Tỷ lệ che phủ rừng đạt gần 42% là cố gắng vượt bậc của cả hệ thống chính trị
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường hồi âm ý kiến đại biểu về lĩnh vực nông nghiệp.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại nghị trường
Chỉ được dành ba phút để hồi âm ý kiến đại biểu trong phiên thảo luận sáng 3/11 của Quốc hội, nhưng Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường hai lần nhấn mạnh sự cố gắng vượt bậc trong bảo vệ rừng.
Người đứng đầu ngành nông nghiệp cho biết, cả nước hiện nay có có 14,6 triệu ha rừng, trong đó rừng tự nhiên 10,3 triệu ha. Đây là cố gắng vượt bậc của cả hệ thống chính trị, vì năm 1990 chỉ có 9 triệu ha rừng, lúc đó hệ số che phủ chỉ 27%, 30 năm qua GDP còn thấp như vậy, mà hệ số che phủ đã đạt gần 42%, thế giới bình quân 29%, đây là sự cố gắng vượt bậc, Bộ trưởng nói.
Về kinh tế rừng, Bộ trưởng cho biết hiện có 4.600 doanh nghiệp chế biến gỗ, năm nay có thể xuất khẩu 13 tỷ USD lâm sản.
Về rừng tự nhiên, Bộ trưởng khẳng định luôn có chính sách để giữ, song mặt trái là rừng tự nhiên không thể phát triển như ngày xưa, và phục hồi phải từng bước.
Vấn đề nữa được Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề cập là phát triển nền nông nghiệp sạch. Bộ trưởng khẳng định nền nông nghiệp đang vận hành theo hướng tạo ra các sản phẩm sạch. Năm 2016 Quốc hội có chất vấn đề lớn đầu vào của nông nghiệp, khi đó cần trên 10 triệu tấn phân bón, chủ yếu là vô cơ, đến nay tăng tỷ lệ phân hữu cơ gần 4 triệu tấn.
Đây là xu hướng tích cực, từ đó đến nay 710 nhà máy sản xuất phân bón không cho tăng thêm nhà máy nào nữa, hiện nay có 243.000 ha ở sản xuất theo hướng hữu cơ, năm 2019 xuất khẩu 235 triệu USD nông sản hữu cơ, Bộ trưởng cho biết.
Về thuốc bảo vệ thực vật, theo Bộ trưởng thì những năm trước 1 năm nhập 120 ngàn tấn, 2019 giảm xuống còn 75 ngàn tấn, trong đó 20% là thuốc sinh học. Và trong 75 ngàn tấn này đã có 1 phần tái xuất bằng sản phẩm chế biến.
Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng nhìn nhận lĩnh vực này còn nhiều hạn chế, thời gian tới cần hoàn chỉnh hơn về thể chế, về cơ chế chính sách để vận hành nên nông nghiệp đúng hướng là phát triển nhưng phải bền vững.
Trước đó, Đại biểu Trần Văn Cường (Đồng Tháp) phản ánh ý kiến cử tri về việc kinh doanh và sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đang diễn ra phức tạp. Nhiều phân bón giả, cấm sử dụng tại Việt Nam nhưng vẫn được đưa ra dùng, việc lạm dụng phân bón diễn ra nhiều nơi, gây ô nhiễm môi trường, mất cân bằng hệ sinh thái nông nghiệp, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.
Đại biểu Đồng Tháp nhấn mạnh, việc lạm dụng phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật đã và đang phá vỡ cấu trúc hệ sinh thái tự nhiên, đánh mất hình ảnh nền nông nghiệp chất lượng mà đất nước đang cố gắng triển khai thời gian qua.
Đại biểu Cường cho rằng cần có sự đồng bộ giữa các ngành trong việc kiểm soát các loại hóa chất độc hại trên thị trường; tăng cường chế tài đối với các vi phạm, bao gồm việc kinh doanh phân bón giả. Cần thí điểm việc truy xuất nguồn gốc và quản lý chặt chẽ chất lượng các mặt hàng nông sản vào thành phố lớn; ban hành chế tài bảo đảm thực thi trách nhiệm cá nhân hoạt động trong lĩnh vực phân bón và thuốc bảo vệ thực vật - ông Cường đề nghị.
Sau phát biểu của Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, dùng quyền tranh luận, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) cho rằng rừng vẫn bị đe dọa khi cho các đại dự án khởi công và nhiều người vẫn khoe đồ gỗ quý trong nhà, chứ không được lạc quan như phát biểu của Bộ trưởng.
Còn băn khoăn về nhiều vấn đề cụ thể, song phần lớn ý kiến đều khẳng định trong năm 2020, nông nghiệp vẫn là bệ đỡ của nền kinh tế, cần được đầu tư thỏa đáng hơn.