Tỷ lệ các khu bảo tồn biển chưa đạt như mục tiêu

Ngành thủy sản đã có những bước phát triển mạnh mẽ, đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia hàng đầu thế giới về xuất khẩu thủy sản. Tuy nhiên, ngành đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn.

Hội nghị "Tổng kết Chương trình Bảo vệ và Phát triển nguồn lợi thủy sản đến năm 2020 và Quy hoạch hệ thống khu bảo tồn biển Việt Nam đến năm 2020”. Ảnh: Bích Hồng/BNEWS/TTXVN

Hội nghị "Tổng kết Chương trình Bảo vệ và Phát triển nguồn lợi thủy sản đến năm 2020 và Quy hoạch hệ thống khu bảo tồn biển Việt Nam đến năm 2020”. Ảnh: Bích Hồng/BNEWS/TTXVN

Ngày 12/12, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị "Tổng kết Chương trình Bảo vệ và Phát triển nguồn lợi thủy sản đến năm 2020 và Quy hoạch hệ thống khu bảo tồn biển Việt Nam đến năm 2020".
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến đánh giá, ngành thủy sản đã có những bước phát triển mạnh mẽ, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước, đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia hàng đầu thế giới về xuất khẩu thủy sản.
Tuy nhiên, ngành đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức như: Suy giảm đa dạng sinh học và nguồn lợi thủy sản; khai thác thủy sản bất hợp pháp; ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu chịu sức ép lớn từ các hoạt động phát triển kinh tế và du lịch…
Đến nay, ngành đã hoàn thành mục tiêu quy hoạch chi tiết hệ thống khu bảo tồn biển Việt Nam đến năm 2020 theo Quyết định số 742/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và đạt 100% về số lượng (16/16 khu). Dù vậy, tỷ lệ các khu bảo tồn biển được thành lập và đi vào hoạt động chỉ khoảng 75% (12/16 khu).
Nghị quyết 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đặt mục tiêu tăng diện tích các khu bảo tồn biển, ven biển đạt tối thiểu 6% diện tích tự nhiên vùng biển quốc gia, nhưng hiện nay mới chỉ đạt 1,8%.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng: “Để phát triển bền vững không còn cách nào khác là phải bảo tồn. Có bảo tồn thì mới có nguồn lợi bền vững. Những khu bảo tồn được thực hiện tốt như Cù Lao Chàm không chỉ đem lại giá trị sinh thái mà còn mang lại giá trị loài, du dịch”.
Để góp phần phục hồi và phát triển thủy sản bền vững, theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, thời gian tới cần giảm khai thác thủy sản từ 3,9 triệu tấn/năm xuống còn 2,8 triệu tấn/năm.

Hiện nay, cường lực khai thác quá lớn với trên 96.000 tàu cá thì rất khó khăn trong việc phục hồi nguồn lợi thủy sản. Ngành thủy sản phải cơ cấu lại ngành nghề khai thác; trong đó cần có quy định về hạn ngạch khai thác. Việc hạn chế hạn ngạch, đội tàu cùng một số nghề thì mới đạt được mục tiêu đề ra.
Ông Lê Trần Nguyên Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo tồn và Phát triển nguồn lợi thủy sản, Tổng cục Thủy sản cho biết, tính đến thời điểm tháng 9/2020, tổng diện tích vùng biển, đảo đã được quy hoạch vào khu bảo tồn đạt 213.400 ha, chưa đạt so với mục tiêu đến năm 2015 có 270.271 ha vùng biển, đảo được bảo tồn.

Tỷ lệ diện tích vùng biển được bảo tồn đạt 0,185% diện tích vùng biển tự nhiên của Việt Nam và cũng chưa đạt được mục tiêu 0,24% được đề ra tại Quyết định số 742/QĐ-TTg.
Bên cạnh đó, lực lượng chuyên trách bảo tồn biển rất mỏng. Hầu hết các Ban quản lý khu bảo tồn biển, Vườn quốc gia thiếu nhân sự về sinh học biển và quản lý bảo tồn biển để thực hiện các nhiệm vụ, nội dung nghiên cứu chuyên sâu, quan trắc về chất lượng nước, đa dạng sinh học…

Đồng thời, thiếu trang thiết bị để triển khai các hoạt động bảo tồn, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác kiểm tra, giám sát, thực thi luật pháp trong phạm vi quản lý của khu bảo tồn biển.
Trong khi đó, tình trạng vi phạm pháp luật liên quan đến khai thác, bảo vệ, bảo tồn nguồn lợi thủy sản vẫn diễn ra thường xuyên, ngày càng tinh vi; việc sử dụng các nghề, ngư cụ có tính hủy diệt, tận diệt hoặc xâm hại nguồn lợi thủy sản còn tiếp diễn.
Theo báo cáo của 52/63 Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trong giai đoạn 2012 - 2019, thanh tra chuyên ngành thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thực hiện hơn 19.700 đợt kiểm tra, giám sát thực thi pháp luật về thủy sản trên các loại hình thủy vực, phát hiện trên 43.700 vụ vi phạm, xử phạt và nộp ngân sách Nhà nước trên 134 tỷ đồng.
Về điều chỉnh, cơ cấu lại nghề khai thác thủy sản, cơ cấu tàu cá đã được điều chỉnh theo hướng giảm tàu công suất nhỏ khai thác ven bờ, tăng tàu công suất lớn khai thác xa bờ theo định hướng tại Đề án tổ chức lại sản xuất trong khai thác hải sản.

Cơ cấu nghề khai thác thủy sản đã có sự gia tăng những nghề khai thác có hiệu quả như các nghề: Lưới vây, chụp mực, lưới rê khơi, giảm những nghề khai thác ảnh hưởng không tốt đến nguồn lợi thủy sản như các nghề: Lưới kéo, vó mành ven bờ, te, xiệp...; số lượng tàu cá công suất lớn tăng nhanh do chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển thủy sản của Nhà nước.
Mặc dù số lượng tàu cá làm nghề lưới kéo giảm 4.191 chiếc trong 10 năm qua, nhưng tỷ trọng cơ cấu nghề lại có xu hướng tăng (chiếm 19%) và không đạt mục tiêu đề ra./.

Bích Hồng/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/ty-le-cac-khu-bao-ton-bien-chua-dat-nhu-muc-tieu/180619.html