Tỷ lệ tử vong vì dịch ở Mỹ đạt gần 5% gây bối rối cho giới chuyên gia

Trong khi các chính phủ đang thảo luận cách thức và thời điểm nới lỏng phong tỏa, một câu hỏi căn bản về đại dịch vẫn bỏ ngỏ: Covid-19 có tỷ lệ tử vong là bao nhiêu?

Tỷ lệ tử vong vì Covid-19 thay đổi nhiều từ nước này sang nước khác, thậm chí trong cùng một nước nhưng từ tuần này sang tuần khác. Ở Đức, tỷ lệ tử vong là 3 trên 100 người. Ở Italy, tỷ lệ này cao gấp 5 lần.

Singapore chỉ có 10 ca tử vong trên 4.427 ca nhiễm tính đến ngày 16/4, tức tỷ lệ rất thấp chỉ 0,2%, không khác cúm mùa.

 Nhân viên tang lễ đưa thi thể lên xe chở xác ở Brooklyn, New York ngày 8/4. Ảnh: AFP.

Nhân viên tang lễ đưa thi thể lên xe chở xác ở Brooklyn, New York ngày 8/4. Ảnh: AFP.

Trái lại, tỷ lệ tử vong ở Mỹ tăng dần, từ 1,35% cuối tháng 3, lên 4% ngày 15/4, lại tăng lên 5% ngày 16/4, sau khi thành phố New York tính thêm hàng nghìn ca tử vong “có thể đã nhiễm virus”.

Điều đó không có nghĩa Covid-19 đang gây tử vong mạnh hơn. Thường mất nhiều tuần, Covid-19 mới dẫn đến tử vong, nên tỷ lệ tử vong tăng có thể phản ánh các ca nhiễm từ những tuần trước đó, theo Washington Post.

Khó xác định tỷ lệ nếu không xét nghiệm đủ

Khi chưa xét nghiệm diện rộng để biết đầy đủ số người nhiễm, khó có thể xác định tỷ lệ tử vong trong cộng đồng dân số. Giới khoa học cũng đã nói nhiều người nhiễm không triệu chứng.

Ở bang Michigan, nơi tỷ lệ tử vong cao vọt lên tới 7,2%, các chuyên gia nhận định cần thêm xét nghiệm.

Việc không xét nghiệm đủ, cũng như yếu kém trong hệ thống theo dõi y tế đang khiến nhiều nơi lo ngại về việc đếm thiếu ca tử vong. Một số nơi đã chỉnh lại số ca tử vong trong thống kê.

Vũ Hán vừa đối chiếu lại thống kê từ các cơ quan cảnh sát, y tế, nhà tang lễ, và tính thêm 1.290 người chết vì Covid-19, nâng tổng số nạn nhân lên 3.869. Số ca nhiễm tăng thêm 325, lên 50.333 ca.

Thành phố New York ngày 14/4 đã sửa lại số ca tử vong vì Covid-19, tăng con số thêm hơn 3.700 nạn nhân để tính cả những người chưa được xét nghiệm nhưng nhiều khả năng nhiễm virus.

Tỷ lệ tử vong bằng số ca tử vong chia cho số ca nhiễm được xác nhận. Trong khi cuộc khủng hoảng dịch bệnh vẫn đang diễn ra, cả tử số và mẫu số đều liên tục thay đổi.

“Chúng ta cần xét nghiệm nhiều hơn”, Teena Chopra, giáo sư về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Wayne State, nói với Washington Post.

 Nạn nhân của virus corona được đưa tới nơi an nghỉ ở Flint, Michigan. Ảnh: Washington Post.

Nạn nhân của virus corona được đưa tới nơi an nghỉ ở Flint, Michigan. Ảnh: Washington Post.

So sánh với đại dịch cúm 1918

Với khả năng lây lan mạnh và tỷ lệ tử vong như trên, dịch Covid-19 đang được so sánh với đại dịch cúm năm 1918.

Hai đại dịch do các virus hoàn toàn khác nhau và diễn ra trong những thời hoàn toàn khác nhau. Đại dịch 1918 diễn ra khi virus chưa được hiểu rõ, can thiệp y tế còn sơ khai, nhiều nước còn chiến tranh liên miên nên kiểm duyệt tin tức về dịch bệnh.

Không ai biết chính xác bao nhiêu người tử vong vì cúm 1918, các ước tính là từ 15 triệu đến 100 triệu người trên toàn cầu. Các sử gia ước tính riêng ở Mỹ có 675.000 người tử vong trong ba đợt dịch.

Nhưng trái với dịch Covid-19, vào năm 1918, nhiều người cao tuổi dường như phần nào đã miễn dịch với virus cúm, có thể do đã tiếp xúc với virus cúm trước đó. Tuổi trung vị của nạn nhân cúm 1918 là 28.

“Nếu đúng là tỷ lệ tử vong của Covid-19 cao hơn cúm 1918, đại dịch lần này có thể giết nhiều người hơn thế”, Donald Forthal, chuyên gia về miễn dịch tại Đại học California - Irvine, nói. “Chưa có gì như vậy trong thế hệ của tôi, hoặc thế hệ của cha mẹ tôi, hoặc thế hệ trước đó sống qua năm 1918”.

Ước tính của một học giả về đại dịch 1918-1920 cho thấy đại dịch làm chết 218 trên 100.000 người trên thế giới vào thời điểm đó. Đại dịch lần này chưa đến mức vậy, nhưng virus mới chỉ lây lan vài tháng.

Câu hỏi liệu virus corona có gây tử vong mạnh như vậy không “sẽ phụ thuộc xem đại dịch kéo dài bao lâu”, Jason Oke, nhà thống kê y học tại Đại học Oxford, nói.

 Một nhà kho được chuyển thành cơ sở cách ly trong dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918. Ảnh: Getty Images.

Một nhà kho được chuyển thành cơ sở cách ly trong dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918. Ảnh: Getty Images.

Tỷ lệ tử vong khác nhau giữa các nhóm

Virus SARS-CoV-2 không chỉ lây lan mạnh và có nguy cơ gây tử vong, mà còn khó đoán. Virus này có thể làm chết người hoặc không gây triệu chứng nào. Hầu hết ca nhiễm có triệu chứng nhẹ, hồi phục tại nhà.

Một số bệnh nhân tưởng đang hồi phục, lại chuyển hướng và tệ đi nhanh chóng. Có những lo ngại về tác động lâu dài của bệnh. Được xếp vào nhóm bệnh hô hấp, nhưng Covid-19 được cho là tác động cả đến tim, gan, thận.

Virus được cho là nguy hiểm hơn nhiều với người cao tuổi, gây ra những ca nặng. Dù vậy, đa số người nhiễm ở mọi nhóm tuổi, kể cả trên 85 tuổi, vẫn sẽ hồi phục.

Nghiên cứu ban đầu cho thấy virus không đột biến đáng kể khi lan truyền, và không có bằng chứng cho thấy có chủng virus SARS-CoV-2 ở nơi nào đó trên thế giới nguy hiểm hơn các nơi còn lại.

Những các nơi khác nhau sẽ có thành phần dân số khác nhau. Một số nước châu Âu có nhiều người cao tuổi, như Bỉ, Pháp, Italy, Hà Lan, Tây Ban Nha và Anh, đang ghi nhận tỷ lệ tử vong cao hơn 10%.

Một yếu tố khác ảnh hưởng tỷ lệ tử vong là số người mắc bệnh mãn tính. Hầu hết ca bệnh nặng phải nhập viện là người có bệnh mãn tính như tiểu đường, bệnh phổi và bệnh tim. Nơi nào có nhiều người bị huyết áp cao, nơi đó cũng sẽ có nhiều ca tử vong vì Covid-19.

Ở Mỹ, đây là vấn đề lớn với các động đồng da màu hay người nghèo, vì họ có tỷ lệ các bệnh trên cao hơn, khó tiếp cận chăm sóc y tế hơn.

“Chúng tôi thấy tỷ lệ nhiễm bệnh không quá khác, nhưng tỷ lệ tử vong của người da đen cao hơn gấp 2-3 lần người da trắng”, Thị trưởng thành phố Detroit Mike Duggan nói về thành phố của ông.

Ông nói người Mỹ gốc Phi có tỷ lệ bị bệnh thận mãn tính cao gấp 3 lần so với người Mỹ da trắng. Đối với bệnh tim, người Mỹ gốc Phi có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn 25% so với người da trắng.

 Nhân viên nhà tang lễ đưa đi thi thể một người nghi nhiễm virus corona từ một chung cư ở Vũ Hán vào tháng 2. Ảnh: AP.

Nhân viên nhà tang lễ đưa đi thi thể một người nghi nhiễm virus corona từ một chung cư ở Vũ Hán vào tháng 2. Ảnh: AP.

Phụ thuộc hệ thống y tế, chính sách

Quan trọng không kém là hệ thống y tế. Ở Nhật Bản (tỷ lệ tử vong đang là 1,6%) và Singapore, tỷ lệ cho bệnh nhân Covid-19 nhập viện lên tới 80% hoặc cao hơn - con số không tưởng ở Mỹ. Như vậy, các bệnh nhân được chữa trị, đồng thời được cách ly không để lây nhiễm thêm, dẫn đến ít ca tử vong hơn.

Chính sách rõ ràng cũng sẽ tạo khác biệt. Một số nước có tỷ lệ tử vong thấp - Đức, Hàn Quốc, Na Uy - đều đã có tỷ lệ xét nghiệm cao, cho phép các nước này hiểu rõ tình hình dịch bệnh trong lãnh thổ của mình.

Tương tự, ở Mỹ, John Balmes, giáo sư Trường Y, Đại học California ở San Francisco, cho biết bệnh viện trường ông đã chuẩn bị trước bằng việc tăng gấp ba sức chứa khoa chăm sóc đặc biệt (ICU), nhưng sự quá tải mà họ dự kiến không hề xảy ra, vì San Francisco ra lệnh giãn cách xã hội trước New York vài ngày.

“Hệ thống chăm sóc đặc biệt ở New York cũng tốt như chúng tôi ở California, nhưng cuối cùng họ bị quá tải. Chúng tôi giãn cách xã hội chỉ vài ngày sớm hơn New York, nhưng đó lại là vài ngày quan trọng”, ông Balmes nói.

Tỷ lệ tử vong ở Trung Quốc ban đầu ở 2,3%. Sang ngày 3/3, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố tỷ lệ tử vong toàn cầu là 3,4% dựa vào số liệu ở các nước khác tính đến thời điểm đó. Quan chức Mỹ lại dự đoán tỷ lệ tử vong có thể giữa 0,1% đến 1%.

Nhưng hơn một tháng sau, ngày 16/4, con số của WHO lại tăng lên tới 6,6%.

Tỷ lệ tử vong sẽ luôn là một con số không chính xác, nhưng giữa một đại dịch, tất cả chúng ta có thể làm là ước tính.

Ở đại dịch lần này, việc xét nghiệm không đủ khiến nhiều ca nhiễm bị bỏ sót. Những người không có triệu chứng không có lý do gì để đi xét nghiệm.

Trọng Thuấn

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/ty-le-tu-vong-vi-dich-o-my-dat-gan-5-gay-boi-roi-cho-gioi-chuyen-gia-post1074533.html