Tỷ giá đảo chiều nhờ trạng thái ngoại tệ dồi dào
Trái với những lo ngại được đưa ra vào đầu năm, tỷ giá cuối quí 1 không chịu nhiều áp lực, một phần nhờ vào nguồn ngoại tệ dồi dào trên thực tế và một phần từ nguyên nhân khách quan là đồng đô la Mỹ tiếp tục đi xuống. Những diễn tiến này đã giúp Việt Nam có cơ hội đi ngược chiều thế giới khi tiến hành cắt giảm lãi suất điều hành.
Tiền đồng tăng giá so với đô la Mỹ
Một trong những mối lo ngại từ đầu năm nay là tỷ giá sẽ tiếp tục chịu áp lực cao trong quá trình Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục tăng lãi suất đến tháng 5, nhưng diễn biến mới nhất cho thấy áp lực lạm phát trong quí 1 thực tế đã dịu lại đáng kể. Thậm chí, tiền đồng còn tăng giá so với đô la Mỹ.
Tính đến ngày 31-3, tiền đồng tăng giá khoảng 0,4% so với đô la Mỹ trong bối cảnh thị trường kỳ vọng rằng lãi suất điều hành của Fed sắp đạt mức cao nhất. “Tỷ giá thị trường đang dao động quanh điểm giữa biên độ giao dịch theo quy định, trái với thời điểm tháng 10 năm ngoái khi liên tục chạm trần biên độ”, báo cáo của Công ty chứng khoán Mayabank IB nhận định.
Trong tuần qua, tỷ giá niêm yết tại các ngân hàng thương mại tiếp tục được điều chỉnh theo hướng giảm nhẹ và liên tục. Tại Vietcombank, giá bán đô la ngày 5-4 niêm yết ở mức 23.630 đồng/đô la, giảm nhẹ 20 đồng so với đầu tuần này và giảm 50 đồng so với đầu tuần trước. Trong khi đó, tỷ giá trung tâm ngày 5-4 được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thiết lập ở mức 23.602 đồng/đô la, gần như gần như đi ngang từ giữa tháng 3 đến nay.
“Tỷ giá niêm yết tại các ngân hàng và tỷ giá tự do tiếp tục hạ nhiệt, trong khi tỷ giá trên thị trường liên ngân hàng đã tiệm cận về mức giá mua trên Sở giao dịch và có thể kích hoạt hoạt động mua ngoại tệ từ NHNN”, báo cáo thị trường tiền tệ mới đây của Công ty chứng khoán SSI nhận định.
Trên thực tế, theo thông tin tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương và phiên họp Chính phủ thường kỳ mới đây, lãnh đạo NHNN cho biết trong quí 1 ước tính đã mua 4 tỉ đô la Mỹ, giúp tiền đồng giữ sự ổn định.
“Tiền đồng nổi bật là một trong những đồng tiền ổn định nhất châu Á, giao dịch trong biên độ hẹp 0,8% quanh mức 23.600 đồng/đô la”, nhóm phân tích của Ngân hàng UOB đưa ra bình luận mới đây. Đây cũng là điểm đáng chú ý, bất chấp những thay đổi đáng kể trong kỳ vọng tăng lãi suất của Fed, lo ngại suy thoái kinh tế toàn cầu, cũng như tình trạng rối loạn của hệ thống ngân hàng Mỹ.
Giảm bớt áp lực trong điều hành tỷ giá
“Giá trị đồng tiền vẫn đang ổn định”, Phó thống đốc Đào Minh Tú khẳng định tại một tọa đàm cuối tháng 3 gần đây. Theo lãnh đạo NHNN, mục tiêu cuối năm vẫn là ổn định giá trị đồng tiền, NHNN sẽ tiếp tục mua đô la dựa vào trạng thái dư thừa ngoại tệ trong nền kinh tế.
Nguồn cung đô la nhiều hơn là một trong những lý do giúp sức ép tăng tỷ giá giảm mạnh trong thời gian qua. Dòng vốn đi vào mạnh mẽ cũng giúp cải thiện đáng kể nguồn cung ngoại tệ trên thị trường, trái ngược với dòng vốn chảy ra vào gần cuối năm ngoái.
“Nguồn cung ngoại tệ khá tích cực trong thời gian qua, đến từ dòng vốn FDI giải ngân, thặng dư cán cân thương mại hay dòng tiền gián tiếp từ các thương vụ bán vốn hoặc giải ngân các khoản vay ngoại tệ”, báo cáo của SSI nhận định.
Bên cạnh đó, một trong những lý do khiến tỷ giá giảm sức ép là vì đồng đô la cũng nằm trong xu hướng giảm trong thời gian qua. Chỉ số DXY, đo lường sức mạnh đồng bạc xanh với rổ các ngoại tệ mạnh, mới đây giảm mạnh sau khi Fed đưa ra thông điệp mang tính “nhẹ nhàng” hơn trong bối cảnh lo ngại về sự khủng hoảng của hệ thống tài chính toàn cầu, mà bắt nguồn từ ngành ngân hàng.
Chỉ số DXY giảm 0,98% so với cuối năm 2022, đồng đô la Mỹ suy yếu trong khi nhiều đồng tiền lớn khác đều tăng giá so với đô la. Theo đánh giá của Công ty chứng khoán SSI trong báo cáo thị trường tiền tệ mới đây, chu kỳ tăng lãi suất của Fed gần như đã đi vào giai đoạn cuối, giúp đồng đô la Mỹ tiếp tục suy yếu trong tuần trước.
Dù vậy, một thách thức khác chờ đợi phía trước là kỳ tăng lãi suất tiếp theo của Fed trong tháng 5 tới. Hiện nay thị trường đang kỳ vọng Fed sẽ đưa thêm thông điệp mang tính ôn hòa hơn về chính sách tiền tệ, trong bối cảnh lo ngại không chỉ về suy thoái kinh tế mà còn vì rủi ro của hệ thống ngân hàng toàn cầu.
Dự báo cho thị trường sắp tới, nhóm phân tích của UOB đánh giá rằng tiền đồng vẫn có khả năng giữ ổn định dù NHNN bất ngờ cắt giảm lãi suất, nhờ vào sự phục hồi của xuất khẩu và sản xuất công nghiệp trong những tháng tới, kết hợp với lạm phát giảm.
Theo đó, tỷ giá sẽ có cùng quỹ đạo tăng như các cặp tỷ giá ngoại hối khác ở thị trường châu Á, lên mức 24.200 trong quí 2 trước khi giảm xuống 24.000 trong quí 3 và 23.800 trong quí 4-2023.
Nhìn chung, hầu hết các chuyên gia đánh giá môi lo hiện nay là suy thoái kinh tế toàn cầu, sự bất ổn của hệ thống tài chính thế giới mà nhiều ngân hàng phương Tây đã sụp đổ trong thời gian qua, hơn là câu chuyện của tỷ giá.
Có thể nói sức ép tỷ giá giảm đang tạo cơ hội cho NHNN nới lỏng chính sách tiền tệ, hỗ trợ thanh khoản cho thị trường trong bối cảnh mặt bằng lãi suất đang ở mức cao so với sức chịu đựng của nền kinh tế. Dù vậy, áp lực lạm phát vẫn đang hiện hữu sẽ là rào cản cho nỗ lực giữ ổn định tỷ giá vào cuối năm, chưa tính đến những biến động rủi ro mang tính toàn cầu không thể lường trước, cũng như những bài toán nội tại trong nền kinh tế Việt Nam như tiền đâu để đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp.
Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/ty-gia-dao-chieu-nho-trang-thai-ngoai-te-doi-dao/