Tỷ lệ tử vong do đột quỵ tại Việt Nam cao gấp 1,5 lần Thái Lan
Nếu so sánh với Thái Lan, tỷ lệ tử vong do đột quỵ tại Việt Nam cao gấp 1,5 lần. Trong đó, tử vong do nhồi máu não cao gấp 3 lần.
Tại hội thảo Tương lai phòng ngừa đột quỵ diễn ra hôm nay (7/12), TS.BS Võ Văn Tân - Trưởng khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Nhân dân Gia Định - cho biết theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới, mỗi năm, toàn cầu có 13,7 triệu người mất vì đột quỵ. Tỷ lệ người mắc đột quỵ sau 25 tuổi lên tới 25%.
Đây là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ hai thế giới với 5,5 triệu người/năm. Ngoài ra, đột quỵ cũng là nguyên nhân hàng đầu gây tàn phế ở người trẻ và gây ảnh hưởng đến 116 triệu người.
Tại Việt Nam, theo BS Tân, tỷ lệ mắc bệnh là 1.100-1.200/100.000 người, tỷ lệ tử vong vì đột quỵ là 210/100.000 người.
Có 77% bệnh nhân sau khi điều trị đột quỵ có khả năng quay lại cuộc sống bình thường, 21% bị tàn phế và 8,3% tử vong. Nếu so sánh với Thái Lan, tỷ lệ tử vong do đột quỵ tại Việt Nam cao gấp 1,5 lần, trong đó tử vong do nhồi máu não cao gấp 3 lần.
Bác sĩ Tân đánh giá công tác điều trị đột quỵ tại Việt Nam đã có nhiều tiến bộ, nhưng sau 10 năm, đây vẫn là nguyên nhân tử vong hàng đầu. Đột quỵ ngày càng là gánh nặng của y tế Việt Nam do 4 nguyên nhân chính.
“Thứ nhất, công tác dự phòng tiên phát và thứ phát chưa tối ưu. Thứ 2, điều trị đột quỵ cấp chuẩn chưa được áp dụng rộng rãi tại khắp các tuyến. Thứ 3, khả năng cập nhật kiến thức điều trị đột quỵ cấp còn hạn chế. Và cuối cùng, trình độ điều trị ở các tuyến chưa đồng đều, thiếu công tác chăm sóc sau đột quỵ” - bác sĩ Tân thông tin.
31 địa phương đồng thuận xây dựng mạng lưới phòng chống ung thư
Tại Hội nghị Y tế vùng diễn ra ngày 7/12 tại tỉnh Vĩnh Long, lãnh đạo Sở Y tế của 31 tỉnh, thành thuộc vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, Đông Nam Bộ, Tây Nguyên và Duyên hải Trung Bộ đã đồng thuận ký kết xây dựng và phát triển mạng lưới phòng, chống ung thư theo quy mô vùng.
Các tỉnh, thành sẽ triển khai thực hiện kế hoạch phòng, chống ung thư giai đoạn từ nay đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2045, giúp nâng cao hiệu quả điều trị và chất lượng sống cho người bệnh ung thư trong khu vực.
Bệnh nhân sẽ được chăm sóc từ lúc tầm soát sớm ở giai đoạn chưa có triệu chứng đến chăm sóc giai đoạn cuối, điều trị giảm nhẹ tại cộng đồng.