Tỷ lệ cử tri Nga đi bỏ phiếu trực tuyến về sửa đổi Hiến pháp ngày đầu tiên vượt 52%
Trong ngày đầu tiên bỏ phiếu về các sửa đổi Hiến pháp Nga, gần 53% cử tri (tương đương 618.200 người) đã tham gia bỏ phiếu trực tuyến.
Theo hãng thông tấn TASS, cuộc bỏ phiếu trực tuyến bắt đầu từ 10h sáng 25/6 (giờ địa phương) đối với người dân tại thủ đô Moskva và khu vực Nizhny Novgorod.
Vì số lượng truy cập quá lớn, website thông tin về cuộc bỏ phiếu đã tạm ngưng hoạt động trong 20 phút. Sau đó, hệ thống đã được khôi phục và hoạt động bình thường. Tính đến 10h18 sáng 26/6 (giờ địa phương), tổng cộng có 618.264 phiếu bầu trực tuyến đã được bỏ, đạt 52,8%.
Trước đó, ông Artyom Kostyrko – người đứng đầu Ban Quản lý Khu vực và Các Dự án nhỏ Moskva – thông báo khoảng 1 triệu cử tri tại thủ đô đăng ký bỏ phiếu trực tuyến và 140.000 cử tri khác tại vùng Nizhny Novgorod. Cuộc bỏ phiếu toàn quốc này dự kiến diễn ra từ 25/6 đến hết 30/6.
Những đề xuất sửa đổi hiến pháp sẽ cho phép Tổng thống Putin, người lãnh đạo nước Nga hơn 2 thập kỷ qua, tiếp tục tham gia tranh cử sau khi nhiệm kỳ hiện nay của ông sẽ kết thúc vào năm 2024.
Ngày 1/6, Tổng thống Putin thông báo cuộc trưng cầu ý dân về sửa đổi Hiến pháp ở nước này sẽ diễn ra vào ngày 1/7 tới, sau khi cuộc trưng cầu dự kiến diễn ra ngày 22/4 bị hoãn do dịch COVID-19.
Người đứng đầu Cơ quan Giám sát Y tế Công cộng Nga Anna Popova đã bày tỏ ủng hộ việc tiến hành trưng cầu ý dân vào ngày 1/7, cho rằng tình hình dịch COVID-19 sẽ không diễn biến xấu đi ở những khu vực nước này dự kiến nới lỏng hạn chế được áp đặt nhằm kiểm soát đại dịch COVID-19. Bà khẳng định nước Nga đang đi đúng hướng.
Hồi giữa tháng 3 vừa qua, Tổng thống Putin đã ký ban hành luật sửa đổi Hiến pháp. Các sửa đổi này đã được hai viện Quốc hội Nga - Duma Quốc gia (Hạ viện) và Hội đồng Liên bang (Thượng viện), cũng như hội đồng lập pháp của 85 chủ thể LB Nga thông qua.
Do các yêu cầu mới, các sửa đổi này sẽ áp dụng với tổng thống, các thành viên của chính phủ và các quan chức chính phủ ở nhiều cấp độ, củng cố an sinh xã hội đối với công dân, trao thêm quyền lực cho quốc hội, thiết lập vị thế của tiếng Nga. Luật sửa đổi Hiến pháp cũng đã được Tòa án Hiến pháp Nga thông qua.
Sau khi cuộc trưng cầu ý dân được tổ chức, Ủy ban Bầu cử Trung ương Nga (CEC) trong vòng 5 ngày sẽ xác định kết quả bỏ phiếu và công bố kết quả bỏ phiếu sau 3 ngày. Nếu Luật sửa đổi Hiến pháp nhận được hơn 50% số phiếu ủng hộ, các sửa đổi sẽ có hiệu lực vào ngày kết quả bỏ phiếu được công bố.