Twitter: Vật vã trong những biến động

'Tương lai Twitter sẽ như thế nào khi thuộc về Elon Musk?' - đó là câu hỏi đã được dư luận đặt ra khi Elon Musk hoàn tất việc mua lại Twitter hồi tháng 10/2022.

Và gần 8 tháng sau, câu hỏi đó vẫn tiếp tục được đặt ra, cho dù rất nhiều biến động lớn đã xảy ra tại mạng xã hội này khi Elon Musk lên nắm quyền sở hữu.

Sa thải 80% nhân viên và gánh nặng nợ nần

Đúng như những đồn thổi, râm ran trước đó, ngày 24/7, Tổng Giám đốc Twitter Linda Yaccarino công bố mạng xã hội này chính thức có logo mới là chữ “X” màu trắng trên nền đen, thay thế biểu tượng chim xanh quen thuộc. Một ngày trước đó, trong loạt bài đăng trên tài khoản Twitter chính thức ngày 23/7, tỷ phú Elon Musk viết: “Chúng ta sẽ sớm chào tạm biệt hình ảnh các loài chim ra khỏi thương hiệu Twitter”. Chưa biết Twitter sẽ có gì thay đổi sau khi thay logo nhưng nhiều chuyên gia đã cho rằng việc Twitter đổi tên thành X là sai lầm lớn và rằng giá trị thương hiệu của mạng xã hội này sẽ giảm mạnh khoảng từ 4 tỷ đến 20 tỷ USD.

 Logo mới của Twitter được chiếu trên tòa nhà trụ sở ở trung tâm thành phố San Francisco, California. Ảnh: Reuters

Logo mới của Twitter được chiếu trên tòa nhà trụ sở ở trung tâm thành phố San Francisco, California. Ảnh: Reuters

Việc thay đổi logo là sự thay đổi lớn nối tiếp sau nhiều thay đổi lớn đã xảy đến liên tiếp tại Twitter kể từ khi Elon Musk trở thành Giám đốc điều hành. Công ty đã đổi tên doanh nghiệp sang X Corp, công bố quy tắc hoạt động mới, đưa ra gói dịch vụ 8 USD mỗi tháng với dấu xanh xác nhận tài khoản, nhằm nỗ lực kiếm tiền từ mạng truyền thông xã hội và giảm phụ thuộc vào quảng cáo, các tài khoản bị cấm được hoạt động trở lại… Tuy nhiên, gây tác động nhiều nhất và thu hút sự chú ý, bàn tán nhiều nhất của dư luận là việc cắt giảm nhân sự hàng loạt trên phạm vi toàn cầu trong thời gian ngắn.

Chỉ trong tháng 11/2022, Twitter đã sa thải khoảng 3.700 nhân viên còn tính tới tháng 4/2023, Twitter chỉ còn khoảng 1.500 nhân viên sau khi khoảng 80% tổng số nhân viên của Twitter đã bị sa thải.

Bên cạnh đó, hàng trăm kỹ sư và công nhân cũng đã bức xúc chủ động nghỉ việc sau khi Elon Musk yêu cầu họ phải cam kết sẽ làm việc “cực kỳ chăm chỉ” hoặc từ chức với trợ cấp thôi việc. Việc sa thải hàng loạt nhân sự cùng với việc kể từ sau khi ông Musk tiếp quản Twitter, số lượng bài viết có xu hướng phân biệt chủng tộc hoặc thù địch đã gia tăng đã khiến nhiều nhà quảng cáo lớn, vốn mang lại nguồn thu nhập chính cho Twitter, rời bỏ mạng xã hội này.

Bản thân ông Elon Musk đã phải lên tiếng thừa nhận doanh thu quảng cáo trên Twitter hiện chỉ bằng một nửa so với trước đây. “Dòng tiền của chúng tôi vẫn âm, do doanh thu quảng cáo giảm khoảng 50% cộng với đó là gánh nặng nợ nần” - Elon Musk chia sẻ trên tài khoản cá nhân ngày 15/7.

 Ông chủ Twitter Elon Musk . Ảnh: AFP

Ông chủ Twitter Elon Musk . Ảnh: AFP

Vương triều chưa thể sụp đổ?

Chưa thể “truất ngôi” Twitter - đó là cụm từ được nhiều nhà quan sát đưa ra khi nhìn nhận về tương lai của mạng xã hội này. Trước đó, làn sóng sa thải nhân sự khủng khiếp, hàng loạt vụ kiện, doanh thu quảng cáo giảm tới 50% và đặc biệt là sự xuất hiện ứng dụng Threads của Meta đã khiến nhiều người đặt câu hỏi về tương lai của Twitter. Nhiều chuyên gia còn dự báo rằng thời gian người dùng dành cho Twitter sẽ giảm 2 phút, xuống còn 34 phút/ngày.

 Biểu tượng mạng xã hội TikTok tại một văn phòng ở Los Angeles (Mỹ). Ảnh: THX/TTXVN

Biểu tượng mạng xã hội TikTok tại một văn phòng ở Los Angeles (Mỹ). Ảnh: THX/TTXVN

Hồi tháng 5, Liên minh châu Âu từng cảnh báo sẽ cấm Twitter trên toàn khối nếu nền tảng mạng xã hội này không tuân thủ các quy định mới về chống thông tin sai lệch. Ủy viên Thị trường Nội bộ EU Thierry Breton cảnh báo sẽ không dễ dàng bỏ qua việc tỷ phú Elon Musk rút Twitter khỏi Quy tắc thực hành tự nguyện của EU về thông tin sai lệch (CPD). Trên trang Twitter, ông Breton nhấn mạnh: “Bạn có thể chạy nhưng không thể trốn. Đằng sau các cam kết tự nguyện, cuộc đấu tranh chống tin giả sẽ là nghĩa vụ pháp lý theo DSA”. Còn Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Vera Jourava cho biết vấn đề thông tin sai lệch trên Twitter ngày càng gia tăng, gây khó chịu cho một số người dùng.

Tuy nhiên, cũng theo các chuyên gia, cho đến nay vẫn chưa có nền tảng nào có thể “truất ngôi” của Twitter. Với đối thủ đáng gờm nhất - Threads đến nay cũng đã “giảm nhiệt mức độ nguy hiểm”. Theo dữ liệu của công ty thăm dò thị trường Sensor Tower, đến thời điểm hiện tại, số người sử dụng nền tảng Threads hằng ngày đã giảm gần 70% so với thời kỳ đầu.

Theo Forbes, số người dùng Threads hằng ngày hiện vào khoảng 13 triệu người, giảm hơn ba lần so với mức 44 triệu người dùng trong ngày 7/7. Trong khi đó, Twitter vẫn có tới 200 triệu tài khoản đang hoạt động và thời gian hoạt động trung bình của mỗi tài khoản là 30 phút/ngày.

Tuy nhiên mối nguy với Twitter không phải không hiện hữu. Cách đây nhiều tháng, nhà phân tích Jasmine Enberg của Insider Intelligence từng nhấn mạnh vấn đề lớn nhất đối với Twitter là các nhà quảng cáo không thực sự tin tưởng tỷ phú Elon Musk và rằng muốn phát triển được, Twitter cần tách riêng thương hiệu cá nhân của ông Musk khỏi hình ảnh của công ty để lấy lại lòng tin của các nhà quảng cáo.

Chưa kể ngoài mạng xã hội Threads của Meta, Twitter sẽ phải đối mặt với một đối thủ mới trong nền tảng đăng văn bản là TikTok khi ngày 24/7 vừa qua, nền tảng này công bố sẽ ra mắt tính năng chỉ có văn bản. Trang Business of Apps đánh giá cũng giống như Threads, việc TikTok mở rộng dịch vụ có nhiều điều kiện thuận lợi khi có sẵn 1,4 tỷ người dùng hoạt động hằng tháng. Ngoài Threads, TikTok, các nền tảng như Mastodon, Bluesky và Substack Notes cũng là những cái tên mà Twitter phải dè chừng. Còn vật vã trong liên tiếp những cải tổ, biến động, tương lai của Twitter sẽ còn khó đoán định.

Trang Thư

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/twitter-vat-va-trong-nhung-bien-dong-post257994.html