Tỷ lệ đột quỵ ở người trẻ tuổi tăng khoảng 2% mỗi năm
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết, nhận thấy rõ tầm quan trọng của việc chủ động phòng ngừa bệnh đột quỵ, cũng như vai trò của thông tin số trong việc tăng cường khả năng tiếp cận nguồn thông tin tin cậy cho người bệnh, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh thiết lập một kênh thông tin điện tử chuyên cung cấp thông tin về bệnh lý đột quỵ cho cộng đồng.
Theo đó, người dân có được những thông tin dễ hiểu, gần gũi về nguyên nhân, triệu chứng, phương pháp điều trị cũng như những khuyến nghị nhằm phòng ngừa đột quỵ thông qua việc thay đổi lối sống và tuân thủ điều trị.
Theo ông Khuê, đột quỵ là nguyên nhân phổ biến hàng đầu gây ra tàn tật và phổ biến thứ ba gây tử vong tại Việt Nam. Mỗi năm, khoảng 200.000 trường hợp đột quỵ, khoảng 50% trong số đó tử vong. Mặc dù nhiều người may mắn sống sót sau cơn đột quỵ, nhưng họ vẫn phải chịu các di chứng nặng nề, thậm chí là mất khả năng lao động, tạo ra gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, mỗi năm có khoảng 15 triệu người mắc đột quỵ não, khoảng năm triệu người trong số đó tàn phế vĩnh viễn và năm triệu người tử vong. Theo Tổ chức Đột quỵ Mỹ năm 2019, số lượng bệnh nhân đột quỵ ở những người trẻ đã tăng hơn 44% trong 10 năm gần đây, và khoảng 15% bệnh nhân đột quỵ mỗi năm có độ tuổi từ 18 đến 50.
Tại Việt Nam, tỷ lệ đột quỵ ở người trẻ tuổi đang có xu hướng tăng lên, trung bình khoảng 2% mỗi năm, trong đó số lượng nam giới cao gấp bốn lần nữ giới. Thông thường, đột quỵ thường gặp ở những người từ 50 tuổi trở lên, tuy nhiên độ tuổi đột quỵ ngày càng trẻ hóa.
Cụ thể, tỷ lệ người trẻ và người trung niên chiếm khoảng một phần ba tổng số các trường hợp đột quỵ. Theo thống kê tại các bệnh viện, tỷ lệ đột quỵ ở người trẻ tuổi trung bình tăng khoảng 2% mỗi năm, trong đó số nam giới cao gấp 4 lần nữ giới. Vì vậy, việc tăng cường khả năng tiếp cận các thông tin về phòng ngừa và điều trị bệnh đột quỵ trở nên rất cần thiết và quan trọng.