhiệm hữu hạn Optrontec, lãnh đạo Công ty nhận thức rõ tác hại của ma túy tới người lao động, ngay từ lúc thành lập đã luôn đề cao việc tuyên truyền phòng, chống ma túy tới người lao động. Công ty phối hợp cùng Công đoàn hàng năm tổ chức các hoạt động đào tạo, tuyên truyền về tác hại ma túy cho toàn bộ nhân viên, người lao động trong công ty. Cán bộ y tế hàng năm vẫn rà soát kiểm tra các trường hợp nghi ngờ sự dụng chất gây nghiện nhằm tạo một môi trường làm việc sạch không ma túy.
Hiện chưa có thống kê chính xác về số người sử dụng ma túy trong công nhân, lao động. Trong số gần 250 nghìn người nghiện và sử dụng ma túy theo báo cáo từ Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, có thể có hàng nghìn công nhân, lao động.
Đại tá Hoàng Quốc Việt, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Bộ Công an) cho biết: Việt Nam nằm ở Đông Nam Á, có đường biên giới rất dài. Bên cạnh đó, khu vực Tam Giác Vàng - một trung tâm ma túy lớn nhất thế giới, chỉ cách biên giới nước ta khoảng 500 km. Do đó, các đối tượng mua bán, vận chuyển ma túy triệt để lợi dụng điều kiện địa lý để đưa ma túy vào tiêu thụ trong nước hoặc đưa đi nước thứ ba tiêu thụ.
Đại tá Hoàng Quốc Việt cho rằng, công nhân lao động tại các khu công nghiệp đang là nhóm đối tượng có nguy cơ cao bị tội phạm ma túy lôi kéo, dụ dỗ, từ hành vi sử dụng trái phép đến hành vi mua bán, tàng trữ, vận chuyển ma túy. Để hạn chế, ngăn chặn, phải làm quyết liệt, triệt để, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương.
Phó Trưởng ban Tuyên giáo, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Vũ Mạnh Tiêm cho biết, để ngăn chặn tình trạng này, tổ chức Công đoàn đã phối hợp với các cơ quan chức năng, trong đó có ngành Công an, kết hợp xuống tận các khu nhà trọ đưa các mô hình, kiến thức cần thiết để công nhận thức được, có sức đề kháng, bản thân mình có bản lĩnh hơn về hiểu biết kiến thức pháp luật và có kỹ năng sống chống lại các tệ nạn xã hội, trong đó có tệ nạn ma túy.