Tỷ giá ra sao khi du lịch với thẻ thanh toán quốc tế?

Một số ngân hàng khai thác thẻ tín dụng với phí chuyến đổi ngoại tệ cạnh tranh giúp du khách yên tâm quẹt thẻ khi vi vu tại nước ngoài.

 Du khách cần lưu ý về việc rút tiền mặt khi dùng thẻ thanh toán quốc tế. Ảnh: @pere_peri_peru_.

Du khách cần lưu ý về việc rút tiền mặt khi dùng thẻ thanh toán quốc tế. Ảnh: @pere_peri_peru_.

Trước đây, bên cạnh giá vé máy bay, chi phí ăn ở, việc chuyển đổi tiền tệ cũng "ngốn" không ít thời gian của du khách khi du lịch nước ngoài.

Hiện nay, với xu thế xuất ngoại cùng tâm lý hạn chế tiền mặt, thẻ thanh toán quốc tế được coi là vật bất ly thân của của khách. Ngoài ra, theo quy định xuất nhập cảnh ở nhiều quốc gia, bạn chỉ được mang một lượng tiền mặt nhất định khi ghé thăm một số nước.

Chính vì vậy, tấm thẻ có thể giảm thiểu sự cồng kềnh khi mang tiền mặt, nhất là tiền xu, đặc biệt là hạn chế gặp phải tình huống không an toàn.

Để chuyến du ngoạn với tấm thẻ thanh toán quốc tế được trọn vẹn, du khách cần quan tâm đến một số loại phí đi kèm.

Mức phí ra sao?

Trước nhu cầu chi tiêu cao khi vi vu nước ngoài của du khách, hầu hết ngân hàng tại Việt Nam đều phát hành dòng thẻ thanh toán quốc tế kèm một số ưu đãi, tính năng thiết thực cho dòng khách cuồng chân.

Nhìn chung, có hai loại phí bạn cần quan tâm khi quẹt thẻ thanh toán quốc tế là phí chuyển đổi ngoại tệ phí xử lý giao dịch ngoại tệ (hay phí giao dịch nước ngoài).

Trong đó, phí thứ 2 sẽ được tính khi du khách tiến hành quẹt thẻ tín dụng hay mua hàng hóa bất kỳ thông qua một nhà bán nước ngoài. Trên thực tế, phí giao dịch ngoại tệ cao sẽ khiến du khách "chùn tay", lưỡng lự trước một quyết định chi tiêu.

 Du khách nên hạn chế dùng tiền mặt để giảm thiểu rủi ro về trộm cắp khi vi vu nước ngoài. Ảnh: EVG Kowalievska/Pexels.

Du khách nên hạn chế dùng tiền mặt để giảm thiểu rủi ro về trộm cắp khi vi vu nước ngoài. Ảnh: EVG Kowalievska/Pexels.

Một số ngân hàng có xu hướng gộp chung 2 loại phí này thành một và gọi tên là phí chuyển đổi ngoại tệ. Mỗi đơn vị phát hành thẻ sẽ có quy định mức phí khác nhau. Phí chuyển đổi ngoại tệ dao động 3-4%.

Với mức độ cạnh tranh trên thị trường, nhiều bên đưa ra tỷ giá giao dịch cạnh tranh và phí giao dịch ngoại tệ thấp nhằm thu hút khách hàng.

Chẳng hạn khi sử dụng thẻ HDBank Vietjet Platinum để mua sắm trực tuyến ở nước ngoài, du khách sẽ chỉ trả mức phí là 1,1%/giá trị giao dịch (thay vì 1,75%/giá trị giao dịch - biểu phí tại một số ngân hàng). Ngoài ra, bạn còn được miễn phí giao dịch qua thiết bị thanh toán thẻ (hay còn gọi là máy POS/EDC) thuộc hệ thống Visa.

Bên cạnh sự nhanh chóng, tiện lợi và an toàn khi dùng thẻ thanh toán ở nước ngoài, du khách có thể được hưởng một số ưu đãi khác từ ngân hàng để tiết kiệm một phần chi phí khi đi du lịch, đặc biệt là giảm tiền mua vé máy bay khi sử dụng thẻ kết hợp với hãng bay.

Các loại phí khác

Bên cạnh phí chuyển đổi ngoại tệ và phí xử lý giao dịch ngoại tệ, du khách cần lưu ý thêm một số loại phí sau khi sử dụng thẻ thanh toán quốc tế tại thị trường nước ngoài:

▸ Lãi suất:

Đây là loại phí cần phải quan tâm hàng đầu nếu du khách có ý định mở thẻ tín dụng quốc tế. Phí lãi suất sẽ được tính khi chủ thẻ trễ thanh toán kể từ ngày hết miễn lãi phí, dao động từ 25-40%/năm tùy vào loại thẻ và ngân hàng phát hành.

▸ Phí chậm thanh toán:

Đa số ngân hàng đều có chính sách miễn lãi tối đa 45-55 ngày cho các giao dịch thanh toán gồm cà thẻ ở máy POS và cổng thanh toán online. Hàng tháng, ngân hàng sẽ gửi sao kê chi tiết các khoản chi và dư nợ cuối kỳ cũng như thời hạn thanh toán. Trong trường hợp không trả lãi đúng hạn, bạn phải chi trả thêm khoản phí phạt chậm thanh toán.

Số tiền phạt tối thiểu dựa vào số ngày quá hạn kèm lãi suất của ngân hàng. Do đó, chủ thẻ cần đảm bảo thanh toán tiền đúng hạn. Theo bài viết Financial Literacy (kiến thức tài chính) của Đại học Yale (Mỹ), việc tuân theo thời hạn đóng tiền có thể giúp chủ thẻ tăng số điểm tín dụng.

 Thẻ thanh toán quốc tế giúp du khách hạn chế đau đầu khi tính toán tỷ giá khi du lịch nước ngoài. Ảnh: Karolina Kaboompics/Pexels.

Thẻ thanh toán quốc tế giúp du khách hạn chế đau đầu khi tính toán tỷ giá khi du lịch nước ngoài. Ảnh: Karolina Kaboompics/Pexels.

▸ Phí rút tiền mặt:

Việc rút tiền từ thẻ tín dụng ở nước ngoài có thể hiểu là bạn đang vay tiền mặt trực tiếp từ ngân hàng. Chính vì vậy, phí rút và lãi xuất sẽ rất cao.

Cụ thể, du khách phải trả mức phí khoảng 4% số tiền rút và tối thiểu là 50,000 đồng. Ví dụ bạn muốn rút 20 triệu đồng từ thẻ tín dụng qua ATM. Phí rút tiền bạn phải trả là 800.000 đồng.

Phí sử dụng vượt hạn mức:

Trước khi duyệt cấp thẻ tín dụng, ngân hàng sẽ xem xét điều kiện tài chính của du khách để đề xuất hạn mức phù hợp. Viêc quy định hạn mức giúp ngân hàng có thể kiểm soát và điều tiết lượng sử dụng nguồn tiền, theo chính sách hạn mức Mastercard.

Bạn phải đóng phí nếu sử dụng vượt hạn mức của thẻ tín dụng. Mức phí được các ngân hàng thu hiện nay rơi vào khoảng 2,5%/số tiền vượt, tối thiểu là 55.000 đồng.

Ngoài 4 loại phí trên, du khách phải thanh toán thêm một số loại phí cơ bản khác như phí thường niên, phí cấp lại thẻ, phí hủy thẻ, phí cấp lại sao kê, phí nhận sao kê giấy, phí tăng hạn mức tạm thời theo yêu cầu của chủ thẻ,...

Minh Vi

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/ty-gia-ra-sao-khi-du-lich-voi-the-thanh-toan-quoc-te-post1479780.html