Tỷ giá vẫn có thể nằm trong tầm kiểm soát

Trong tháng 7, hầu hết các chỉ số vĩ mô đều duy trì mức tăng lũy kế ổn định, không thay đổi nhiều so với tháng 6. Đặc biệt, tiền đồng có xu hướng lên giá nhẹ. Tuy nhiên, diễn biến tỷ giá được nhận định còn nhiều điều khó lường khi xung đột thương mại Mỹ - Trung đang 'nóng' trở lại.

 Trung Quốc vẫn là nhà đầu tư có vốn đăng ký mới lớn nhất trong 7 tháng đầu năm 2019 với 1,78 tỉ đô la Mỹ, chiếm 21,5% tổng vốn đăng ký mới.

Trung Quốc vẫn là nhà đầu tư có vốn đăng ký mới lớn nhất trong 7 tháng đầu năm 2019 với 1,78 tỉ đô la Mỹ, chiếm 21,5% tổng vốn đăng ký mới.

Sản xuất công nghiệp tăng chậm lại, bán lẻ tăng tốt

Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số sản xuất công nghiệp trong tháng 7 tăng 9,7% so với cùng kỳ năm 2018. Tính lũy kế bảy tháng đầu năm, chỉ số này tăng 9,4% - thấp hơn so với mức tăng 10,9% cùng kỳ năm 2018. Nhìn chung, xu hướng tăng trưởng chậm lại của hoạt động sản xuất công nghiệp là khá rõ nét kể từ đầu năm đến nay.

Sản xuất nhóm ngành điện tử, máy vi tính và quang học trong tháng 7 tăng mạnh 19,7% so với tháng 6 nhưng lũy kế bảy tháng đầu năm vẫn đang có mức tăng thấp (chỉ 3,2%). Sản xuất xe có động cơ, sản xuất giấy và sản xuất thuốc lá tăng nhẹ 4% so với tháng 6.

Các nhóm ngành còn lại đa phần đi ngang hoặc có mức tăng chỉ quanh 2% so với tháng 6. Ngược lại, các nhóm ngành có tăng trưởng âm trong tháng 7 là sản xuất thuốc và hóa dược (-11,4%); khai thác dầu khí (-2,4%); khai thác than (-0,2%).

Cầu tiêu dùng trong nước tiếp tục là một điểm sáng trong bức tranh kinh tế vĩ mô hiện tại của Việt Nam. Doanh số bán lẻ trong tháng 7 tăng 1,66% so với tháng 6. Lũy kế bảy tháng đầu năm, bán lẻ tăng 12,5% so với cùng kỳ. Theo Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), đây là mức tăng cao nhất so với cùng kỳ kể từ năm 2013 đến nay, cho thấy cầu tiêu dùng trong nước vẫn đang duy trì đà tăng khá tích cực, góp phần bù đắp cho sự tăng trưởng chậm lại của xuất khẩu.

Lũy kế bảy tháng đầu năm, bán lẻ tăng 12,5% so với cùng kỳ - mức tăng cao nhất so với cùng kỳ kể từ năm 2013 đến nay, cho thấy cầu tiêu dùng trong nước vẫn đang duy trì đà tăng khá tích cực, góp phần bù đắp cho sự tăng trưởng chậm lại của xuất khẩu.

Đối với hoạt động thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI), sau khi đạt đỉnh trong tháng 2-2019, tốc độ tăng của vốn FDI đăng ký so với cùng kỳ có xu hướng chậm dần lại và chuyển sang tăng trưởng âm trong hai tháng gần đây. Sự sụt giảm này một phần là do tháng 6 năm ngoái có các dự án đầu tư mới với vốn đăng ký rất lớn như dự án thành phố thông minh tại Hà Nội trị giá 4,4 tỉ đô la Mỹ và dự án sản xuất Poplypropylene tại Vũng Tàu trị giá 1,2 tỉ đô la Mỹ.

Bù lại, số lượng dự án đăng ký mới trong bảy tháng đầu năm nay lại tăng 25%. Việc số lượng dự án tăng tốt trong khi tổng vốn đăng ký mới lại sụt giảm cho thấy bảy tháng đầu năm nay, Việt Nam thiếu vắng các dự án có giá trị lớn (thường tập trung trong lĩnh vực bất động sản và năng lượng) mà thiên về các dự án có quy mô vốn nhỏ hơn (thường tập trung nhiều vào lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo).

Trung Quốc vẫn là nhà đầu tư có vốn đăng ký mới lớn nhất trong bảy tháng đầu năm 2019 với 1,78 tỉ đô la Mỹ, chiếm 21,5% tổng vốn đăng ký mới. Trong số bảy dự án có vốn đầu tư lớn trên 200 triệu đô la Mỹ, các nhà đầu tư đến từ Trung Quốc, Hồng Kông và Đài Loan chiếm đến năm dự án.

Xuất khẩu dần hồi phục

Về hoạt động ngoại thương, sau khi sụt giảm trong tháng 6, xuất khẩu và nhập khẩu tăng trở lại trong tháng 7 (lần lượt tăng 4,6% và 5,7% so với tháng trước). Tuy nhiên, nếu so với cùng kỳ năm 2018 thì tốc độ tăng lũy kế bảy tháng đầu năm của xuất khẩu hiện vẫn thấp hơn nhiều (7,5% so với 15,3%).

Bên cạnh đó, do tốc độ tăng của xuất khẩu các tháng gần đây dần cải thiện trong khi tốc độ tăng của nhập khẩu gần như đi ngang nên chênh lệch giữa tốc độ tăng của nhập khẩu và xuất khẩu đang dần có xu hướng thu hẹp lại. Một số mặt hàng nhập khẩu có tốc độ tăng cao là điện tử, máy tính, linh kiện (tăng 22,2%); máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng (tăng 10,1%).

Đáng chú ý, nhập khẩu mặt hàng ô tô luôn duy trì mức tăng rất cao trong bảy tháng đầu năm do các rào cản liên quan đến thủ tục nhập khẩu đã được tháo gỡ (trái ngược hoàn toàn với diễn biến cùng kỳ năm 2018).

Về cơ cấu, xuất khẩu nhóm hàng điện tử, điện thoại di động đang trong xu hướng hồi phục khá tốt (lũy kế bảy tháng đầu năm nay tăng 18,3% so với bảy tháng đầu năm ngoái) từ mức đáy vào tháng 1-2019. Xuất khẩu các nhóm hàng nông sản chính vẫn chưa có nhiều cải thiện. Xuất khẩu gạo đã tăng trở lại trong tháng 7 nhưng lũy kế bảy tháng đầu năm vẫn đang sụt giảm 14%. Xuất khẩu một số mặt hàng công nghiệp chế biến khá phân hóa. Trong khi các mặt hàng da giày, đồ gỗ, va li, túi xách có mức tăng cao hơn khá nhiều so với cùng kỳ thì dệt may lại đang tăng trưởng thấp hơn (11% so với 16,5%).

Câu hỏi tỷ giá

Trên thị trường ngoại hối, trong khi tỷ giá trung tâm tiếp tục được điều chỉnh tăng nhẹ 30 đồng (tương đương 0,13%) trong tháng 7 thì tỷ giá giao dịch thực tế tại các ngân hàng thương mại lại liên tục đi xuống với mức giảm 50 đồng (tương đương 0,21%). Tính đến cuối tháng 7, tỷ giá gần như không tăng so với cuối năm 2018.

Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu trong tháng 7 (ước tính 200 triệu đô la Mỹ) đưa tổng xuất siêu trong bảy tháng đầu năm đạt 1,8 tỉ đô la Mỹ, giúp tăng nguồn cung ngoại tệ, khiến tiền đồng có xu hướng lên giá nhẹ trong tháng.

Trên thị trường thế giới, chỉ số đô la Mỹ có xu hướng tăng trong tháng 7 và so với cuối năm 2018, đô la Mỹ hiện đã tăng khoảng 2%. Diễn biến của đô la Mỹ trong thời gian tới được dự báo sẽ rất khó lường.

Một mặt, định hướng dần nới lỏng lại trong chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có thể sẽ khiến đô la Mỹ khó tăng giá mạnh. Nhưng mặt khác, việc Tổng thống Mỹ Donald Trump mới đây có các động thái leo thang thêm chiến tranh thương mại với Trung Quốc có thể sẽ khiến nhu cầu tìm đến các tài sản an toàn như đô la Mỹ gia tăng. Ngoài ra, sức ép giảm giá đối với nhân dân tệ đã xuất hiện trở lại và hiện thực hóa.

Những biến động khó lường trên thị trường tiền tệ thế giới, đặc biệt là đô la Mỹ và nhân dân tệ (hai đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam) sẽ đặt ra nhiều thách thức hơn cho Ngân hàng Nhà nước trong việc điều hành tỷ giá từ giờ cho tới cuối năm. Tuy nhiên, với nhiều công cụ sẵn có và cán cân thanh toán tổng thể vẫn đang có mức thặng dư lớn, tỷ giá dù có biến động lớn hơn nhưng nhiều khả năng vẫn nằm trong tầm kiểm soát của nhà điều hành.

Đăng Linh

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/292464/ty-gia-van-co-the-nam-trong-tam-kiem-soat.html