Tuyệt đối tránh cơ chế xin - cho khi đưa các dự án vào Quy hoạch điện 8
Thường trực Chính phủ yêu cần làm rõ căn cứ pháp lý về danh mục các dự án dự phòng trong kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện 8; chỉ đưa vào kế hoạch các nội dung đầy đủ căn cứ pháp lý, tuyệt đối tránh việc thực hiện tùy tiện và cơ chế xin - cho.
Thường trực Chính phủ vừa kết luận về kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện 8).
Thường trực Chính phủ lưu ý, Quy hoạch điện 8 được Thủ tướng phê duyệt ngày 15/3/2023 mà đến nay vẫn chưa ban hành được kế hoạch thực hiện là quá chậm, ảnh hưởng đến việc triển khai thực hiện các mục tiêu của quy hoạch.
Bộ Công Thương, cơ quan tư vấn lập kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện 8 và các địa phương có trách nhiệm về việc chậm hoàn thiện kế hoạch theo đúng quy định của pháp luật.
Thường trực Chính phủ nhấn mạnh, việc hoàn thiện kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện 8 là yêu cầu rất quan trọng, cấp bách, không được để chậm trễ thêm, làm anh hưởng đến việc triển khai các dự án và việc cung ứng đủ điện cho sản xuất kinh doanh, tiêu dùng của nhân dân.
Bộ Công Thương cần khẩn trương nghiên cứu, tiếp thu, làm rõ các ý kiến tại cuộc họp để hoàn thiện kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện 8, trình Thường trực Chính phủ trước ngày 2/3.
Trong đó, Thường trực Chính phủ lưu ý việc triển khai thực hiện kế hoạch phải bảo đảm vững chắc, cung ứng đủ điện cho quốc gia và các vùng, miền theo dự báo nhu cầu điện hàng năm; đồng thời phải đáp ứng yêu cầu tổng thể, tối ưu, hiệu quả, đúng quy định của pháp luật.
Bộ Công Thương chịu trách nhiệm rà soát các dự án năng lượng tái tạo
Do yêu cầu cấp bách phê duyệt kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện 8, Bộ Công Thương chịu trách nhiệm rà soát, hoàn thiện danh mục các dự án năng lượng tái tạo tại các địa phương đã rõ, bảo đảm công khai, minh bạch, tổng thể, trình Thủ tướng trong kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện 8 lần này.
Thường trực Chính phủ yêu cầu xác định tiến độ đưa vào vận hành hàng năm các dự án trong kế hoạch để bảo đảm cung ứng đủ điện hàng năm trong thời kỳ quy hoạch và hiệu quả chung trong thực hiện quy hoạch.
Đồng thời cần xem xét bổ sung chương trình cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo để cấp điện theo đúng nội dung của Quy hoạch điện 8 được phê duyệt; rà soát đồng bộ về các đề án/dự án xây dựng hoàn thiện chính sách, pháp luật để triển khai hiệu quả quy hoạch.
Thường trực Chính phủ lưu ý, cần làm rõ căn cứ pháp lý về danh mục các dự án dự phòng trong kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện 8 và cơ chế điều hành phát triển điện lực linh hoạt.
Trong đó, chỉ đưa vào kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện 8 các nội dung bảo đảm đầy đủ căn cứ pháp lý và được pháp luật quy định cụ thể, tuyệt đối tránh việc thực hiện tùy tiện và cơ chế xin - cho.
Bộ Công Thương được giao tiếp tục làm việc với các địa phương chưa cung cấp đủ thông tin các dự án để hoàn thiện việc bổ sung kế hoạch thực hiện quy hoạch, đáp ứng các mục tiêu và yêu cầu tổng thể của Quy hoạch điện 8.
Cùng với việc hoàn thiện dự thảo quyết định phê duyệt kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện 8, Thường trực Chính phủ yêu cầu làm rõ trách nhiệm của các địa phương, của cơ quan tư vấn lập kế hoạch và của Bộ Công Thương.