Tỷ giá USD bất ngờ tăng mạnh

Tỷ giá USD bất ngờ có diễn biến tăng mạnh cả trong nước và thế giới. Tỷ giá quy đổi chính thức qua các ngân hàng thương mại tăng vượt mốc 23.500 đồng/USD trong khi USD tự do đã tăng 360 đồng ở chiều bán ra.

USD ngân hàng vượt 23.500 đồng, tự do lên 23.700 đồng

Nếu như đầu tuần trước (16/3), ngân hàng Vietcombank niêm yết giá USD ở 23.120 - 23.290 VND/USD (mua vào - bán ra), bằng với cuối tuần trước đó, thì đến cuối tuần qua (21/3), tỷ giá USD Vietcombank đã niêm yết ở mức: 23.340 đồng - 23.530 đồng (mua - bán), tăng 240 đồng so với đầu tuần. Và tăng 35 đồng so với phiên liền trước (19/3).

Tương tự, trong ngày cuối tuần 21/3, giá 1 USD đổi sang VND tại BIDV niêm yết theo tỷ giá: 23.370 - 23.530 đồng (mua - bán), tăng 35 đồng ở cả hai chiều bán ra so với phiên trước. Techcombank niêm yết 23.390 đồng - 23.550 đồng (mua – bán), tăng 60 đồng ở cả hai chiều so với phiên trước đó. Trong khi VietinBank tăng mạnh lên mức 23.375 đồng – 23.545 đồng (mua - bán), tăng 65 đồng ở chiều mua vào và tăng 177 đồng ở chiều bán ra so với phiên giao dịch trước đó. Thị trường tự do, đồng USD giao dịch mua – bán quanh mốc 23.600 – 23.700 VND/USD, tăng 360 đồng, so với cuối tuần trước.

 Giao dịch USD tại SHB Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Giao dịch USD tại SHB Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Trên thế giới, giá USD trụ ở mức cao, dịch Covid-19 lan rộng tại châu Âu, giá vàng chao đảo. Chỉ số US Dollar Index (DXY) đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) đứng ở mức mức 103,188. Đồng USD tăng mạnh so với các đồng ngoại tệ khác: Tỷ giá USD/JPY tăng 0,1% lên mức 110,8 Yên. Tỷ giá USD/Euro tăng 0,05%, 1 Euro đổi 1,069 USD; và 1,166 bảng Anh GBP đổi 1 USD (tăng 1,37%).

Các thị trường đã có phiên giao dịch đầy biến động sau khi nhiều ngân hàng T.Ư lớn của thế giới tham gia vào vòng nới lỏng chính sách tiền tệ khẩn cấp nhằm giảm bớt tác động của dịch Covid-19 đối với các nền kinh tế. Tính từ đầu tháng 2/2020, đã có trên 30 Ngân hàng T.Ư trên thế giới đưa ra quyết định cắt giảm lãi suất điều hành cũng như tung ra gói nới lỏng định lượng nhằm cung cấp thanh khoản và hỗ trợ bình ổn thị trường tài chính.

Theo Tổ chức Tiền tệ thế giới (IMF), kinh tế thế giới năm 2019 tăng trưởng 2,9%, không tạo được cách biệt với ngưỡng 2,5% - ngưỡng báo hiệu của suy thoái kinh tế toàn cầu. Sự xuất hiện của dịch Covid-19 tiếp tục đe dọa đẩy kinh tế toàn cầu vào ngưỡng suy thoái sâu hơn. Trong khi các loại hàng hóa đều giảm, từ chứng khoán, bất động sản, vàng, dầu mỏ…, nhà đầu tư có nhu cầu nắm giữ những đồng tiền mạnh, có tính thanh khoản cao như USD. Đây là lý do khiến USD vẫn tăng giá, bất chấp Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) hạ lãi suất về 0%. Sự đi lên của đồng USD trên thế giới cũng ảnh hưởng nhất định đến tỷ giá trong nước.

Áp lực tỷ giá không quá lớn

“Tỷ giá quy đổi USD tăng mạnh chủ yếu do ảnh hưởng từ giá loại tiền tệ trên thế giới, trong khi đó, thanh khoản USD trong nước vẫn ổn định”- TS Cấn Văn Lực cho biết. Đồng thời nhận định, sức mạnh đồng bạc xanh so với 6 đồng tiền chủ chốt trên thế giới đã tăng hơn 7%, trong khi tại Việt Nam đến 20/3, tỷ giá quy đổi USD trong nước tăng khoảng 1,3 - 1,5% so với đầu năm, như vậy mới tương đương khoảng 1/6 so với thế giới.

Mặc dù thừa nhận tỷ giá trong nước đang chịu áp lực sau động thái điều chỉnh lãi suất của FED, song ngoài “rổ tiền tệ” gồm 8 loại đồng tiền chủ chốt (USD chỉ là một trong số các đồng tiền tham chiếu), thì điều hành tỷ giá của NHNN còn dựa vào các yếu tố khác như lạm phát, cán cân thanh toán tổng thể…

Chính vì vậy, biến động của USD trên thế giới không phải là yếu tố duy nhất để NHNN điều chỉnh tỷ giá. “Tôi cho rằng, thời gian tới, NHNN sẽ vẫn tiếp tục theo đuổi chính sách tỷ giá ổn định. Các quyết định của FED thời gian qua không ảnh hưởng nhiều đến tỷ giá trong nước” - TS Lê Xuân Nghĩa nhận định. Bên cạnh đó, theo ông Nghĩa, USD tăng giá chỉ là phản ứng tức thì, do áp dụng lãi suất 0% và kinh tế Mỹ đang bước vào giai đoạn khó khăn.

Theo TS Bùi Quang Tín, NHNN có nguồn lực dự trữ ngoại hối cao kỷ lục, cán cân thương mại 2 tháng đầu năm về cơ bản vẫn cân bằng. Các nguồn ngoại tệ khác như kiều hối, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đến thời điểm này vẫn khá ổn định… Nhìn về dài hạn, các công cụ hỗ trợ vẫn còn nhiều dư địa, chính vì vậy, việc ổn định tỷ giá thời gian tới sẽ không quá khó khăn với NHNN. Với quan điểm không dùng tỷ giá để tạo lợi thế với các đối tác thương mại, việc điều chỉnh tỷ giá lại càng được NHNN thận trọng.

Nhiều chuyên gia nhận định, từ giờ đến cuối năm, khi tình hình dịch bệnh qua đi, giá USD vẫn sẽ biến động trong khoảng 1 - 2% như tính toán ban đầu của NHNN.

Phiên giao dịch ngày 23/3, NHNN niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 23.259 đồng/USD, tăng 7 đồng so với cuối tuần trước. Như vậy, tính trong một tuần gần nhất, tỷ giá trung tâm đã tăng xấp xỉ 50 đồng/USD. Một số NHTM vẫn tăng mạnh giá trao đổi USD. Tại BIDV niêm yết giá mua – bán USD ở mức 23.370 – 23.530 đồng/USD, xấp xỉ giá phiên cuối tuần. Techcombank tăng 50 đồng, niêm yết 23.440 – 23.600 đồng/USD, Eximbank tăng 60, giao dịch ở mức 23.430 – 23.610 đồng/USD.

"Yếu tố tâm lý có thể làm tăng áp lực tỷ giá trong ngắn hạn nhưng thị trường tài chính Việt Nam vẫn tiếp tục vận động theo xu hướng bình ổn, chủ động nhờ vào chính sách điều hành linh hoạt và bám sát các mục tiêu của NHNN như ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát." - Giám đốc Khối ngoại hối và thị trường vốn, HSBC Việt Nam Ngô Đăng Khoa

Trâm Anh

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/ty-gia-usd-bat-ngo-tang-manh-378672.html