Tỷ lệ trẻ em Việt Nam tham gia lao động là dưới 10%
Số liệu này được dưa ra trong buổi công bố Báo cáo tuổi thơ toàn cầu 2019 của Tổ chức Cứu trợ Trẻ em phối hợp với Cục Trẻ em (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) tổ chức ngày 30/7.
Báo cáo Tuổi thơ toàn cầu đưa ra Bảng xếp hạng các quốc gia theo thang điểm từ 1 đến 1.000 dựa trên các chỉ số “kết thúc tuổi thơ” – đó là những bước ngoặt trong cuộc sống khiến trẻ em bị mất đi tuổi thơ của chính mình như tảo hôn, có thai ở tuổi vị thành niên, không được đi học, ốm yếu, suy dinh dưỡng và tử vong. Bảng xếp hạng của năm 2019 đã cho thấy rõ tuổi thơ của trẻ em ở 173/176 quốc gia được xếp hạng đã được cải thiện rất nhiều so với thời điểm năm 2000.
Cụ thể hơn, so sánh Bảng xếp hạng của năm 2000 và 2019 đã cho thấy điểm số của Việt Nam đã tăng thêm 67 điểm, từ 764 (năm 2000) lên 831 (năm 2019). Đây là một thành tựu lớn và nhờ đó giúp Việt Nam tăng thêm 1 hạng trên Bảng xếp hạng trong năm 2019 so với năm 2018, xếp hạng 95 trên 176 quốc gia.
Thứ hạng các quốc gia trong khu vực cụ thể như sau Campuchia xếp hạng 120, Thái Lan 85, Philippines 102, Indonesia 107, và Lào 145.
Singapore là quốc gia đứng đầu Bảng xếp hạng, đứng ở các vị trí tiếp theo trong Top 10 gồm có 8 quốc gia Tây Âu và Hàn Quốc. Trong khi đó, những quốc gia đạt được tiến bộ lớn nhất trên Bảng xếp hạng có tên Sierra Leone, Rwanda, Ethiopia và Niger – những quốc gia nghèo nhất trên thế giới.
Bản báo cáo cũng cho biết có ít nhất 280 triệu trẻ em trên thế giới đã có cơ hội lớn lên khỏe mạnh, được đi học và được sống trong an toàn hơn trong 2 thập kỷ qua. Nếu so sánh với con số 970 triệu trẻ em bị mất tuổi thơ của năm 2000 thì hiện vẫn còn 690 triệu trẻ em chưa được hưởng trọn vẹn tuổi thơ của mình.
Phát biểu tại buổi công bố, bà Dragana Strinic, Trưởng đại diện của Tổ chức Cứu trợ đã chúc mừng những tiến bộ mà Việt Nam đã được trong hai thập kỷ qua.
Bà Dragana nhấn mạnh: “Việc giảm mạnh tỉ lệ lao động trẻ em cũng như tỉ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi đã góp phần rất lớn trong việc cải thiện cuộc sống của trẻ em Việt Nam hôm nay. Trong hai thập kỷ qua, tỉ lệ lao động trẻ em đã giảm đáng kể. Năm 2000, tỉ lệ trẻ em trong độ tuổi từ 5-14 tham gia lao động là 28%; hiện nay, con số này là dưới 10%. Tỉ lệ suy dinh dưỡng thấp còi còn 24,6%, so với 36,5% của năm 2000. Tổ chức Cứu trợ Trẻ em đã và đang hợp tác chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam để đưa những con số này xuống thấp hơn nữa, đặc biệt là ở nhóm trẻ em dân tộc thiểu số”.
Việt Nam là một trong những nước đầu tiên phê chuẩn Công ước quốc tế của Liên Hợp Quốc về Quyền trẻ em và Công ước về Lao động Trẻ em của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO). Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu kinh tế, giúp giảm tỉ lệ đói nghèo, theo đó nhiều trẻ em đã không còn phải lao động hỗ trợ gia đình. Hơn nữa, Việt Nam còn đầu tư rất nhiều trong lĩnh vực giáo dục, giúp tăng tỉ lệ nhập học cho một bộ phận lớn trẻ em dân tộc thiểu số và trẻ em sống ở vùng sâu vùng xa. Những thành tựu tăng trưởng kinh tế và nguồn viện trợ nước ngoài cũng đã được tận dụng một cách hiệu quả để thiết kế những chương trình mang lại lợi ích lớn cho trẻ em trong nước.
Bên cạnh những thành tựu đạt được, một trong những mối lo ngại được nêu bật lên trong Báo cáo Tuổi thơ toàn cầu là tỷ lệ trẻ em phải sống ở các khu vực có xung đột bạo lực không đạt được tiến bộ nào và số lượng trẻ em sống ở vùng chiến sự hoặc bị buộc phải rời khỏi nhà hoặc nơi sinh sống của mình đã tăng rất nhanh nếu tính từ năm 2000. Cũng theo báo cáo, hiện nay, cứ trong 4 trẻ em vẫn còn 1 em bị mất tuổi thơ.
Để ngăn chặn tình trạng trẻ em bị mất đi tuổi thơ cần phải có những nỗ lực toàn cầu. Tổ chức Cứu trợ Trẻ em kêu gọi Chính phủ các nước đầu tư cho trẻ em, bảo đảm mọi trẻ em được đối xử bình đẳng, bảo đảm bao phủ mọi trẻ em cho dù các em có là ai và đến từ đâu.