Tuyệt vọng vì hạn hán, dân làng Indonesia đào đáy sông để lấy nước
Hiện tượng El Nino trong mùa hè này đã khiến hạn hán kéo dài và lan rộng khắp Indonesia.
Đã 4 tháng trôi qua, ngôi làng Karanganyar ở miền Trung Java (Indonesia) chưa nhận được bất kỳ một giọt mưa nào.
Hiện tượng El Nino trong mùa hè này đã khiến hạn hán kéo dài và lan rộng khắp Indonesia. Những người nông dân trong làng như Sunardi phải đi đào nước trên những con sông khô cạn đáy để lấy nước về trồng trọt.
Trong 1-2 tiếng kể từ khi đào, lỗ nhỏ ở đáy sông sẽ chưa đầy nước mặn và bùn đất. Giống như bao người dân khác trong làng, Sunardi đành phải đem chỗ nước đó về để uống, tắm giặt và tưới tắm cho mùa màng.
"Hạn hán ở ngôi làng này bắt đầu từ tháng 4 và đến tận bây giờ vẫn chưa có mưa. Các giếng ở khu vực này đã khô cạn, vì vậy người dân chỉ có thể lấy nước từ lòng sông. Cây trồng ở đây, chẳng hạn như ngô, đều khô héo… Chúng tôi phải tiếp tục tưới bằng nước lấy từ đáy sông”, Sunardi chia sẻ với hãng tin Reuters.
Kể từ tháng 6 – khi các giếng nước ngầm cạn kiệt, dân làng Karanganyar bắt đầu ra sông đào lấy nước.
Cơ quan thời tiết Indonesia (BMKG) cho biết hiện tượng thời tiết El Nino, mang đến thời tiết nóng và khô kéo dài, đang ảnh hưởng đến hơn 2/3 diện tích của quốc gia rộng lớn này, bao gồm toàn bộ tỉnh Java, các khu vực phía bắc Kalimantan và tất cả khu vực ven biển của Indonesia trừ Sumatra.
Ardhasena Sopaheluwakan, phó Giám đốc bộ phận khí hậu học tại BMKG, cho biết dân số của những khu vực đang chịu ảnh hưởng này chiếm hơn 70% tổng dân số hơn 200 triệu người của Indonesia.
Các nhà khoa học cho biết El Nino đã gây ra những đợt nắng nóng kỷ lục ở các thành phố trên khắp thế giới, làm tăng nguy cơ cháy rừng và ảnh hưởng đến các loại cây trồng như lúa mì, dầu cọ và gạo. Dữ liệu của chính phủ Indonesia cho thấy nông nghiệp chiếm gần 14% GDP của Indonesia, và 1/3 lực lượng lao động làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp.
Tris Adi Sukoco, một quan chức tại BMKG, cho biết với lượng mưa trong khu vực thấp hơn đáng kể, những người dân làng như Sunardi nên thay đổi mô hình cây trồng để thích ứng với sự thay đổi của thời tiết. Tuy nhiên, người nông dân nói rằng đã quá muộn để thay đổi khi đến ngay cả nước sông cũng không còn.