Tỷ lệ tử vong vì suy tim cao hơn nhiều loại ung thư
Theo thống kê, tỷ lệ người bệnh suy tim tử vong sau 5 năm cao hơn nhiều loại ung thư. Việc quản lý bệnh nhân suy tim tại Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn, thách thức.
Ngày 6-9, Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức) tổ chức hội thảo khoa học về quản lý bệnh nhân suy tim.
Tại hội thảo, BS Vũ Hoàng Vũ, Trưởng Khoa Tim mạch Can thiệp, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM cho biết, tỷ lệ bệnh nhân suy tim chiếm khoảng 30% bệnh nhân nhập viện ở các khoa tim mạch. Tại Việt Nam, cứ 4 bệnh nhân suy tim sẽ có 1 trường hợp tử vong sau 1 năm được chẩn đoán. Trên thế giới, tỷ lệ người bệnh suy tim tử vong sau 1 năm là khoảng 15-30% và sau 5 năm là 50-75%. BS Vũ Hoàng Vũ đánh giá, suy tim đang là gánh nặng của hệ thống y tế với chi phí điều trị rất tốn kém, tỷ lệ tử vong cao hơn một số loại ung thư. Mục tiêu điều trị hiện nay là giảm tỷ lệ tử vong, giảm nguy cơ tái nhập viện, cải thiện triệu chứng để nâng chất lượng sống cho người bệnh suy tim.
Theo BS Trần Văn Khanh, Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh, quản lý bệnh nhân suy tim ở Việt Nam đang gặp nhiều thách thức. Bệnh viện và cơ sở y tế thiếu thốn về nguồn lực, thiết bị, nhân lực so với nhu cầu điều trị ngày càng tăng. Ngành y tế chưa có hệ thống quản lý bệnh nhân suy tim toàn diện và đồng bộ trên cả nước. Bên cạnh đó, nhiều bệnh nhân và gia đình chưa hiểu biết đầy đủ về bệnh nên tuân thủ điều trị kém.
Tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh, chương trình quản lý bệnh nhân suy tim được triển khai với quy trình từ chăm sóc bệnh nhân nội trú, đánh giá trước xuất viện, lập phòng khám suy tim, điều trị suy tim ngoại trú. Trong đó, phòng khám suy tim là cơ sở để theo dõi, tối ưu hóa điều trị, tư vấn dinh dưỡng và tâm lý cho người bệnh, góp phần giảm nguy cơ tái nhập viện, giảm gánh nặng chi phí điều trị.
Theo BS Trần Văn Khanh, cần xây dựng các mô hình chăm sóc phối hợp giữa bệnh viện, cơ sở y tế và cộng đồng để theo dõi, điều trị bệnh nhân suy tim một cách liên tục. Đồng thời, ứng dụng công nghệ số, tư vấn sức khỏe từ xa để cải thiện việc quản lý bệnh nhân; đào tạo đội ngũ nhân viên y tế, nâng cao nhận thức của bệnh nhân và cộng đồng; cần có chính sách hỗ trợ tài chính cho bệnh nhân suy tim, phát triển các chương trình quản lý bệnh mãn tính tại cộng đồng; đẩy mạnh nghiên cứu về suy tim tại các trường đại học, viện nghiên cứu và hợp tác quốc tế. Các giải pháp trên sẽ giúp cải thiện hiệu quả tình hình quản lý bệnh nhân suy tim tại Việt Nam, giảm tải cho hệ thống y tế và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh.
Theo thống kê của Hội Tim mạch châu Á - Thái Bình Dương, ước tính tổng chi phí nhập viện do suy tim ở châu Á - Thái Bình Dương lên đến 48 tỷ USD. Thời gian nằm viện trung bình của bệnh nhân suy tim là 5 đến 12 ngày, khoảng 15% bệnh nhân tái nhập viện trong vòng 30 ngày. Ước tính hiện có 64,3 triệu người mắc bệnh suy tim trên toàn thế giới. Tại các nước phát triển, cứ mỗi 5 người thì sẽ có 1 người mắc suy tim. Hiện Việt Nam chưa có số liệu thống kê chính thức, nhưng ước tính có khoảng 320.000 đến 1,6 triệu người mắc suy tim cần chăm sóc và điều trị.
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/ty-le-tu-vong-vi-suy-tim-cao-hon-nhieu-loai-ung-thu-post757573.html