Tỷ giá giảm bớt: Doanh nghiệp vẫn nên cẩn trọng
Rủi ro tỷ giá USD/VND trong nửa cuối năm nay đã giảm đáng kể, giúp doanh nghiệp (DN) đỡ phần nào lo lắng, đặc biệt là DN có vốn đầu tư nước ngoài, các công ty xuất nhập khẩu hay vay nợ bằng đô la Mỹ. Tuy nhiên, mọi thứ không có gì là chắc chắn, vì vậy sự thận trọng không bao giờ là thừa.
Theo báo cáo mới nhất, ngân hàng UOB cho rằng tiền đồng có thể phục hồi trong 6 tháng cuối năm cùng đà đi lên của đồng nhân dân tệ và sự suy yếu của USD trên diện rộng, khi FED sắp quay lại với chu kỳ cắt giảm lãi suất.
Tương tự, các chuyên gia từ Shinhan Bank cũng cho rằng tỷ giá hối đoái USD/VND sẽ sớm đạt đỉnh trong quý III và sau đó sẽ hạ nhiệt, với dự báo tỷ giá USD/VND bình quân năm 2024 dự kiến sẽ ở mức 25.040 đồng. Sự phục hồi của ngành sản xuất và xuất khẩu cùng sự can thiệp của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong việc bán vàng và ngoại tệ dự trữ đã góp phẩn hạn chế tỷ giá USD/VND tăng cao.
Về phía thị trường quốc tế, đồng USD cũng đang suy yếu trở lại, với chỉ số USD-Index giảm gần 2% từ cuối tháng 6 đến nay. Với chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 của Mỹ công bố mới đây tăng 3% so với cùng kỳ 2023, mức thấp nhất trong hơn ba năm qua, đang mở đường cho FED sớm giảm lãi suất trở lại. Trong phiên điều trần mới đây, Chủ tịch FED Jerome Powell cũng bất ngờ cho biết FED sẽ không đợi cho đến khi lạm phát giảm xuống mức mục tiêu 2% mới bắt đầu cắt giảm lãi suất.
Từ những cơ sở và dự báo trên, có thể thấy rủi ro tỷ giá USD/VND trong nửa cuối năm nay đã giảm xuống đáng kể. Điều này có thể giúp DN đỡ phần nào lo lắng, đặc biệt là DN có vốn đầu tư nước ngoài, các công ty xuất nhập khẩu hay vay nợ bằng USD.
Vì vậy, DN cũng cần thận trọng và tiếp tục sử dụng các công cụ, giải pháp nhằm phòng ngừa rủi ro tỷ giá. Đơn cử như DN có dư nợ ngoại tệ nhiều và đầu tư chủ yếu tính bằng USD, nên trực tiếp thương lượng với khách hàng làm dịch vụ thanh toán bằng USD. Các chuyên gia tài chính khuyến nghị DN chỉ chuyển USD sang VND khi cần thiết, cố gắng duy trì số dư đồng USD ở mức cao nhất.
Đặc biệt, DN cần chú ý theo dõi biến động của đồng nhân dân tệ, vì thời gian qua, đồng này cũng có sức tác động lớn đến tiền đồng, vì Trung Quốc đang là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam.
Về cơ bản, khi DN nhập khẩu hàng từ nước ngoài về, thời điểm giao hàng thường sau một thời gian nhất định kể từ ngày ký kết hợp đồng và thời điểm thanh toán cũng thường sau một thời gian nhất định kể từ ngày giao hàng. Nên nếu tỷ giá tăng mạnh ngay thời điểm thanh toán, đó là cơn ác mộng với doanh nghiệp nhập khẩu. Đó là chưa nói đến việc khi giá vật liệu đầu vào tăng do tỷ giá tăng, trong khi giá bán chưa hoặc không thể điều chỉnh thì lợi nhuận sẽ bị bào mòn, thậm chí thua lỗ.
Khi thiếu vốn, ngoài việc vay đồng nội tệ, doanh nghiệp có nhiều cơ hội tiếp cận nguồn vốn ngoại tệ được chào mời với mức lãi suất hấp dẫn nên không mấy quan tâm đến rủi ro tỷ giá. Tuy nhiên, khoản nợ ấy có thể trở nên vô cùng đắt đỏ khi hoàn trả nếu ngoại tệ lên giá mạnh. Vì vậy, DN nên tiếp tục sử dụng sản phẩm phái sinh từ các tổ chức tín dụng để giữ ổn định đồng USD trong lúc thị trường biến động, như hợp đồng mua, bán, giao ngay, hợp đồng ngoại hối kỳ hạn, hợp đồng ngoại hối hoán đổi, hợp đồng hoán đổi lãi suất, hợp đồng hoán đổi tiền tệ chéo. Các hợp đồng phái sinh phòng ngừa rủi ro trên rất có lợi cho DN trong bối cảnh các yếu tố bên ngoài có thể tác động lên tỷ giá tiền đồng.
Theo đó, để đề phòng những biến động của tỷ giá nếu có vào cuối năm vốn mang tính chu kỳ, vì đây là thời điểm nhập khẩu tăng mạnh và giai đoạn cao điểm đến hạn thanh toán cho đối tác nước ngoài, DN có thể xem xét mua tỷ giá trong tương lai ngay từ thời điểm này, thay vì đợi đến cuối quý III hoặc quý IV.
Nguồn DNSG: https://doanhnhansaigon.vn/ty-gia-giam-bot-doanh-nghiep-van-nen-can-trong-312340.html