Tỷ lệ chấn thương ở trẻ em tăng theo số người dùng smartphone?

Hiệp hội Cứu hộ Đức đã phát đi cảnh báo về số lượng ngày càng tăng các bậc cha mẹ dán mắt vào điện thoại thông minh thay vì giám sát con cái ở hồ bơi và bãi biển.

Những phụ huynh phân tâm

Một ngày nọ, một nhà kinh tế tốt nghiệp Đại học Yale đưa con trai tới sân chơi. Đúng lúc anh nhìn xuống kiểm tra điện thoại, con trai anh bị ngã. Tai nạn không nghiêm trọng, nhưng khiến vị kinh tế gia trẻ kia nghĩ ra một giả thuyết. Khi AT&T ra mắt mạng 3G khắp nước Mỹ năm 2008, anh đã có cơ hội dùng thử.

AT&T ra mắt dịch vụ ở những thời điểm khác nhau tại những khu vực khác nhau, giống như một thí nghiệm không chính thức. Từng vùng một, khi tỷ lệ sử dụng điện thoại thông minh tăng lên, anh thấy các phòng cấp cứu thông báo số ca chấn thương ở trẻ nhỏ dưới năm tuổi cũng tăng theo, như bị gãy xương và ngất xỉu.

Diễn biến đó nhất quán với những gì đã xảy ra ở sân chơi, nhưng tất nhiên, cũng có thể có nguyên nhân khác, chứ không phải do các bậc cha mẹ xao nhãng. Vị kinh tế gia đấy bắt tay vào tìm hiểu ai hay điều gì khiến những ca chấn thương như vậy tăng lên. Anh thấy rằng mức tăng xảy ra khi các bậc cha mẹ đang trông con ở những sân chơi công cộng, hồ bơi, hay ở nhà, chứ không phải khi giáo viên hay huấn luyện viên của đám trẻ đảm trách chuyện đó.

 Ảnh minh họa. Nguồn: The University of Akron.

Ảnh minh họa. Nguồn: The University of Akron.

Tương tự, Hiệp hội Cứu hộ Đức đã phát đi cảnh báo về số lượng ngày càng tăng các bậc cha mẹ dán mắt vào điện thoại thông minh thay vì giám sát con cái ở hồ bơi và bãi biển, làm tăng nguy cơ đứa trẻ bị đuối nước trước khi họ phát hiện. Đuối nước có thể diễn ra nhanh chóng và lặng lẽ.

Cảnh tượng các bậc cha mẹ bị phân tâm vì điện thoại di động khi đang ở cạnh con cái đã trở thành chuyện bình thường. Giống như anh sinh viên Yale nói trên, các bậc cha mẹ ngồi trên băng ghế ở sân chơi vào buổi sáng, vuốt và ấn màn hình, không lưu tâm gì tới thực tại đứa con nhỏ của họ không có ai chơi cùng. Những người khác vừa đẩy nôi vừa nhìn chằm chằm vào màn hình thay vì nhìn em bé đang muốn được thấy ánh mắt họ. Trẻ con kêu ca, xin xỏ, và tìm cách để cha mẹ dẹp điện thoại đi.

Có câu chuyện một đứa trẻ năm tuổi đã giấu chiếc điện thoại BlackBerry của mẹ mình để người mẹ trò chuyện với nó, và một cậu bé bực dọc tới mức đã bỏ chiếc điện thoại iPhone của cha vào toilet rồi giật nước. Nhưng không lâu sau, cũng những bậc cha mẹ đấy nhiều khả năng sẽ lại kêu ca là con họ dán mắt vào màn hình.

Sean Parker, chủ tịch đầu tiên của Facebook, có lần đã bình luận về việc sử dụng Facebook: “Chỉ có Chúa mới biết nó đang làm gì với bộ não con cái chúng ta.” Parker đang nói tới tình trạng trẻ em sử dụng mạng xã hội quá độ. Nhưng hành vi sử dụng của cha mẹ cũng có tác động tương tự với quá trình phát triển của con cái.

Tạm gác lại câu hỏi hành vi sử dụng mạng xã hội thái quá thực sự nguy hại ra sao, phải thấy được một tác động trực tiếp không thể chối cãi: cha mẹ càng dành nhiều thời gian trên điện thoại, họ càng có ít thời gian làm phận sự phụ huynh và gắn kết với con cái.

Mất mát về thời gian gắn bó này sẽ gây ra hậu quả gì cho quá trình phát triển của con cái là điều còn chưa hiểu rõ. Kết quả có thể là thương tật thể chất, chẳng hạn như không để ý kịp là con cái đang sắp làm chúng bị thương, hay thương tật tâm lý, khi đứa trẻ phát triển cảm giác không đáng được cha mẹ chú ý.

Một nửa thanh thiếu niên ở Mỹ nói mẹ hay cha mình bị phân tâm vì điện thoại khi các em cố gắng trò chuyện với họ, và nhiều đứa trẻ ước gì các bậc cha mẹ dành thời gian cho điện thoại ít hơn. Một phần tư thanh thiếu niên tin rằng cha mẹ các em nghiện điện thoại. Trẻ em ở tuổi thiếu niên có phụ huynh bị phân tâm cũng cảm thấy cha mẹ mình ít ấm áp hơn, cảm nhận này có thể gây ra chứng lo âu và trầm cảm ở trẻ vị thành niên.

Tuy nhiên, như đã nói ở trên, những nghiên cứu chỉ cho biết là có tương quan, chứ không phải là quan hệ nhân quả. Các bậc cha mẹ có để ý thấy khi họ sử dụng điện thoại, con cái họ không được thoải mái và dễ bực dọc hơn, nhưng một số người vẫn cứ tiếp tục. Những đứa trẻ này nhận được tín hiệu rằng dù cha mẹ chúng đang làm gì với chiếc điện thoại thông minh, thì điều đó cũng quan trọng hơn chúng.

Ngược lại, khi cha mẹ theo dõi những gì con cái làm, điều đó gửi tín hiệu cho đứa trẻ biết rằng những gì chúng làm là quan trọng, và chúng sẽ cố gắng hơn. Trẻ em thậm chí chơi thể thao tốt hơn khi cha mẹ xem chúng thi đấu, so với chỉ ngồi xem điện thoại. Nói chung, trẻ em cần được chú ý để phát triển các kỹ năng. Đó cũng là yếu tố then chốt trong quá trình học ngôn ngữ thời kỳ đầu.

Trong một nghiên cứu, ba mươi tám bà mẹ đã dạy những đứa con hai tuổi hai từ vựng mới, mỗi từ được dạy trong một phút. Một trong hai lần học đấy sẽ có một cuộc gọi điện thoại di động cắt ngang, còn lần kia thì không. Với lần dạy bị cắt ngang, sẽ có thời gian bù thêm sau đó, để tổng thời gian họ dành ra để dạy mỗi từ vẫn là như nhau. Khi hoạt động dạy từ mới không bị cắt ngang, đứa trẻ học được từ đó; khi bị cắt ngang thì chúng không học được.

Nghiên cứu cũng cho thấy cách tốt nhất để các bậc cha mẹ hỗ trợ quá trình phát triển ngôn ngữ thời thơ ấu là đọc truyện cho con nghe và tiếp tục làm vậy thậm chí sau khi đứa trẻ đã biết đọc. Ngược lại, khi xem những video trẻ em như Baby Einstein Brainy Baby, những đứa trẻ dưới hai tuổi học hỏi được ít hơn so với khi nghe từ người thật. Những chương trình học ngôn ngữ sớm tự nhận là thông minh này được thiết kế chủ yếu để chiếm lấy sự chú ý của đứa trẻ, và không mang tới những gì mà chúng hứa hẹn.

Gerd Gigerenzer/NXB Trẻ

Nguồn Znews: https://znews.vn/ty-le-chan-thuong-o-tre-em-tang-theo-so-nguoi-dung-smartphone-post1494085.html