Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể thấp còi giảm còn 21% vào cuối năm 2025
Trong thời gian qua, việc nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số và phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em luôn được tỉnh quan tâm chú trọng.

Trẻ em trên địa bàn tỉnh được khám sức khỏe định kỳ, cân đo, chấm biểu đồ theo dõi sự phát triển.
Thông qua việc triển khai hiệu quả các chương trình hỗ trợ, cải thiện tình trạng dinh dưỡng, chăm sóc trẻ em, bà mẹ trẻ em, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng, Chương trình chăm sóc dinh dưỡng 1.000 ngày vàng đầu đời … đã góp phần nâng cao kiến thức và thực hành dinh dưỡng cho người dân; tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em giảm dần qua từng năm, đến hết năm 2025, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể thấp còi dự kiến giảm còn 21%; thể nhẹ cân dự kiến giảm còn 13,1% .
Cùng với đó, công tác chăm sóc dinh dưỡng, chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em đã góp phần nâng cao thể trạng, tầm vóc của trẻ em; cải thiện tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng ở trẻ em, thanh thiếu niên và phụ nữ lứa tuổi sinh đẻ; kiểm soát và dự phòng các bệnh mãn tính không lây có liên quan đến dinh dưỡng. Công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản tiếp tục được quan tâm, tỷ lệ khám thai của phụ nữ trong thai kỳ đạt 82,2%; tỷ lệ phụ nữ đẻ được cán bộ có kỹ năng đỡ đạt 95%, tỷ lệ bà mẹ và trẻ sơ sinh được chăm sóc tại nhà trong tuần đầu sau sinh đạt 81,4%.
Thời gian tới, ngành y tế cùng chính quyền các cấp, các ban, ngành, đoàn thể có liên quan sẽ tiếp tục triển khai nhiều chương trình, đưa ra nhiều giải pháp can thiệp về chăm sóc sức khỏe nói chung, sức khỏe bà mẹ, trẻ em nói riêng để công tác nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số và phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em tiếp tục được triển khai có hiệu quả hơn.