Tỷ lệ hòa giải thành trung bình đạt gần 85%

Năm 2024, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) được triển khai thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Cả nước có có 10.188 đơn vị cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật (đạt 94,7%), tỷ lệ hòa giải thành trung bình đạt 84,8%...

Hòa giải viên huyện Gia Lâm, Hà Nội tham dự Hội nghị tuyên truyền Luật Thủ đô 2024. Ảnh: Bạch Dương

Hòa giải viên huyện Gia Lâm, Hà Nội tham dự Hội nghị tuyên truyền Luật Thủ đô 2024. Ảnh: Bạch Dương

Theo báo cáo của Bộ Tư pháp, bộ đã tham mưu, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Nâng cao năng lực cho đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật thực hiện PBGDPL tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2024-2030”.

Các hoạt động PBGDPL được thực hiện chủ động với nhiều mô hình hay, cách làm mới, sáng tạo, ứng dụng rộng rãi công nghệ thông tin, nhiều cuộc thi tìm hiểu về pháp luật đã thu hút được đông đảo người dân tham gia. Các hoạt động đối thoại về chính sách, pháp luật giữa cơ quan Nhà nước với người dân, doanh nghiệp hay các chương trình, chuyên mục, trò chơi tìm hiểu pháp luật trên sóng phát thanh - truyền hình, phổ biến pháp luật thông qua mạng xã hội… đã giúp người dân tiếp cận thông tin pháp luật nhanh chóng, tiện lợi.

Công tác thực hiện quy định về xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật tiếp tục được Bộ, ngành Tư pháp chú trọng triển khai thực hiện, bám sát các nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao. Đặc biệt, Bộ Tư pháp đã ban hành hướng dẫn nội dung tiêu chí, chỉ tiêu “tiếp cận pháp luật” trong đánh giá nông thôn mới và đô thị văn minh.

Sở Tư pháp địa phương chủ động tham mưu đưa nội dung, nhiệm vụ xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật vào các chương trình, kế hoạch và văn bản chỉ đạo liên quan đến công tác PBGDPL. Qua báo cáo của các địa phương về công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, tính đến nay có 10.188 đơn vị cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật (đạt 94,7%).

Công tác hòa giải ở cơ sở đạt được một số kết quả nổi bật như: tham mưu Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2024-2030” ; tổng kết, đánh giá 10 năm thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở. Năm 2024, các hòa giải viên trong cả nước đã tiếp nhận 97.082 vụ việc, tỷ lệ hòa giải thành trung bình là 84,8%.

Trong năm 2025, bộ, ngành Tư pháp tiếp tục đổi mới mạnh mẽ công tác PBGDPL và xây dựng văn hóa tuân thủ pháp luật trong cán bộ, Nhân dân. Ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số gắn với Đề án “Chuyển đổi số trong công tác PBGDPL giai đoạn 2025-2030” và triển khai ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành.

Phát huy hiệu quả vai trò của Hội đồng phối hợp PBGDPL Trung ương và thực hiện đầy đủ trách nhiệm của thành viên Hội đồng phối hợp PBGDPL các cấp trong hướng dẫn, chỉ đạo, triển khai thực hiện công tác PBGDPL thuộc phạm vi quản lý; tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phối hợp, quản lý Nhà nước về PBGDPL, trọng tâm là chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ, giải quyết, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc; kiểm tra, sơ kết, tổng kết, xây dựng, nhân rộng các cách thức, mô hình PBGDPL có hiệu quả; thực hiện đánh giá hiệu quả công tác PBGDPL theo hướng lượng hóa kết quả đầu ra, ý thức chấp hành pháp luật là thước đo hiệu quả công tác PBGDPL…

Tiếp tục thực hiện hiệu quả Luật Hòa giải ở cơ sở, các văn bản hướng dẫn thi hành và các nhiệm vụ trong Quyết định số 315/QĐ- TTg ngày 17/4/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Nâng cao năng lực cho đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2024 - 2030” như: tập trung củng cố, kiện toàn mạng lưới tổ hòa giải ở cơ sở và đội ngũ hòa giải viên; huy động đội ngũ luật sư, luật gia, thẩm phán, kiểm sát viên người hiểu biết pháp luật tham gia công tác hòa giải ở cơ sở; tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn triển khai, xây dựng nhân rộng mô hình hòa giải điển hình về hòa giải ở cơ sở…

Nghiên cứu, xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg ngày 22/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật để đáp ứng yêu cầu tình hình mới…

Năm 2024, các bộ, ngành, địa phương đã tổ chức 566.479 cuộc tuyên truyền pháp luật cho hơn 55 triệu lượt người; tổ chức 10.239 cuộc thi cho hơn 14 triệu lượt người dự thi; phát hơn 46 triệu tài liệu tuyên truyền, PBGDPL; các hoạt động hưởng ứng Ngày pháp luật Việt Nam được triển khai đa dạng, phong phú.

Bạch Dương

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/ty-le-hoa-giai-thanh-trung-binh-dat-gan-85-405293.html