Tỷ lệ sinh thấp kỷ lục: Bài toán nan giải với chính phủ Nhật Bản
Các chính sách khuyến khích sinh của Nhật Bản chưa giải quyết được nguyên nhân gốc rễ khiến thanh niên ngại kết hôn và sinh con là chi phí sinh hoạt cao, tiền lương thấp và bất bình đẳng giới.
Vào tháng 6/2023, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã công bố chính sách mới nhằm đảo ngược tỷ lệ sinh thấp lịch sử của nước này.
Các biện pháp dự kiến sẽ tiêu tốn khoảng 22 tỷ USD, bao gồm cam kết tăng gấp đôi chi tiêu cho chăm sóc trẻ em vào đầu những năm 2030 và nâng mức trợ cấp nuôi dưỡng trẻ em, cùng các ưu đãi khác mà chính phủ Nhật Bản hy vọng sẽ khuyến khích các cặp vợ chồng trẻ sinh con nhiều hơn.
Ngày nay, trung bình mỗi phụ nữ Nhật Bản chỉ có 1,26 con - thấp hơn nhiều so với tỷ lệ 2,1 con, được các nhà nhân khẩu học coi là cần thiết để duy trì dân số ổn định.
Theo ước tính của chính phủ, có tới 42% phụ nữ trưởng thành và 50% nam giới ở Nhật Bản không có kế hoạch sinh con.
Kế hoạch khuyến khích sinh của chính quyền Thủ tướng Kishida chủ yếu tiếp nối các chính sách gia tăng dân số trước đó và phần lớn chưa đem lại thành công.
Mặc dù có mức ưu đãi tốt hơn so với nhiều nước phương Tây, kế hoạch này chưa giải quyết được các yếu tố chính ngăn cản thanh niên Nhật Bản kết hôn và sinh con: chi phí sinh hoạt tăng cao, tiền lương thấp và bất bình đẳng giới nghiêm trọng buộc nhiều phụ nữ phải lựa chọn giữa sinh con và sự nghiệp.
Chính những lý do này khiến các nhà nhân khẩu học nghi ngờ kế hoạch của Thủ tướng Kishida có thể thành công giải quyết cuộc khủng hoảng dân số của Nhật Bản.
Đối với nhiều người trẻ tại Nhật Bản, việc có con đơn giản là điều tốn kém. Tiền lương ở Nhật Bản hầu như không tăng trong ba thập kỷ qua. Trung bình, những người ở độ tuổi 20 kiếm được khoảng 17.000 đến 20.000 USD một năm.
Tiền lương thấp trái ngược hoàn toàn với chi phí sinh hoạt tăng vọt. Ngày 23/10, Thủ tướng Kishida đã công bố các biện pháp đối phó với khủng hoảng chi phí sinh hoạt như kéo dài trợ cấp về xăng dầu, tiện ích và xem xét cắt giảm thuế thu nhập cho người dân.
Mặc dù các giải pháp này có thể tạm thời ngăn lạm phát gia tăng, sức mua của người tiêu dùng đã giảm 2,5% trong tháng 8, đánh dấu tháng giảm thứ 17 liên tiếp.
Ngoài ra, giá bất động sản cao ở các trung tâm đô thị như Tokyo đã buộc người trẻ phải lựa chọn những “căn hộ siêu nhỏ” và hầu như không phù hợp cho cuộc sống gia đình.
Vào năm 2020, giá thuê căn hộ một phòng ngủ trung bình ở Tokyo có giá khoảng 1.100 USD một tháng; căn hộ hai phòng ngủ là hơn 1.600 USD một tháng.
Mức giá này có vẻ rẻ so với Manhattan tại Mỹ - nơi giá thuê trung bình cho căn hộ một phòng ngủ là hơn 4.400 USD - nhưng mức lương thấp kéo dài khiến ngay cả giá thuê có vẻ phải chăng cũng nằm ngoài tầm với của đa số tầng lớp lao động Nhật Bản.
Ngoài ra, người thuê nhà buộc phải có tài khoản ngân hàng với số tiền gấp ba đến bảy lần tiền thuê hàng tháng và phải trả trước một hoặc hai tháng tiền nhà, cùng với khoản đặt cọc đảm bảo và nhiều khoản phí đắt đỏ khác.
Chi phí giáo dục và chăm sóc trẻ càng làm vấn đề này thêm trầm trọng. Mặc dù giáo dục công rẻ hơn nhiều so với giáo dục tư nhưng các gia đình ở Nhật Bản vẫn phải trả học phí cho giáo dục công ở mọi cấp độ.
Vào năm 2021, tổng chi phí chăm sóc trẻ hàng năm của một gia đình có hai con ở Nhật Bản chiếm gần một nửa thu nhập của một cặp vợ chồng trung bình làm việc toàn thời gian - một tỷ lệ tương đối cao ở các nền kinh tế phát triển.
Không chỉ nhu cầu sinh con thấp, các cuộc khảo sát cho thấy sự quan tâm về các mối quan hệ tình cảm và tình dục ngày càng giảm tại Nhật Bản, đặc biệt là ở giới trẻ.
Nhà nghiên cứu Haruka Sakamoto tại Đại học Tokyo lý giải những người trẻ tuổi đơn giản là không có đủ thu nhập để lập kế hoạch lâu dài, khiến những mối quan hệ ổn định dường như trở nên xa vời.
Michiko Ueda-Ballmer, một nhà khoa học tại Đại học Syracuse ở Mỹ, cho biết nhiều phụ nữ trẻ Nhật Bản muốn kết hôn, “nhưng đơn giản là họ không đủ khả năng tài chính.”
Dữ liệu khảo sát cho thấy những người trẻ tuổi không có tài chính ổn định để tự coi mình là đối tác khả thi trong một mối quan hệ ràng buộc.
Ngoài ra, khoảng cách tiền lương theo giới tính tại Nhật Bản có mức cách biệt lớn nhất trong số các nền kinh tế phát triển khi phụ nữ chỉ kiếm được khoảng 75% so với thu nhập của nam giới khi làm việc toàn thời gian.
Mặc dù tỷ lệ việc làm của phụ nữ tại Nhật Bản đã cao hơn so với hai thập kỷ trước, nhưng phụ nữ vẫn chiếm tỷ lệ cao trong các công việc bán thời gian bấp bênh hoặc công việc hợp đồng.
Không những vậy, phụ nữ Nhật Bản vẫn phải đảm nhiệm phần lớn công việc gia đình. Ngay cả những phụ nữ có trình độ học vấn cao được nghỉ việc sau khi sinh con cũng phải chật vật để tái hòa nhập lực lượng lao động.
Theo nhà nghiên cứu Sakamoto, nếu phụ nữ Nhật Bản coi sự độc lập về kinh tế và việc nuôi dạy con cái là hai vấn đề đối lập nhau, họ thường sẽ chọn cuộc sống độc lập./.