TX. Ba Đồn: Sinh kế cho phụ nữ nông thôn từ đan bèo lục bình

Nhằm giúp chị em phụ nữ có thêm thu nhập, nâng cao đời sống, thời gian qua, Hội LHPN TX. Ba Đồn đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể thị xã, đại lý thu mua để nhân rộng mô hình đan bèo lục bình về một số xã, phường. Bước đầu, mô hình đã mang lại hiệu quả tích cực, góp phần giải quyết việc làm cho lao động nhàn rỗi ở nông thôn, trong đó có chị em phụ nữ.

Nghề đan bèo lục bình là nghề mới du nhập, được anh Nguyễn Văn Vinh, thôn Thọ Đơn, phường Quảng Thọ (TX. Ba Đồn) phát triển nhằm giúp những người nông dân nơi đây có thêm việc làm và tăng thêm thu nhập khi nhàn rỗi. Anh Vinh cho biết: "Những năm trước, cuộc sống của bà con trong tổ dân phố Thọ Đơn gặp nhiều khó khăn, ngoài thu nhập từ sản xuất nông nghiệp còn có nghề mây tre đan nhưng tiền công thấp, lại nhiều công đoạn vất vả, thị trường đầu ra không ổn định…

Trong một lần tình cờ tới nhà người thân ở tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, thấy nghề đan thân bèo lục bình thành hàng gia dụng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu nhẹ nhàng, dễ làm, công cán cao nên tôi quyết tâm học nghề, từ đó, về truyền đạt lại cho bà con quê hương. Năm 2016, khi đã thành thạo nghề, tôi quyết định về quê mở các nhóm dạy nghề, hứa với bà con trong thôn sẽ cung cấp nguyên liệu và bao tiêu sản phẩm nên rất nhiều người đến tham gia lớp học".

Theo anh Nguyễn Văn Vinh, hiện đan bèo lục bình có hai cách đan cơ bản đó là đan xương cá (hay còn gọi là đan bông lúa) và đan mắt na. Nhưng khuôn mẫu thì nhiều, tùy vào đơn đặt hàng của công ty để bà con triển khai các loại khuôn mẫu khác nhau. Phần lớn các mẫu đan đều là hàng gia dụng, như: khay đựng hoa quả, giỏ đựng áo quần, làn đi chợ, rổ, hộp, chậu hoa…, rất được thị trường nước ngoài ưa chuộng. Hiện đã có nhiều địa phương tại thị xã làm nghề này nhưng sản phẩm làm ra vẫn chưa đủ cung cấp so với đơn đặt hàng.

Ông Nguyễn Văn Hữu, Chủ tịch UBND phường Quảng Thọ cho biết, các công đoạn học nghề cũng không quá phức tạp, chỉ cần khéo léo và để ý là bà con đã có thể đan thành sản phẩm. Hiện trên địa bàn phường có hơn 300 hộ đang làm nghề này (tập trung phần lớn ở tổ dân phố Thọ Đơn), nhờ đó, có thêm thu nhập, giúp bà con ổn định cuộc sống, chăm lo con cái ăn học, trang trải kinh tế gia đình. Nghề đan giỏ bèo lục bình không phải lo lắng nhiều về đầu ra sản phẩm, công việc lại nhẹ nhàng, phù hợp với mọi độ tuổi lao động, số hộ gia đình tham gia nghề nơi đây đang có xu hướng gia tăng.

Nghề đan bèo lục bình đã góp phần giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, trong đó có chị em phụ nữ.

Nghề đan bèo lục bình đã góp phần giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, trong đó có chị em phụ nữ.

Đặc biệt, năm 2018, khi thấy mô hình hay, phù hợp với chị em phụ nữ, Hội LHPN TX. Ba Đồn phối hợp với Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội thị xã mở các lớp học nghề cho các chi hội phụ nữ của các phường, xã trên địa bàn.

Hiện mô hình đã nhân rộng mô hình tại 11 xã, phường của thị xã, như: Quảng Sơn, Quảng Văn, Quảng Phúc, Quảng Hải..., giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động nhãn rỗi ở địa phương. Nhiều chị em sau khi học, tiếp tục truyền nghề cho người thân trong gia đình nên số hộ dân tham gia ngày càng đông.

Thấy nghề đan bèo lục bình giải quyết được việc làm cho lao động nông thôn, Hội Nông dân thị xã đã phối hợp với chính quyền xã Quảng Minh mở các lớp tập huấn đào tạo nghề cho bà con nông dân trong xã. Nhờ đó, hiện tại, xã Quảng Minh có gần 300 hộ đang làm nghề này.

Chị Nguyễn Thị Hiên, thôn Cồn Nâm, xã Quảng Minh chia sẻ, gia đình có 2 con gái bị khuyết tật nên không thể đi làm ăn xa. Sau khi học nghề đan bèo lục bình do Hội LHPN xã Quảng Minh tổ chức, chị đã truyền nghề cho 2 cháu, mỗi tháng, gia đình thu nhập thêm gần 10 triệu đồng. Mặc dù là nghề mới nhưng hầu hết chị em phụ nữ đều yêu thích và quyết tâm sẽ gắn bó với nghề lâu dài.

Bà Trần Thị Hường, Chủ tịch Hội LHPN thị xã cho biết, mô hình đan giỏ bèo lục bình khá phù hợp với chị em hội viên ở mọi lứa tuổi do công việc nhẹ nhàng, có thể tranh thủ thời gian rỗi trong ngày để làm. Nghề này đang trở thành chủ lực kinh tế của nhiều hộ gia đình, giải quyết cơ bản tình trạng nông nhàn cho chị em khi mùa vụ kết thúc. Thời gian tới, Hội LHPN thị xã sẽ tiếp tục giới thiệu đến các chi hội khác trên địa bàn nhằm tạo thêm nhiều việc làm tại chỗ cho lao động, tăng thêm thu nhập, cải thiện đời sống.

Cây lục bình thường phát triển rất nhanh trên mặt nước ao hồ, ven sông nên không lo thiếu nguyên liệu để đan. Hơn thế, với xu thế hạn chế sử dụng chế phẩm từ nhựa như hiện nay thì sản phẩm đan từ thân bèo lục bình không chỉ góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường chất thải nhựa mà còn bền đẹp nên được thị trường nước ngoài ưa chuộng, thị trường trong nước cũng đang bắt đầu quen sử dụng. Kỳ vọng nghề mới này sẽ tạo sự khởi sắc cho vùng nông thôn TX. Ba Đồn.

Thanh Hoa

Nguồn Quảng Bình: http://www.baoquangbinh.vn/kinh-te/202105/tx-ba-don-sinh-ke-cho-phu-nu-nong-thon-tu-dan-beo-luc-binh-2189559/