Tỷ lệ giải quyết án tăng nhưng vẫn còn tình trạng án hủy, sửa
Án thụ lý trên địa bàn tỉnh cứ liên tục tăng và đáng ghi nhận là chất lượng, tỷ lệ giải quyết án các loại cũng tăng lên đáng kể. Tuy nhiên, tình trạng án bị hủy, sửa vẫn còn, dù tỷ lệ không cao và có cả lỗi chủ quan của thẩm phán.
TAND tỉnh thường xuyên họp rút kinh nghiệm, kịp thời khắc phục những hạn chế, thiếu sót để không ngừng nâng cao chất lượng công tác xét xử. Ảnh: V.Đ
Theo đánh giá sơ bộ của Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh, năm 2020, toàn tỉnh đã thụ lý 9.314 vụ việc (tăng 980 vụ việc so với cùng kỳ) và đã giải quyết 7.911 vụ việc (tăng 1.326 vụ việc), đạt tỷ lệ 84,94% (tăng 18,41%). Có 3 TAND cấp huyện đạt tỷ lệ giải quyết án cao trên 90%: TAND huyện Cù Lao Dung (92,51%); TAND huyện Kế Sách (92,97%) và TAND huyện Thạnh Trị (90,28%). Đối với án quá hạn luật định có 4 vụ, giảm 15 vụ so với cùng kỳ và do án tăng, bình quân mỗi thẩm phán phải giải quyết 7,85% vụ/tháng.
Quá trình giải quyết, TAND hai cấp luôn chú trọng nâng cao công tác hòa giải ở lĩnh vực dân sự, đối thoại ở lĩnh vực án hành chính. Các vụ án trọng điểm, dư luận xã hội quan tâm được khẩn trương giải quyết. Hầu hết các tòa án phải đưa ra nhiều giải pháp để tập trung đẩy nhanh tiến độ giải quyết án, nâng cao chất lượng xét xử. Theo đó, TAND tỉnh tăng cường công tác trao đổi án và cấp phúc thẩm tiến hành bổ sung chứng cứ, khắc phục vi phạm của cấp sơ thẩm đã mang lại hiệu quả tích cực, góp phần hạn chế số án bị hủy, sửa của TAND cấp huyện.
Nhưng thực tế, tỷ lệ án hủy, sửa trên địa bàn tỉnh vẫn còn tồn tại, dù rất thấp (khoảng 1%). Do đó, để không ngừng nâng cao chất lượng giải quyết án, nhất là án dân sự, TAND tỉnh thẳng thắn nhìn nhận và chỉ ra những hạn chế cần rút kinh nghiệm đối với cấp sơ thẩm. Theo lãnh đạo TAND tỉnh, năm 2020, cấp phúc thẩm đã giải quyết 251 vụ việc dân sự và hủy án sơ thẩm là 17 vụ việc, sửa án sơ thẩm 86 vụ việc, bởi cấp phúc thẩm phải xác minh, thu thập chứng cứ; xem xét, thẩm định tại chỗ và định giá tài sản do cấp sơ thẩm chưa thực hiện đầy đủ. Thực tế, việc dẫn đến án sơ thẩm dân sự bị hủy, sửa là do một số thẩm phán còn chủ quan trong việc xác minh, thu thập chứng cứ, nghiên cứu hồ sơ chưa kỹ hoặc giao phó cho thư ký nghiên cứu hồ sơ vụ án giúp nên chưa kịp phát hiện sai sót trong quá trình giải quyết án. Thêm vào đó, việc nhận thức và đánh giá chứng cứ của một vài thẩm phán chưa toàn diện và cho rằng không cần thiết đưa người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vào tham gia tố tụng dẫn đến đưa thiếu người tham gia tố tụng…
Để khắc phục những hạn chế đối với án dân sự sơ thẩm, Phó Chánh án TAND tỉnh Lê Thanh Vũ yêu cầu lãnh đạo TAND cấp huyện cần rút kinh nghiệm chung đối với các vụ án dân sự sơ thẩm mà cấp phúc thẩm đã tiến hành xác minh, thu thập chứng cứ và xem xét, thẩm định tại chỗ bổ sung. Trong quá trình giải quyết án, thẩm phán cần nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án và chủ động phối hợp với cơ quan chuyên môn trong việc xem xét, thẩm định tại chỗ đối với đất có tranh chấp nhằm phục vụ tốt cho công tác xét xử án. Các đơn vị tiếp tục thực hiện 14 giải pháp nâng cao chất lượng xét xử của TAND Tối cao và 3 giải pháp đột phá của TAND tỉnh. Đối thoại giữa cấp phúc thẩm và cấp sơ thẩm; cấp phúc thẩm thu thập chứng cứ, thẩm định, định giá lại và tăng cường công tác trao đổi nghiệp vụ chuyên môn.